TP.HCM: Theo chân nhà đầu tư tìm mua hàng “ngộp” bất động sản; Đã đến lúc “bắt đáy” bất động sản?… là những tin tức bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.
TP.HCM: Theo chân nhà đầu tư tìm mua hàng “ngộp” bất động sản
Đi một vòng thị trường thời điểm đầu năm 2023 nhận thấy, có 3 tỷ đồng khó mua được mảnh đất ưng ý tại khu vực vùng ven TP.HCM. Tìm hàng “ngộp” cũng không phải chuyện dễ dàng ở thời điểm này.
Ghi nhận cho thấy, các khu vực như Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ, Nhà Bè giá đất có hiện tượng chững lại hoặc giảm nhẹ so với đầu năm 2022. Đây cũng là các khu vực chịu tác động của các thông tin hạ tầng, quy hoạch rõ nét nhất thời gian qua. Khi các yếu tố quy hoạch chưa hiện rõ, đồng nghĩa với các hoạt động đầu tư mua bán tại đây có phần chậm nhịp.
Một số lô đất mặt tiền biển diện tích lớn khoảng 2.000m2 tại khu vực Cần Giờ giảm từ 40 – 42 tỷ đồng xuống 35 – 36 tỷ đồng. Trong khi nhiều lô đất nền thổ cư có diện tích từ 100 – 200m2 đang giảm giá từ 10 – 15% so với đầu năm 2022.
Giá đất tại nhiều tuyến đường lớn trên địa bàn huyện Cần Giờ như Tắc Xuất, Lương Văn Nho của thị trấn Cần Thạnh có giá từ 38 – 50 triệu đồng/m2 vào đầu năm 2022. Hiện nay đã giảm còn khoảng 31 – 40 triệu đồng/m2.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Đã đến lúc “bắt đáy” bất động sản?
Theo ông Đỗ Viết Chiến – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn. Tình trạng lệch pha cung – cầu ở phân khúc thị trường nhà ở khi phân khúc cao cấp chiếm phần lớn trong khi rất thiếu nhà ở giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Thêm nữa, giá nhà và đất nền vẫn ở mức cao mặc dù giao dịch trên thị trường đã chững lại, một số địa bàn không xuất hiện giao dịch. Nguồn vốn tín dụng trong thị trường bất động sản bị lệch pha, hệ quả hiện nay là nguồn vốn tín dụng bị hạn chế.
Từ đó, ông Chiến cho rằng “chúng ta không nên nói Nhà nước cứu hay không cứu thị trường bất động sản mà phải là doanh nghiệp bất động sản thông qua cơ chế chính sách của Nhà nước để tự cứu lấy mình”.
Tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động; dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO; giảm lực lượng lao động… là điều dễ thấy với các doanh nghiệp bất động sản. Theo Bộ Xây dựng, khó tiếp cận nguồn vốn, lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Số lượng môi giới bất động sản giảm trên 60%
Số lượng doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể năm 2022 tăng khoảng 38,7% so với cùng kỳ năm trước, kéo theo lượng lớn người làm môi giới bất động sản phải nghỉ việc.
Theo đó, về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2022 đối với nhóm thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: thành lập mới là 8.593 doanh nghiệp, tăng khoảng 13,7%; quay trở lại hoạt động là 2.081 doanh nghiệp, tăng khoảng 56,7%. Tuy nhiên, đáng chú ý trong năm số lượng doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể cũng tăng khoảng 38,7% so với cùng kỳ năm trước.
“Năm 2022, vẫn là năm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản gặp nhiều thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý (như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động; dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO; có Tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động) để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại” – đại diện Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản cho hay.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Nhiều người mua căn hộ tại TP.HCM gặp khó vì không tìm được “đòn bẩy tài chính”
Sau một giai đoạn trầm lắng, thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM đã bộc lộ rõ nét những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy tốc độ hấp thụ nguồn cung mới.
Báo cáo thị trường quý IV/2022 của Savills Việt Nam cho thấy, ở phân khúc căn hộ tại TP.HCM, nguồn cung sơ cấp đạt trong năm 2022 là 21.000 căn, tăng 84% theo năm. Tuy nhiên, đến 80% trong số đó là các sản phẩm ra mắt trong 6 tháng đầu năm. Quý IV/2022 vừa qua chỉ ghi nhận 8.000 căn hộ mới mở bán. Các chủ đầu tư đang trải qua một giai đoạn khó khăn trong quá trình huy động vốn cũng như thủ tục hoàn thiện pháp lý phức tạp. Về tâm lý khách hàng, lạm phát và lãi suất vay có xu hướng tăng cao cũng ảnh hưởng đến quyết định mua nhà vào thời điểm này.
Bà Võ Thị Khánh Trang, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills TP.HCM nhìn nhận, trong nửa đầu 2022, thị trường đã có những dấu hiệu hồi phục so với năm 2021. Tuy nhiên, đến nửa sau năm 2022, lượng giao dịch chậm hơn rất nhiều.
“Có thể thấy chính sách về tín dụng được siết chặt cũng như chủ trương chống tham nhũng của Nhà nước đã khiến các quy trình hành chính để các dự án được thông qua và phát triển cũng chậm lại. Đồng thời, nguồn tiền hỗ trợ tài chính từ các ngân hàng cũng đã giảm đáng kể, khiến chủ đầu tư cũng như khách hàng gặp khó khăn để có một dòng tài chính trong việc mua hay phát triển nhà ở”, bà Trang phân tích.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Nguồn cung nhà ở xã hội sẽ cải thiện khi vướng mắc pháp lý được tháo gỡ
Sau 12 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đến nay cả nước đã hoàn thành 7,8 triệu m2 nhà ở xã hội dành cho công nhân, người lao động. Song, con số này chỉ đạt khoảng 42% chỉ tiêu đề ra. Điều này cho thấy, việc phát triển nhà ở xã hội ở nước ta vẫn còn rất chậm, nguồn cung nhà ở xã hội từ thực tế đạt được so với mục tiêu đề ra còn một khoảng cách quá lớn.
Trước thực tế này, nhận thấy được trách nhiệm của mình với cộng đồng, cùng nhu cầu nhà ở trên thị trường đang tập trung chủ yếu vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền, trong năm 2022, nhiều doanh nghiệp đã và đang quay trở lại với nhà ở xã hội. Đây được xem là tín hiệu tích cực cho thị trường nhà ở trong thời gian tới.
Tuy nhiên, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi: Liệu những nỗ lực từ một phía doanh nghiệp đã đủ để cải thiện nguồn cung nhà ở xã hội? Phải chăng Nhà nước cũng nên thể hiện rõ hơn trách nhiệm của mình trong vấn đề hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo các cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội? Bởi mấu chốt khiến nguồn cung nhà ở xã hội không cải thiện suốt nhiều năm qua đều chủ yếu xuất phát từ vướng mắc pháp lý. Khi những vướng mắc đó chưa được tháo gỡ, các doanh nghiệp dù muốn cũng khó có thể triển khai dự án nhanh chóng để sớm cân bằng cán cân cung – cầu trên thị trường.
Xem thông tin chi tiết tại đây