Bước sang năm 2023, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, doanh nghiệp không nên trông đợi vào chính sách “thần kỳ”, yêu cầu Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước “bơm” một lượng tiền lớn với lãi suất thấp cho thị trường.
*****
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần 5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhận định, tình hình thế giới có thể tiếp tục diễn biến khó lường, với những cơ hội, khó khăn, thách thức đan xen trong năm 2023 và Việt Nam cũng không tránh khỏi xu thế đó.
Việc nhận diện đa chiều bối cảnh kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ góp phần giúp doanh nghiệp chủ động ứng phó và hóa giải thách thức trong năm 2023. Trong đó, điều quan trọng là doanh nghiệp phải chấp nhận đổi mới, và sẵn sàng xoay chuyển, sáng tạo để thích nghi với bối cảnh mới. Xung quanh vấn đề này, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với Chuyên gia kinh tế – TS. Đinh Thế Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng.
NHẬN DIỆN ĐA CHIỀU BỐI CẢNH KINH TẾ
PV: Tổng kết năm 2022, Tổng cục Thống kê tiếp tục đưa ra những chỉ số rất tích cực của nền kinh tế với GDP tăng trưởng 8%, mức tăng trưởng cao nhất trong hơn 10 năm qua, chỉ số lạm phát CPI ở mức 3,15% và tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cho cả năm cũng rất cao, gần 733 tỷ USD. Mặc dù đạt kết quả rất tốt so với năm 2021, nhưng nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư vẫn cảm thấy khó khăn, vì sao vậy thưa ông?
TS. Đinh Thế Hiển: Vấn đề là ở xu thế đang từ tốt lên rồi bất ngờ suy giảm. Cụ thể là trong năm 2022 xuất khẩu tăng tốt từ quý I, quý II lên quý III, và bắt đầu chững lại rồi suy giảm ở quý IV, các ngành đều bị giảm đơn hàng và tiếp tục được dự báo sẽ khó khăn trong năm 2023. Cũng trong quý IV, các doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn trong vấn đề tín dụng, áp lực của lãi suất tăng và tình hình này vẫn còn tiếp diễn trong tháng 1, tháng 2/2023. Xu thế đó làm cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư cảm thấy tương lai bất ổn và những khó khăn vẫn sẽ đeo bám trong năm 2023.
Riêng với nhà đầu tư, điều họ quan tâm nhất là vấn đề sinh lời và kỳ vọng năm 2022 chứng khoán sẽ lên theo đúng tầm nhìn dự đoán là 2.000 điểm, bất động sản tiếp tục tăng giá. Tuy nhiên, tình hình đã đảo ngược bất ngờ, thanh khoản chứng khoán, bất động sản sụt giảm so với năm 2021, đầu năm 2022, khiến doanh nghiệp lẫn cá nhân đều cảm thấy hụt hẫng.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư chứng khoán và bất động sản cũng cảm thấy một tương lai mơ hồ và bất động sản không còn là “miếng bánh” ngon như trước. Thời gian tới, tâm lý kinh doanh dễ dàng, “mua thổ là lời” và những kinh nghiệm cũ sẽ không còn phù hợp.
Tương tự, tâm lý cũ là đầu tư căn hộ không thể lời bằng đất nền. Mặc dù căn hộ là một giải pháp nhà ở tốt nhất cho các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, trong khi những thành phố nhỏ và vùng nông thôn hầu như không có bất cập về nhà ở. Nếu tập trung đầu tư căn hộ với tỷ suất sinh lời 2 – 3%/năm thì ở góc độ tìm kiếm nhà ở của cư dân đô thị lớn thật sự chưa phải là vấn đề. Nhưng tại sao chúng ta lại đặt vấn đề nhà ở như một điều gì ghê gớm? Là vì chúng ta muốn ai cũng có căn nhà để đầu cơ. Trở lại vấn đề tại sao thị trường căn hộ là thị trường tốt nhất nhưng các nhà đầu tư lại kháo nhau rằng đầu tư căn hộ không có lời. Nhưng đó là những kinh nghiệm của các năm trước, liệu thời gian tới, những kinh nghiệm đó có được phát huy hay không?
PV: Vâng, nhiều doanh nghiệp cảm thấy tình hình năm qua đảo chiều đột ngột, dẫn đến bị động trong ứng phó. Theo ông, cần nhận diện cụ thể hơn ở những góc độ nào để chủ động trong năm 2023?
TS. Đinh Thế Hiển: Ở góc độ vĩ mô, đầu tiên là lãi suất tín dụng, doanh nghiệp thiếu vốn, hay phải vay vốn với lãi suất cao. Tuy nhiên, những vấn đề về tín dụng mà chúng ta đã gặp trong tháng 10, 11/2022 hầu như đang được Chính phủ từng bước giải quyết khá tốt. Như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu hồi cuối năm, chúng ta đã kiểm soát được lãi suất, kiểm soát được vấn đề tín dụng và đáo hạn trái phiếu và đó là bức tranh đã rõ ràng, chắc chắn chứ không phải nói suông. Những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải cuối năm 2022 sẽ từng bước được giải quyết và phục hồi trong những tháng đầu năm 2023.
Có thể nhận định, hết quý I/2023 dòng vốn sẽ đi vào doanh nghiệp tốt, hết quý II/2023 lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ trở về ổn định như năm 2019. Trong quá trình giải quyết những khó khăn này, doanh nghiệp và nền kinh tế phải chịu áp lực ở nửa đầu năm nhưng sẽ dần nhẹ đi và trở thành động lực vào nửa cuối năm.
Vấn đề thứ hai, chúng ta thấy, năm 2022, mặc dù thu ngân sách vượt chỉ tiêu nhưng đầu tư công chưa phát huy được tác dụng, mức cung tiền của Chính phủ chỉ có 7%, vẫn thấp hơn GDP, đạt tới 8% trong năm qua. Tỷ giá cũng là một vấn đề trong tháng 11/2022 nhưng hiện đã được kiềm chế, nhiều khả năng, trong năm 2023, tỷ giá có thể tăng nhẹ lại, nhưng mức 23.000 – 24.000 đồng là mức chấp nhận được so với thế giới. Trong khi đó, đầu tư công vẫn còn nhiều dư địa để Chính phủ cung tiền, tạo động lực kinh tế, ổn định vĩ mô. Như vậy, những yếu tố trong nước mà chúng ta lo lắng thì hầu như năm 2023 sẽ không đáng ngại.
Tuy nhiên, năm 2023 vẫn tiếp tục tồn tại một yếu tố nằm ngoài ý chí của chúng ta, đó là suy giảm tiêu dùng của các nước phát triển, điển hình là Mỹ, EU và Trung Quốc, làm cho sản lượng xuất khẩu chúng ta xấu đi đáng kể trong quý IV/2022. Và ít nhất hết quý I, thậm chí là quý II/2023, Việt Nam sẽ phải gánh chịu khó khăn này, kéo theo nhiều lao động mất việc làm và tác động đến tiêu dùng nội địa. Trong bối cảnh tác động toàn cầu, không chỉ Việt Nam mà ASEAN, Thái Bình Dương và các nước phát triển đều bị suy giảm, khả năng chúng ta sẽ phải chờ đợi đến hết quý II/2023, sau đó dự báo là kinh tế thế giới sẽ phục hồi và chúng ta sẽ được hưởng lợi sớm nhất, tăng trưởng trở lại vào quý III, IV/2023. Từ thuận lợi của kinh tế vĩ mô ổn định trong nước và những khó khăn dần được hóa giải, chúng ta sẽ tiếp tục trở lại đường đua phát triển như năm 2019.
Một yếu tố khá thuận lợi trong tương lai là kinh tế Trung Quốc đã mở cửa, mang lại tin tốt cho ngành xuất khẩu và du lịch. Chúng ta còn một “át chủ bài” nữa, vừa là dấu hỏi vừa là động lực. Đó là nếu Trung Quốc thực sự mở cửa thì chúng ta sẽ đón du khách Trung Quốc và tiếp tục nếu như tình hình thế giới ổn định từ quý III/2023, chúng ta sẽ đón dòng du khách quốc tế, góp phần kích thích cho nền kinh tế nội địa. Như vậy, ngược lại với năm 2022, những tháng đầu năm 2023, chúng ta tiếp tục gặp khó khăn nhưng sau đó dần dần sẽ được giải tỏa và hồi phục phát triển đi lên trong giai đoạn 6 tháng cuối năm. Riêng ngành bất động sản có thể phục hồi bắt đầu từ quý III hoặc quý IV/2023.
Nhưng thị trường bất động sản vẫn phải trả lời câu hỏi, liệu sau khi phục hồi có phát triển theo lối cũ được không? Tôi cho rằng, dưới sự chấn chỉnh của Nhà nước trong vấn đề quản lý dự án đầu tư, quản lý đất đai và kinh doanh bất động sản, thị trường sẽ không có những bát nháo, tạo sóng như những năm trước mà chỉ có phát triển ổn định với những cách thức đúng chuẩn theo những gì luật pháp Nhà nước quy định. Doanh nghiệp bất động sản buộc phải xem lại cách thức phát triển, đã đúng pháp lý và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả chưa? Tôi cho rằng, bất động sản dù có phục hồi thì cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư cá nhân đều phải tuân thủ quy luật của nền kinh tế thị trường, hiện đang ngày càng chuẩn hóa.
DOANH NGHIỆP PHẢI HOẠT ĐỘNG BẰNG THỰC LỰC, DỰA TRÊN NỀN TẢNG VĨ MÔ ỔN ĐỊNH CHÍNH PHỦ ĐÃ XÂY DỰNG
PV: Những thách thức mới đòi hỏi các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng phải nâng cao tính chủ động và đổi mới sáng tạo nhiều hơn. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, ông nghĩ sao về điều này?
TS. Đinh Thế Hiển: Dường như chúng ta đã quen với việc Chính phủ phải đưa ra một gói kích thích kinh tế cụ thể hay một giải pháp cụ thể, có tác động ngay lập tức. Nhưng thực sự đây là cách làm của kinh tế cơ học chứ không phải là kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường chính là Chính phủ đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo hệ thống tiền tệ ngân hàng không có nguy hiểm. Khi đó, lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ được đảm bảo. Chính phủ cũng có trách nhiệm ổn định tỷ giá, không để mất giá, kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Việc Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP, hay Ngân hàng Nhà nước chuẩn hóa vấn đề tín dụng và những chính sách khác trong vấn đề cung tiền, quản lý tiền, đảm bảo giá trị đồng tiền chính là những cách thức đưa nền kinh tế đi vào ổn định vĩ mô, tạo nền tảng cho các doanh nghiệp hoạt động và phát triển, để thị trường bất động sản không bị rơi vào tình trạng thâm dụng vốn. Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng mà Chính phủ đã chuẩn bị như hệ thống đường cao tốc, đường vành đai trên cả nước cũng là những nỗ lực để tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Chỉ cần làm như vậy là đủ để doanh nghiệp phát triển trong điều kiện kinh tế thị trường chứ không phải như chúng ta hình dung. Tại sao doanh nghiệp FDI lại làm rất tốt và ngoại trừ những vấn đề chung của bối cảnh kinh tế thế giới, họ không phải chịu những vấn đề như doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải? Tại vì chúng ta đã quá quen với nền kinh tế cần những chính sách nâng đỡ cụ thể của Chính phủ. Trong khi đó, những giải pháp vĩ mô để tạo nền tảng phát triển kinh tế của Chính phủ sẽ tiếp tục phát huy tác dụng trong năm 2023 và doanh nghiệp tốt sẽ vẫn phát triển tốt.
PV: Một trong những nhiệm vụ gần đây mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước nói riêng và ngành ngân hàng nói chung là tăng lãi suất huy động nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
TS. Đinh Thế Hiển: Chúng ta không thể trông đợi vào chính sách “thần kỳ”, yêu cầu Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước “bơm” một lượng tiền lớn với lãi suất thấp cho thị trường. Vấn đề lãi suất, một mặt nằm trong chính sách của Chính phủ, một mặt cũng nằm trong thị trường vốn và bị chi phối bởi nền kinh tế thị trường. Năm 2021, chúng ta có lãi suất cho vay ở mức 10%, thậm chí là 8% đối với người mua nhà nhưng ngược lại người gửi tiền chỉ nhận 6%. Thế nhưng, chính sách lãi suất thấp lại tạo cơ hội cho nhóm “thức thời” đầu cơ bất động sản. Trong hai năm 2020 – 2021, hệ thống ngân hàng thương mại đã không cân đối tốt cơ cấu tín dụng, lấy tiền gửi cho vay quá mức, rồi phải bước vào cuộc đua tăng lãi suất để thu hút tiền gửi. Nhưng trong bối cảnh này, người ta có thể rút vốn ra để đầu tư bất động sản hoặc là gửi tiết kiệm lấy lãi suất cao. Đây là quan hệ thị trường vốn chứ không thể là ý chí của Chính phủ.
Trong hai tháng cuối năm 2022, Chính phủ từng bước kiểm soát các ngân hàng yếu kém, từng bước ổn định cân bằng dòng tiền và các ngân hàng bắt đầu hạ nhiệt cuộc đua lãi suất. Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chấn chỉnh lại hoạt động cho vay với những điều kiện chặt chẽ hơn, ưu tiên cho vay sản xuất kinh doanh, vay tiêu dùng, vay mua nhà và vay làm dự án bất động sản có pháp lý minh bạch. Dần dần, nhu cầu vay giảm dần, cung cầu gặp nhau thì lãi suất hạ nhiệt. Còn nếu can thiệp, Chính phủ cũng chỉ giúp được trong ngắn hạn, khi bất ổn gia tăng thì không thể cứu vãn được. Do đó, trong thời gian các chính sách của cơ quan quản lý đang dần phát huy hiệu quả, chúng ta phải từng bước chịu đựng và chủ động tháo gỡ những khó khăn.
Hiện chúng ta đang khá bi quan về lãi suất, lạm phát nhưng tại sao vẫn có thể lạc quan về tình hình tín dụng trong năm 2023? Quan sát xuyên suốt từ tháng 9 – 12/2022, chúng tôi thấy Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đã từng bước kiểm soát được lãi suất cao, hay vấn đề “kẹt” tín dụng một cách uyển chuyển, nhẹ nhàng hơn và thị trường sẽ không bị “sốc” như năm 2011 – 2012. Những gì chúng tôi lo lắng về hệ thống tài chính ngân hàng thương mại, hiện đã từng bước được giải quyết nên lãi suất và tín dụng sẽ dần ổn định sau quý I, II/2023.
PV: Doanh nghiệp bất động sản – xây dựng với đặc thù cần vốn lớn thì vẫn rất lo lắng khi bước sang năm mới, thưa ông?
TS. Đinh Thế Hiển: Nếu muốn phát triển bền vững, thời gian tới, các công ty bất động sản phải quản trị vốn tốt, an toàn và có đủ thực lực để huy động vốn. Đồng thời chúng ta đầu tư trên cơ chế quản trị rủi ro tài chính chứ không phải tiếp tục dùng vốn vay để phát triển các quỹ đất quá lớn so với thực lực. Trở lại thời kỳ ngân hàng 0 đồng bắt đầu phát huy tác dụng trong những năm 2014 – 2015, lúc thị trường “tan băng” thì các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục làm theo kiểu cũ, như năm 2008 – 2009 nhưng với quy mô lớn hơn rất nhiều.
Trước đây, doanh nghiệp có quy mô vốn hóa 1.000 tỷ đồng, bây giờ ngay cả vốn điều lệ cũng đã lên tới 3.000 – 4.000 tỷ đồng và giá trị một dự án lên tới 5.000 – 6.000 tỷ đồng. Trong khi năng lực quản trị rủi ro tài chính lại tương đối thiếu, thì cách thức đó ban đầu kích thích thị thường bằng việc mua đi bán lại, nhưng đến một lúc nào đó, doanh nghiệp sẽ gặp trở ngại.
Trong khi đó, có những doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam với số vốn chỉ vài chục triệu USD, nhưng họ không gặp những khó khăn như doanh nghiệp chúng ta đang gặp, bởi vì họ lựa chọn con đường khác. Có thể thấy, trình độ xây dựng của Việt Nam rất cao, làm những khu nghỉ dưỡng, khu căn hộ rất đẹp nhưng vẫn lựa chọn phát triển quy mô lớn dựa trên quyết định của duy nhất ông chủ và những dự án thâm dụng vốn, vay vốn. Nếu không chọn theo hướng như tôi đã nói là công ty cổ phần đại chúng, quản trị tốt rủi ro tài chính, phát triển bền vững thì kết quả của hai con đường sẽ là khác nhau.
Việc chọn hướng đầu tư, phát triển nào là quyền của doanh nghiệp nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng, nếu không sớm nhìn ra cách thức quản lý và phát triển mới của Nhà nước trong giai đoạn tới, mà sau khi vượt qua khó khăn, vẫn tiếp tục quay lại con đường cũ, thì sẽ không thu được thành tựu như cũ. Bởi cách thức vận hành của ngành bất động sản hiện nay không còn như trước, như khi chúng ta vận hành thị trường bất động sản trong một môi trường thiếu bền vững.
Chúng ta vẫn nói tới mong muốn có một môi trường minh bạch, phát triển bền vững, tức là doanh nghiệp phải hoạt động bằng thực lực, bằng những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thực chất của thị trường, phục vụ an sinh xã hội. Vậy thì, từ năm 2023 trở đi sẽ là một thị trường minh bạch hướng tới bền vững và những doanh nghiệp, nhà đầu tư cá nhân giỏi, có chọn lọc sẽ có môi trường hoạt động tốt. Tại sao chúng ta phải sợ?
Ở các nước phát triển, môi trường kinh doanh không dành cho những người có tiền nhưng thiếu chuyên môn hoặc làm ăn chộp giật, mà dành cho những người nỗ lực sáng tạo, cùng nhau đồng hành. Đó là môi trường bền vững mà chúng ta hay nói đến nhưng trong quá khứ chưa thể xây dựng thì hiện tại Việt Nam cũng đang từng bước tạo ra môi trường minh bạch chuyên nghiệp này. Đó là môi trường mong muốn của Nhà nước, của chuyên gia, của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và của cả truyền thông, vậy nên chúng ta không có gì phải lo lắng!
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Bài viết cùng tác giả Thu Ngà »