Bất động sản “đi dây thăng bằng” giữa khó khăn tài chính, thanh khoản; Nhà đất bỏ hoang đánh thuế cao, nhà đất lấn chiếm thẳng tay thu hồi… là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.
Bất động sản “đi dây thăng bằng” giữa khó khăn tài chính, thanh khoản
Số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản phá sản tăng gần 40% trong năm qua cho thấy thị trường đang mức độ sàng lọc rất lớn. Tuy vậy những doanh nghiệp có tiềm lực đang trụ lại thị trường vẫn cần “giữ thăng bằng” với các chiến lược đúng về phân khúc sản phẩm, nhân sự hay sức khỏe tài chính để phục hồi.
Đại diện một doanh nghiệp bất động sản tại khu vực phía Nam từng chia sẻ, thị trường đầu năm 2022 tưởng chừng như khởi sắc trở lại khi Covid-19 lắng xuống tuy nhiên diễn biến ngược lại hầu hết các dự báo. Vướng mắc lớn nhất với các doanh nghiệp bất động sản hiện nay là tình trạng giảm mạnh thanh khoản dẫn đến cạn kiệt dòng tiền. Bên cạnh đó việc tín dụng vẫn bị kiểm soát chặt cũng làm cho nhiều doanh nghiệp lâm vào thế khó trong việc triển khai dự án mới.
“Đối với các hình thức huy động vốn khác thì nhiều doanh nghiệp đang phải xử lý các vấn đề phát sinh như trái phiếu, cổ phiếu giảm giá, cam kết lợi nhuận với các quỹ đầu tư… Tất cả những khó khăn đó như một “màng lọc” của thị trường, điều này khiến những doanh nghiệp không đủ quy mô hay nền tảng về tài chính sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi”, vị này cho hay.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Những yếu tố định hướng đầu tư vào bất động sản châu Á – Thái Bình Dương năm 2023
Nhờ vào các lực đẩy vĩ mô và vi mô, thị trường bất động sản châu Á – Thái Bình Dương được kỳ vọng sẽ thu hút đầu tư mạnh mẽ và khởi sắc hơn vào nửa cuối năm 2023.
Theo Colliers, các nhà đầu tư bất động sản đang giữ thái độ thận trọng và dự đoán cuối năm 2023 sẽ là thời điểm tăng trưởng kinh tế ổn định và đầu tư sinh lời dài hạn. Mặc dù lo ngại suy thoái do ảnh hưởng của biến động kinh tế thế giới, nhiều nhà đầu tư cá nhân cũng như doanh nghiệp đã và đang chuẩn bị kế hoạch đầu tư vào bất động sản khu vực châu Á – Thái Bình Dương, do khu vực này vẫn sở hữu những lợi thế nhất định.
Dưới đây là một số yếu tố quan trọng thúc đẩy và định hình hoạt động đầu tư của cá nhân và doanh nghiệp vào thị trường bất động sản châu Á – Thái Bình Dương.
Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu được dự đoán sẽ tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát vào năm 2023 nhưng tốc độ sẽ chậm hơn. Lạm phát dai dẳng, bên cạnh việc làm tăng giá hàng hóa, gián đoạn chuỗi cung ứng, cản trở sự phục hồi nhu cầu và sức mua trong nước, còn khiến các đồng tiền châu Á suy yếu so với đô la Mỹ. Điều này dẫn đến việc bất động sản châu Á – Thái Bình Dương trở nên rẻ hơn tính theo đồng đô la, nên có khả năng thúc đẩy các thỏa thuận mua bán hiện đang bị trì hoãn.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Nhiều doanh nghiệp lớn muốn đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong
13 tập đoàn, công ty lớn quan tâm đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) Vân Phong cho biết đơn vị này đã có kế hoạch làm việc với các doanh nghiệp quan tâm đề xuất đầu tư các dự án ưu tiên thu hút vào KKT Vân Phong và các Khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Cụ thể, từ 7/2 -15/2/2023, đơn vị sẽ làm việc với 13 nhà đầu tư lớn. Theo kế hoạch, có 8 nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào khu vực Nam Vân Phong và các KCN, gồm: Công ty CP Dầu khí Đông Phương (dự án về lọc hóa dầu, năng lượng, công nghiệp); Công ty Stavian Hóa chất, Công ty Stavian Land (dự án về hóa dầu, công nghiệp); Công ty CP Trung Nam (dự án về năng lượng, KCN); Công ty CP Sonadezi (dự án về đầu tư phát triển KCN); Tổng công ty Becamex IDC (dự án về đầu tư phát triển KCN); Công ty CP SSI (dự án về đầu tư phát triển KCN); Công ty CP Sinnes (dự án về đầu tư phát triển KCN); Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (dự án về đầu tư xây dựng cảng biển).
Xem thông tin chi tiết tại đây
Bức tranh trái phiếu doanh nghiệp 2023: Trong nguy có cơ
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sắp tới sẽ bước vào chu kỳ mới với nhiều thay đổi cốt lõi hướng tới sự phát triển bền vững hơn.
Tại báo cáo Nhìn lại 2022 và Triển vọng thị trường vốn 2023 phát hành mới đây, FiinRatings kỳ vọng các chính sách mới và môi trường lãi suất hạ nhiệt sẽ khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.
Theo đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sắp tới sẽ bước vào chu kỳ mới với nhiều thay đổi cốt lõi nhằm giúp kênh vốn này phát triển bền vững hơn. Các chính sách mới sẽ là tín hiệu tích cực để thị trường bất động sản có cơ hội hồi phục.
Theo FiinRatings, năm 2022, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp chỉ bằng 36,29% tổng giá trị năm 2021. Ước tính đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ có điểm rơi vào năm 2023 và 2024, tương đương 157,97 nghìn tỷ đồng và 341,27 nghìn tỷ đồng. Thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm và có dòng tiền yếu.
Trong đó, doanh nghiệp bất động sản đang đối mặt với rủi ro thanh khoản và rủi ro tái cấp vốn cao hơn. Gánh nặng đáo hạn của ngành bất động sản 2 năm tới sẽ lên tới 230,86 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,2% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường. Trong khi đó, phần lớn các trái phiếu trên được phát hành với thời gian đáo hạn từ 3,5 năm trở xuống, cho thấy nhu cầu vay vốn để tái cấp vốn của ngành là rất lớn. Các doanh nghiệp sẽ buộc phải dựa vào dòng tiền hiện có hoặc tiếp cận các nguồn vay bên ngoài rủi ro hơn.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Nhà đất bỏ hoang đánh thuế cao, nhà đất lấn chiếm thẳng tay thu hồi
Đồng tình với đề xuất đánh thuế cao với nhà đất bỏ trống, không sử dụng, chậm sử dụng hoặc sử dụng chưa đúng mục đích; còn với nhà, đất lấn chiếm, các chuyên gia cho rằng cần thu hồi chứ không đánh thuế.
Dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 đang được Bộ Tư pháp tổng hợp lấy ý kiến. Nội dung đáng chú ý là đề xuất ban hành Luật thuế Bất động sản.
Trong đó, Bộ Tư pháp đề nghị đánh thuế đối với toàn bộ diện tích đất ở và nâng thuế suất cao hơn mức hiện nay (0,03%) là cần thiết để phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhằm tạo được sự đồng thuận của người dân, mức thuế suất cần được tính toán cho phù hợp với khả năng nộp thuế của người dân.
Riêng đối với nhà, đất lấn chiếm; nhà, đất bỏ trống; nhà, đất chưa đưa vào sử dụng hoặc chậm đưa vào sử dụng; nhà đất sử dụng chưa đúng mục đích, Bộ Tư pháp đề nghị áp thuế suất cao nhằm ngăn chặn hoạt động đầu cơ bất động sản.
Ngay khi những đề xuất này đưa ra, các chuyên gia đã có những ý kiến đồng tình và không đồng tình với một số đề xuất.
Xem thông tin chi tiết tại đây