Động thái lạ của môi giới bất động sản đầu năm mới; Chú trọng kiểm tra việc sử dụng nhà, đất công để kinh doanh, cho thuê… là những tin tức bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.
Động thái lạ của môi giới bất động sản đầu năm mới
Nhiều môi giới bất động sản “bất chấp ra quân” mặc cho thị trường chưa có dấu hiệu ấm lên. Một số khác vẫn nghỉ Tết đến hết tháng Giêng.
Ghi nhận cho thấy, hoạt động môi giới bất động sản đầu năm mới chưa có sự đột biến so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, một số nhóm môi giới thay vì ngồi im chờ đợi đã có động thái “tấn công” thị trường bằng các hoạt động rao bán sản phẩm liên tục, dẫn khách đi xem đất. Mặc dù nhiều khách hàng khá thận trọng xuống tiền ở giai đoạn này.
Điều này được nhìn thấy rõ qua việc các môi giới chủ động tìm kiếm nguồn hàng phân phối, đăng tải thông tin liên tục để tìm khách hàng. Bên cạnh sản phẩm căn hộ, đất nền, nhà phố, môi giới cho thuê mặt bằng hoạt động nhộn nhịp ở giai đoạn này.
Ở một số khu vực, môi giới đã có khách hàng để dẫn đi xem đất đầu năm. Tại địa bàn Nhơn Trạch, các sàn bất động sản lâu năm vẫn có giao dịch thời điểm này, dù thấp hơn hẳn so với cùng kì năm ngoái. Trong khi số khác còn nghỉ Tết, chưa trở lại làm việc.
Tại khu vực Quận 9 (cũ, nay là TP.Thủ Đức), Hóc Môn, Chủ Chi (TP.HCM) dù hoạt động môi giới cầm chừng, nhưng nếu so với giai đoạn trước Tết, có phần khởi sắc hơn. Các môi giới chủ động “tạo không khí” cho thị trường bất động sản đầu năm mới.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Chú trọng kiểm tra việc sử dụng nhà, đất công để kinh doanh, cho thuê
Bộ Tài chính vừa có công văn số 1076/BTC- QLCS gửi các bộ, ngành, địa phương về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu chú trọng kiểm tra việc sử dụng tài sản công là nhà, đất vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý việc sử dụng tài sản công (TSC), Bộ Tài chính vừa có công văn đề nghị bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan trung ương, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện nghiêm và đầy đủ các quy định của Luật Quản lý, sử dụng TSC, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan về quản lý, sử dụng TSC; đặc biệt là việc sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần lập, thẩm định, phê duyệt đề án sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; đồng thời, tổ chức thực hiện theo đề án đã được phê duyệt; xác định giá trị tài sản để đưa vào liên doanh, liên kết, xác định giá cho thuê TSC…
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thách thức nguồn cung bủa vây thị trường nhà ở năm 2023
Khan hiếm nguồn cung mới, trong khi nguồn cung hiện hữu lại chủ yếu nằm ở phân khúc cao cấp, thiếu vắng nguồn cung nhà ở giá rẻ – đó là thực tế đã diễn ra trong nhiều năm trở lại đây trên thị trường bất động sản. Đặc biệt, sự sụt giảm có phần mạnh mẽ hơn trong năm 2022 đã tạo nên những thách thức cho thị trường nhà ở năm 2023 khi bức tranh nguồn cung vẫn khó cải thiện trong ngắn hạn.
“Không phải hiện nay người dân không có nhu cầu, không có nguồn tài chính mà là trên thực tế không có sản phẩm phù hợp”, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh.
Rời quê hương lên Thủ đô lập nghiệp đã ngót nghét gần chục năm, vợ chồng chị Nguyễn Kim Thoa (quê ở huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) vẫn luôn mơ ước đến ngày có được một căn nhà của riêng mình để thoát cảnh phải đi thuê trọ hàng tháng. Vậy nhưng đến nay, với khả năng tài chính là 1 tỷ đồng được tích cóp từ đồng lương ít ỏi của 2 vợ chồng, hành trình tìm tổ ấm an cư của anh chị vẫn chẳng khác nào “mò kim đáy bể” khi các dự án phù hợp với nhu cầu tài chính rất khan hiếm. Đồng lương của những người lao động như anh chị vẫn rất “hụt hơi” trong cuộc chạy đua với giá nhà.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Doanh nghiệp địa ốc vượt khủng hoảng: Biến nội lực thành động lực
Khả năng chống chịu và vượt qua khủng khoảng, khó khăn của doanh nghiệp địa ốc sẽ phụ thuộc vào thái độ tiếp nhận và xử lý biến động cùng nội lực của mỗi doanh nghiệp.
Cận kề bờ vực phá sản, thu hẹp quy mô hoạt động, cắt giảm nhân sự… là bức tranh chung của nhiều doanh nghiệp địa ốc trong quý IV/2022 vừa qua. Một số doanh nghiệp còn gửi đơn “kêu cứu” lên cơ quan chức năng khi đứng trước tình trạng “đóng băng” của các dự án và dòng tiền đổ về gần như âm.
Vì vậy, giải pháp nào để vực dậy doanh nghiệp địa ốc? Đó là chủ đề bàn thảo mà nhiều chuyên gia đặt ra trong các toạ đàm, hội thảo. Nới hạn thanh toán trái phiếu, hỗ trợ mở room tín dụng để gia tăng giải ngân cho bất động sản… là một loạt động thái mà cơ quan chức năng đưa ra giúp doanh nghiệp địa ốc bước qua khó khăn.
Tuy nhiên để vực dậy hoàn toàn, doanh nghiệp địa ốc cần có giải pháp rõ rệt và tác động mạnh mẽ hơn. Giới chuyên gia cho rằng, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp bất động sản từ phía Nhà nước là điều cần thiết nhưng hơn tất cả, chính doanh nghiệp phải tự cứu lấy mình.
Lắng nghe chia sẻ của người trong cuộc, Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Huỳnh, Tổng Giám đốc Central Group về những kế hoạch cần có để an toàn vượt qua khó khăn trong thời gian tới.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Hà Nội sắp lập quy hoạch 4 khu công nghiệp mới
UBND TP. Hà Nội mới ban hành Quyết định số 769/QĐ-UBND về việc bổ sung danh mục, kế hoạch lập các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Hà Nội bổ sung quy hoạch phân khu 4 khu công nghiệp (KCN) tại một số huyện trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, danh mục được bổ sung gồm 4 đồ án gồm: Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn (thuộc các xã Minh Trí, Tân Dân của huyện Sóc Sơn) có quy mô 302,8ha.
Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Đông Anh (thuộc các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh của huyện Đông Anh), quy mô 300ha.
Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Bắc Thường Tín (thuộc các xã Liên Phương, Văn Bình, Ninh Sở và Văn Phú của huyện Thường Tín), quy mô 112ha.
Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Phụng Hiệp (thuộc các xã Tô Hiệu, Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên và Dũng Tiến của huyện Thường Tín), quy mô 174,8ha.
Xem thông tin chi tiết tại đây