Ai đó đã nói, du lịch là ngành công nghiệp không khói. Điều đó hoàn toàn chính xác với Pù Luông. Chúng tôi đến đây vào thời điểm lúa nương bắt đầu chín, những thửa ruộng bậc thang đều đã hanh vàng, óng ả…
Chúng tôi “chạm Pù Luông” (phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hóa) vào giữa trưa một ngày tháng 10 vừa qua. Sau chuyến xe 5 tiếng đồng hồ, ai nấy đều thấy hơi mệt, nhưng cảm giác ấy chợt tiêu tan khi được nhấp ngụm nước lá vối tươi vàng óng và ngắm Pù Luông từ khung cửa rộng của quán Đặc sản Pù Luông (ở ngay nơi xe dừng bánh). Thung lũng hiện ra, thật hoành tráng, rộng lớn mà lại hiền hòa trong bộ cánh xanh mướt. Màu xanh mơn mởn của cỏ, xanh ngả vàng ấm áp của lúa và sắc xanh lá cứng cỏi của những cây cổ thụ cuối thu làm nên hòa sắc dịu mắt cho vùng đất này. Lòng tôi chùng xuống, nao nao trước bức tranh thiên nhiên hùng vĩ và tươi đẹp.
Ít phút sau, chúng tôi được đón đến khu nghỉ ở bản Đôn, tọa nơi lưng chừng thung lũng. Không khí dịu mát và trong lành ngập tràn. Gió thổi nhè nhẹ mang theo hương lúa thơm thoang thoảng. Chỉ được phân cách với thửa ruộng bậc thang bằng một con đường rộng chừng vài mét, khách sạn đủ mọi dịch vụ, rất văn minh nhưng hiện diện một cách khiêm nhường, hài hòa với khung cảnh xung quanh. Màu xanh của cây cỏ làm cho sắc hoa dâm bụt đỏ hồng và hoa thiên điểu đỏ cam trở nên nổi bật hẳn lên. Ngồi bên chiếc bàn trải khăn thổ cẩm gam be – xanh – ghi nhã nhặn, ngắm vài căn bungalow xinh xắn lợp lá cọ nâu và mấy nhà sàn đúng kiểu của người Thái, nhìn cây vả trĩu quả trong sân, tôi biết, mình đã thích Pù Luông rồi.
Và rồi, khi có thêm thời gian trải nghiệm, tôi lại càng thích Pù Luông. Ngoài sự quyến rũ của cảnh sắc thiên nhiên, vùng đất này còn ấm áp bởi sự đôn hậu, hiếu khách của người dân. Pù Luông không đông dân, trên những nẻo đường chúng tôi qua, thỉnh thoảng mới gặp một người bản địa. Ít gặp, nhưng hầu như lần gặp nào chúng tôi cũng được tặng nụ cười. Các mế, các em tươi cười với chúng tôi, dù không hề quen biết. Có mế còn hỏi han “Vừa đến à?”, nghe thật thân tình. Đội nhân viên của khách sạn thì hết lòng chiều khách đã đành, nhưng nhiều người dân chẳng liên quan gì đến dịch vụ cũng rất thân thiện. Tôi cứ nhớ vẻ dễ mến của một cô chủ quán cà phê ở bản Đôn. Cô nghỉ bán hàng rồi nhưng thấy chúng tôi ngẩn nhìn khoảnh sân với cái bàn dài, có thể ngắm toàn cảnh khu ruộng bậc thang rất đẹp, bèn vồn vã mời đoàn vào nhà mình chụp ảnh. Cô ấy vừa chụp hộ vừa vui vẻ khích lệ chúng tôi tạo dáng và chia sẻ thông tin về nơi này. Được đón tiếp bằng sự hiếu khách vô tư đến thế, bằng những nụ cười như thế, có du khách nào không thấy quyến luyến.
Ai đó đã nói, du lịch là ngành công nghiệp không khói. Điều đó hoàn toàn chính xác với Pù Luông. Chúng tôi đến đây vào thời điểm lúa nương bắt đầu chín, những thửa ruộng bậc thang đều đã hanh vàng, óng ả và hương lúa thầm lan tỏa trong không gian. Đây là cao điểm du lịch Pù Luông, ấy nhưng bản làng vẫn yên ả, sự tĩnh mịch chỉ đôi lúc bị khuấy lên nhè nhẹ khi có tiếng xe máy chạy trên đường. Không có tiếng nhạc ồn ào, lạc điệu. Hoàn toàn không có những người bán hàng rong chèo kéo, bám theo du khách. Chúng tôi chỉ thấy một vài quán nhỏ ở gần thác Hiêu (thuộc bản Hiêu) mà chủ quán chỉ xuất hiện khi khách hỏi, còn thì Pù Luông hầu như không có những hàng quán nhếch nhác ở mặt đường nhân danh “đặc sản địa phương”.
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông vẫn được gìn giữ với màu xanh ngút mắt và sự đa dạng sinh thái. Du lịch nhẹ nhàng thẩm thấu, đan xen vào bản làng bằng những khu nghỉ dưỡng – nom cầu kỳ và rộng lớn hơn nhà dân nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc bản địa; bằng những bảng hiệu homestay giản dị, những quán cà phê mang vẻ khoáng đạt của núi rừng. Một vài nhà hàng hiếm hoi ở đây cũng được xây cất bằng những vật liệu truyền thống là tre, gỗ, lá cọ và thực đơn thì trung thành với văn hóa ẩm thực địa phương, nào là cá suối, ốc núi, vịt Cổ Lũng, rau rừng…
Sự trong lành và yên tĩnh giúp Pù Luông “ghi điểm” và tạo được điểm nhấn trong lòng du khách. Từng đặt chân đến nhiều miền đất nước nhưng tôi hiếm khi có trải nghiệm tuyệt vời như lúc được ngồi trên chiếc bè tre lớn, lướt chầm chậm trên suối Chàm (xã Ban Công, Pù Luông). Mặt nước trong veo và xanh biếc. Tắm mình trong bầu không khí mát lành không gợn chút uế tạp, vừa ngắm những cây cổ thụ xanh rì hai bên bờ và người phụ nữ đeo gùi (bằng sợi dây trước trán) đi lấy củi, vừa đón làn gió thu rười rượi, tôi cảm thấy mình như được thanh tẩy, thân thể và tâm trí đều nhẹ bỗng. Không gian suối Chàm thật tĩnh mịch, chỉ đôi lúc vẳng tiếng chim chóc líu ríu. Đã lâu lắm lắm rồi, tôi mới được một lần về với Mẹ thiên nhiên trong trạng thái thanh khiết và hạnh phúc như thế.
Sự trong lành và yên tĩnh giúp Pù Luông “ghi điểm” và tạo được điểm nhấn trong lòng du khách. (Ảnh: Hà Nguyễn)
Cách Hà Nội chưa đầy 200km, Pù Luông là nơi sinh sống của cộng đồng người dân tộc Thái, Mường. Theo thông tin của báo Thanh Hóa, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thuộc các huyện Bá Thước và Quan Hóa của tỉnh Thanh Hóa, được thành lập năm 1999 với diện tích gần 18.000ha, bao gồm: Rừng rậm, suối thác lớn nhỏ, hang động và núi non xen lẫn một số bản làng với những cái tên thật mộc mạc, đáng yêu như bản Đôn, bản Hiêu, bản Kho Mường… Trong tiếng Thái, Pù Luông có nghĩa là đỉnh cao nhất trong vùng.
Một người dân địa phương kể rằng, cách đây dăm năm, sau chuyến về thăm quê, một Việt kiều gốc Pù Luông đã quyết định đầu tư, xây dựng một khu nghỉ dưỡng ở bản Đôn. Nhờ đó, thung lũng tươi đẹp của họ bắt đầu được dân du lịch biết đến. “Dã sử” là thế, còn trên trang web chính thức của huyện Bá Thước thì tour du lịch cộng đồng Pù Luông được huyện công bố vào tháng 10/2018. Điều đó có nghĩa là du lịch Pù Luông đã phát triển được 4 – 5 năm rồi.
Trong giới những người thích du lịch sinh thái, ít lâu nay, cái tên Pù Luông đã nổi lên như một điểm đến hấp dẫn, nhất là vào mùa lúa chín và mùa nước đổ trên những thửa ruộng bậc thang, thung lũng như khoác tấm áo vàng, áo bạc lộng lẫy. Với một vùng quê thuần nông nghèo, hiển nhiên đây là cơ hội đổi đời cực kỳ hấp dẫn. Người dân Pù Luông bắt nhịp khá nhanh với thời cuộc, homestay, khách sạn, quán cà phê, quán ăn xuất hiện ngày một nhiều. Internet đã về với bản, khách đến đây vẫn giữ được kết nối với cả thế giới và các khu nghỉ dưỡng có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt; nhưng tổng thể kiến trúc của Pù Luông vẫn giữ được đặc trưng của bản làng người Thái – Mường. Nhà cao tầng, bê tông, sắt thép không có chỗ ở nơi này. Karaoke, trò chơi điện tử… – những dịch vụ phổ biến ở các điểm du lịch (để giúp du khách tiêu khiển và giúp chủ quán kiếm bộn tiền) cho đến nay vẫn vắng bóng ở Pù Luông, giữ cho khách sự an tĩnh để có thể tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên trong trạng thái thuần khiết nhất.
Pù Luông sẽ ra sao nếu cũng phát triển du lịch như nhiều điểm nóng khác trong nước? Tôi cứ tự hỏi như thế.
Có lẽ, xuất phát từ bản tính trầm ổn của người dân địa phương, Pù Luông – như một người đẹp hiền hậu và thông minh – đã khôn khéo và may mắn chọn được cách thức phát triển du lịch phù hợp. Mô hình du lịch sinh thái giúp Pù Luông phát triển mà vẫn không ồn ào, sự thăng tiến kinh tế không phá vỡ vẻ chân chất của một miền quê.
“Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”, hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Bính nhắc nhở về một khả năng… Và tôi chỉ biết thầm mong, người dân Pù Luông luôn giữ được cái “tâm bất biến” với sự hiền hòa, tĩnh tại, cho dù kinh tế du lịch đang ngày càng khởi sắc nơi này. “Sơn nữ Pù Luông” ghi điểm với du khách chính bởi nét đẹp dung dị toát lên từ cảnh vật, lối sống của cộng đồng.
Pù Luông ơi, hãy cứ hồn hậu và ấm áp tình người như thế nhé!