Trang chủ Tin tức 28 bộ ngành, địa phương lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai

28 bộ ngành, địa phương lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai

bởi Linh

Theo thông kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 7/2, đã có 28 bộ, ngành, địa phương tại các khu vực trên cả nước ban hành Kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa có báo cáo tiến độ thực hiện kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và tổng hợp, tiếp thu ý kiến nhân dân, theo tinh thần Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ.

Theo đó, tính đến ngày 7/2/2023, thống kê từ Vụ Đất đai cho thấy đã có 28 bộ, ngành, địa phương tại các khu vực trên cả nước ban hành Kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

28 bộ ngành, địa phương lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Trong đó, về phía các bộ/ngành, hiện có Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Về phía các địa phương, hiện có 25 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch trên, bao gồm: Hà Giang, Điện Biên, Yên Bái, Lạng Sơn, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Bình Thuận, Đăk Nông, Gia Lai, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được 2 ý kiến góp ý bằng văn bản; 197 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên website lấy ý kiến nhân dân (https://luatdatdai.monre.gov.vn).

Nội dung góp ý tập trung ý kiến nhiều nhất tại chương I quy định chung; chương VII bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; chương X đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; chương VI thu hồi đất, trưng dụng đất; chương XI tài chính về đất đai, giá đất; chương IX giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Trước đó, ngày 30/1/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 120/QĐ – BTNMT ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 170/NQ-CP. Theo đó, từ ngày 20/2-15/3, cơ quan này sẽ tổ chức các đoàn công tác theo dõi, đôn đốc việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại các địa phương.

Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 170/NQ-CP đồng thời huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân để hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng vì lợi ích của nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai sửa đổi trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân trước ngày 27/3/2023; trình Chính phủ báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến góp ý trước ngày 1/4/2023; báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 5/4/2023.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu cho Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi), báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ V, trước ngày 25/4/2023./.

Có thể bạn quan tâm