Theo TS. Cấn Văn Lực, khi đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ, các tổ chức, chính quyền cần quan tâm thực hiện một cách hiệu quả. Điều này không chỉ giảm áp lực cho DN mà còn đem lại lợi ích cho đất nước.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng chịu nhiều áp lực
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm phần lớn số lượng trong tổng số doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản. Bối cảnh khó khăn chung của thị trường bất động sản hiện tại đã khiến nhóm doanh nghiệp này chịu hàng loạt áp lực, trong đó nặng nề nhất là vấn đề đdòng tiền để vận hành, thanh khoản sản phẩm, đáo hạn trái phiếu…
Chia sẻ với báo chí, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia cho biết, trong năm 2022 có 400 – 500 nghìn tỷ đồng vốn được cung ứng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, vốn tín dụng chiếm khoảng 48% tổng lượng vốn cung ứng cho khối doanh nghiệp này, 36% vốn tự có, 11% vốn từ trái phiếu doanh nghiệp, chỉ có 4% là thị trường cổ phiếu.
Như vậy, nguồn vốn của khối doanh nghiệp địa ốc vừa và nhỏ vẫn chủ yếu phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Song lãi suất cho vay tại hệ thống các ngân hàng tăng cao và khả năng sẽ tiếp tục tăng khiến phần lớn doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn này. Điều này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền của doanh nghiệp trong việc duy trì tiến độ dự án, mở rộng các hoạt động đầu tư. Chính vì vậy, bên cạnh một số sản phẩm cao cấp, hạng sang như The Metropole, Zeit River, Park Village, phân khúc trung cấp chỉ lác đác vài dự án mở bán đợt tiếp theo như Mizuki Park, Akari City, MT Eastmark City, còn lại phần lớn dự án chuẩn bị ra mắt từ quý III hoặc quý IV/2022 đều lùi lại thời điểm mở bán sớm nhất vào cuối quý I hoặc đầu quý II/2023.
Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, không chỉ chịu áp lực từ nhiều phía, các cơ chế, chính sách hỗ trợ khối doanh nghiệp địa ốc vừa và nhỏ cũng chưa được thực hiện một cách hiệu quả, đơn cử như vấn đề thuế.
Trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có nêu, các doanh nghiệp cỡ vừa được phép áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 17%, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 15%. Tuy nhiên, hiện tại nước ta vẫn đang áp dụng cho tất cả các khối doanh nghiệp là 20%.
Cùng với đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cũng đang thực hiện chưa tốt. Hệ sinh thái cho doanh nghiệp vừa và nhỏ gắn với đổi mới sáng tạo vẫn còn rất ít và hạn chế. Một số trung tâm khởi nghiệp quốc gia đã được thành lập nhưng vẫn còn mới, chưa vận hành chỉn chu.
Ngoài ra, việc hỗ trợ tiếp cận vốn vay – một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu nhưng cũng chưa được chú trọng.
“Luật đã có những quy định về Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng hiện nay Quỹ này đang thiếu cả về vốn và công cụ, không có khả năng phối hợp với các ngân hàng thương mại. Chưa kể, luật và hướng dẫn Nghị định Chính phủ yêu cầu các địa phương phải thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy nhiên chỉ có 28 địa phương quan tâm thành lập, song việc vận hành cũng chưa được suôn sẻ”, ông Lực nói.
Đưa ra dẫn chứng tại TP.HCM, vị chuyên gia cho biết, đây là địa phương có vốn nhiều nhưng không hỗ trợ được bao nhiêu do thiếu nguồn nhân lực, cơ chế; cách thức phối hợp giữa Quỹ bảo lãnh và các tổ chức tín dụng cũng chưa được tốt khiến khối doanh nghiệp vừa và nhỏ tại đây vẫn chật vật trong việc huy động vốn, tiếp cận vốn vay.
Vì vậy, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, khi đã có các cơ chế, chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tổ chức, chính quyền cần quan tâm và thực hiện một cách hiệu quả. Điều này không chỉ giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp mà còn đem lại lợi ích cho địa phương, Nhà nước khi doanh nghiệp ăn nên làm ra.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, các doanh nghiệp phát triển bất động sản hiện nay rất nhiều nhưng đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, nói đến doanh nghiệp địa ốc là đang nói đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đó chính là lý do, những áp lực của thị trường địa ốc cũng chính là những áp lực đang đè nặng lên vai khối doanh nghiệp này.
Phân tích cụ thể hơn, ông Châu cho biết, áp lực lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp phát triển bất động sản hiện nay là khó tiếp cận vốn vay và cơ chế chính sách phức tạp.
“Doanh nghiệp không sợ lãi suất vay của các ngân hàng dù đang có xu hướng tăng (trên dưới 13%). Lãi suất vay đó doanh nghiệp chịu được nhưng vấn đề là phải tiếp cận được. Hiện nay, rất nhiều các doanh nghiệp không tiếp cận được tín dụng ngân hàng dù room tín dụng còn dư”, ông Châu nói.
Vì vậy, theo chuyên gia này, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét đến vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp địa ốc sớm tiếp cận được với vốn tín dụng. Ngoài ra, vấn đề thủ tục hành chính cũng cần rút ngắn, sửa đổi các luật liên quan nhanh chóng và hiệu quả. Có như vậy mới hỗ trợ được doanh nghiệp vượt qua khó khăn, gỡ bỏ những “nút thắt” trên thị trường bất động sản.
Phần lớn doanh nghiệp đang đặt mình vào thế “co cụm”
Trước tình trạng doanh nghiệp địa ốc nói chung và khối doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng chịu nhiều áp lực đã khiến phần lớn họ phải tự đặt mình vào thế “co cụm”, cơ cấu lại dự án, thận trọng hơn mỗi khi đầu tư hay triển khai kế hoạch kinh doanh.
Đại diện một doanh nghiệp phía Nam thừa nhận, năm 2022 là năm nhiều sóng gió nhưng cũng để lại những bài học “xương máu” cho mỗi doanh nghiệp làm bất động sản. Một trong số đó là phải thận trọng, kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư và đặc biệt, phải đảm bảo dòng tiền được ổn định một cách tương đối.
Theo đại diện doanh nghiệp, khi có sự cân nhắc kỹ càng, doanh nghiệp sẽ lựa chọn được phân khúc đầu tư phù hợp, hạn chế tình trạng thanh khoản kém. Hơn hết là tránh được việc đầu tư dàn trải, khiến nguồn vốn bị chia nhỏ và khả năng thu hồi khó khăn mỗi khi thị trường biến động. Còn đối với việc đảm bảo dòng tiền được ổn định là để tăng nội lực cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp luôn có “sức đề kháng” tốt.
“Thận trọng để giảm thiểu rủi ro, tăng tính an toàn khi đầu tư nhưng không đánh mất cơ hội. Khi nhận thấy cơ hội đến, phù hợp với tình hình tài chính, khả năng của mình, doanh nghiệp vẫn cần sự quyết đoán, nhanh nhạy để nắm bắt”, đại diện một doanh nghiệp nhấn mạnh.
(Ảnh minh họa: Quỳnh Danh)
Chia sẻ với báo chí, ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia tư vấn cấp cao GIBC cũng cho biết, trong quá trình tư vấn cho các doanh nghiệp bất động sản, có không ít doanh nghiệp chọn hướng đi thận trọng trong năm 2023. Đây là giải pháp kỹ thuật để tồn tại, phù hợp với tình hình thực tế khi quá trình sàng lọc thị trường trở nên bức thiết trong ngắn và trung hạn.
“Sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản sẽ trở thành tâm điểm chú ý của nhà đầu tư khi nhất cử nhất động của họ đều có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Chẳng hạn chỉ cần một doanh nghiệp địa ốc lớn hoặc niêm yết trên sàn chứng khoán xuất hiện dấu hiệu kinh doanh sa sút hay mất thanh khoản cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường”, ông Nghĩa nói.
Do đó, ông Nghĩa đánh giá, việc “co cụm” của các doanh nghiệp có mặt tích cực là chặn đứng chu kỳ đầu tư kinh doanh bùng nổ một cách dễ dãi, mở ra chu kỳ đầu tư kinh doanh an toàn, hướng đến sự phát triển bền vững hơn.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu cũng nhận định, việc trở nên cẩn trọng hơn trong đầu tư, phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp địa ốc thời điểm này là hợp lý. Bởi khi những áp lực vẫn còn đó, các doanh nghiệp cần chờ động thái, chính sách điều hành cụ thể, rõ ràng hơn từ phía Nhà nước và chính bản thân doanh nghiệp cũng cần cơ cấu lại, để đảm bảo sức khoẻ cho chính mình./.