Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, mang đặc trưng của một trung tâm đa chức năng, có sức hút và tác động lan tỏa đến các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cần Thơ cùng với TP.HCM là “2 nút kép” tạo ra không gian phát triển liên vùng, đồng thời là cửa ngõ ra biển Đông của tiểu vùng Mê Kông.
Vai trò trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Cần Thơ ngày càng được thể hiện rõ nét trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, tài chính, ngân hàng, thương mại, du lịch đến khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, y tế chuyên sâu và là đầu mối giao thông vận tải của cả vùng.
Tuy nhiên, thực tế phát triển của Cần Thơ vẫn tồn tại những khó khăn và thách thức. Trong đó, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, chức năng của một đô thị lớn như TP. Cần Thơ còn chưa thực sự nổi trội; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị còn không ít bất cập; chưa trở thành hạt nhân liên kết và kết nối, tạo ra đột phá để thực sự trở thành trung tâm động lực cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thiếu động lực mạnh mẽ, chưa tạo ra nguồn lực lớn để phát triển đột phá được nhận diện là nguyên nhân “cản bước” quá trình phát triển của Cần Thơ. Chính vì vậy, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ không chỉ tháo gỡ điểm nghẽn mà còn mở ra cho Tây Đô một động lực phát triển mới.
Để hiểu rõ hơn về cơ hội, lợi thế của Cần Thơ cùng những định hướng, kế hoạch nhằm biến tiềm năng, thế mạnh thành kết quả thực tế, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội địa phương,
Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ.
PHÁT HUY MỌI NGUỒN LỰC ĐƯA CẦN THƠ PHÁT TRIỂN
PV:Xin ông cho biết về tầm nhìn và định hướng phát triển của TP. Cần Thơ trong giai đoạn tới?
Ông Dương Tấn Hiển: Thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cần Thơ xác định quan điểm phải phát huy tối đa cả nội lực và ngoại lực để phát triển thành phố trở thành thành phố thông minh, hiện đại và là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong đó, nội lực chính là tiềm năng và lợi thế của TP. Cần Thơ như sở hữu vị trí cửa ngõ vùng hạ lưu sông Mê Kông cùng với các hành lang kinh tế của tiểu vùng sông Mê Kông và mở rộng; là trung tâm đầu mối giao thông của vùng về đường hàng không, đường bộ và đường thủy nội địa; trung tâm dịch vụ, công nghiệp và trung tâm kinh tế quan trọng của cụm ngành kinh tế biển phía Đông vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nguồn lực nội tại của Cần Thơ là chủ lực; nguồn lực Trung ương có vai trò hỗ trợ, thúc đẩy nhanh sự phát triển của Cần Thơ.
Ngoại lực là tiềm năng và lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long thông qua liên kết, nhất là liên kết giữa các trung tâm đầu mối, hạ tầng giao thông kết nối trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ, các vùng khác trên cả nước và các đô thị lớn trên thế giới thông qua đường hàng không. Cần Thơ xem thu hút đầu tư nước ngoài là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế địa phương, tận dụng hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do và xu hướng toàn cầu hóa.
Thành phố cũng thống nhất quan điểm phát triển của khu vực cũng như định hướng phát triển theo 3 trụ cột kinh tế – xã hội – môi trường.
PV: Ông có thể chia sẻ rõ hơn về định hướng phát triển đô thị của TP. Cần Thơ?
Ông Dương Tấn Hiển: Định hướng phát triển đô thị của TP. Cần Thơ trong thời gian tới đã được xác định tại Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long…
Tầm nhìn đến năm 2045, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á.
Hiện nay, thành phố đang trình phê duyệt Quy hoạch phát triển TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tích hợp; song song đó là lập điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Việc này nhằm quán triệt và triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết của cấp Trung ương và địa phương làm cơ sở để thực hiện đầu tư phát triển đô thị, từng bước hoàn thành hệ thống hạ tầng khung, phục vụ các dự án trọng điểm của thành phố và các dự án dự kiến mời gọi đầu tư trong thời gian tới (khu công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trung tâm logistics, khu đô thị, khu du lịch sinh thái…).
PV: Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được xem là động lực để Cần Thơ phát triển. Vậy thành phố có kế hoạch gì để hiện thực hóa những mục tiêu đã được đề ra tại Nghị quyết?
Ông Dương Tấn Hiển: Để tổ chức thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thực hiện ý kiến chỉ đạo và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND TP. Cần Thơ đã xây dựng kế hoạch thực hiện với các nội dung chính:
Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 59-NQ/TW với quy mô sâu rộng, nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn và phù hợp với từng đối tượng, kết hợp với việc tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Cần Thơ lần thứ XIV gắn với từng giai đoạn. Việc này nhằm chuyển biến nhận thức và cho thấy quyết tâm cao của các ngành, các cấp về nhiệm vụ xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ hai, quy định rõ tiến độ thực hiện, trách nhiệm của các sở, ban, ngành thành phố được phân công nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực hơn nữa trong việc chỉ đạo, điều hành, hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp và báo cáo với bộ, ngành Trung ương để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ thành phố trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết, đặc biệt là trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối.
Thứ tư, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng để sớm được thẩm định, thông qua làm cơ sở trình phê duyệt Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh đồ án Quy hoạch chung thành phố theo đúng quy định. Điều này làm cơ sở cho việc đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư ngoài ngân sách, nhất là những dự án dẫn dắt, hình thành chuỗi liên kết tại Trung tâm liên kết theo đúng quan điểm, mục tiêu đã đề ra.
Thứ năm, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025. Thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung đầu tư các công trình trọng điểm của thành phố, tạo hiệu ứng lan tỏa, gia tăng động lực tăng trưởng…
Thứ sáu, tập trung nghiên cứu ứng dụng các công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng cao, gắn với cải thiện chất lượng các sản phẩm chủ lực, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế – xã hội của thành phố; xây dựng và triển khai đề án thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP. Cần Thơ…
Thứ bảy, phối kết hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM trên một số lĩnh vực quan trọng, phát huy lợi thế từng địa phương.
Thứ tám, mở rộng mạng lưới, phát triển giáo dục các bậc học theo hướng đa dạng hóa loại hình, đạt chuẩn; tăng cường kêu gọi các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân mở trường đạt chuẩn quốc tế, trường chất lượng cao; tập trung đào tạo các ngành nghề trọng điểm đạt trình độ các nước khu vực ASEAN, tạo đột phá về chất lượng nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thứ chín, phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội… Thành phố cũng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông phủ khắp toàn thành phố với công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, đảm bảo kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước. Đồng thời, triển khai hiệu quả đề án “Xây dựng TP. Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2016 – 2025”.
Thứ mười, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN CẦN THƠ – NĂNG ĐỘNG VÀ BÀI BẢN
PV: Thực trạng phát triển thị trường bất động sản TP. Cần Thơ hiện nay ra sao, thưa ông?
Ông Dương Tấn Hiển: Kể từ khi trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, Cần Thơ được đánh giá là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa chính trị, trung tâm thương mại của cả vùng Tây Nam bộ, có tiềm năng phát triển về bất động sản. Trong những năm qua, thị trường bất động sản Cần Thơ phát triển khá tốt nhờ lợi thế đô thị trung tâm vùng, được Trung ương và thành phố quan tâm đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội trên các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục… thu hút đông đảo các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cư dân từ nơi khác đến học tập, sinh sống, làm việc, đầu tư kinh doanh.
Đặc biệt, thành phố được nhiều doanh nghiệp lớn có thương hiệu trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản quan tâm đầu tư. Qua đó, góp phần đáng kể vào tiến trình phát triển ngày một bài bản, năng động của thị trường bất động sản Cần Thơ.
Hiện nay, TP. Cần Thơ có 79 dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, nhà ở thương mại; nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; bất động sản căn hộ du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú; bất động sản khác. Vừa qua, Cần Thơ đã chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án khu chung cư và 1 dự án nhà ở xã hội trên địa bàn quận Cái Răng. Những dự án này sẽ cung cấp khoảng 1.700 căn hộ, đóng góp đáng kể nguồn cung nhà ở mới cho thị trường bất động sản của thành phố.
Giá đất hiện tại của Cần Thơ khá ổn định, ít biến động và vẫn đạt biên độ tăng trưởng từ 10 – 15%/năm tùy từng phân khúc và vị trí. Phân khúc căn hộ bình quân có giá từ 25 – 40 triệu đồng/m2; nhà phố có giá từ 25 – 65 triệu đồng/m2; đất nền từ 10 – 45 triệu đồng/m2.
So với các thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước, giá đất tại Cần Thơ luôn thấp nhất và tăng trưởng đều, không có sự đột biến do đầu cơ. Hiện tại, thị trường bất động sản thành phố đang phát triển ổn định, chưa có hiện tượng bất thường. Những đợt tăng giá đột biến vừa qua chưa tác động lớn đến thị trường chung, thậm chí giá đất tăng còn xuất phát từ nhu cầu thật. Hiện nay, quỹ đất nền thuộc các dự án khu dân cư, khu đô thị mới trên địa bàn thành phố không còn nhiều.
Về công tác quản lý nhà ở và thị trường bất động sản, thời gian qua TP. Cần Thơ cũng đã giao cho Sở Xây dựng và các sở, ngành, quận huyện tập trung thực hiện, về cơ bản đáp ứng được nội dung đề ra theo kế hoạch từng năm. Các nhiệm vụ cơ bản như việc tham mưu Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021 – 2025 và năm 2022; phát triển quỹ nhà ở xã hội; công khai minh bạch các thông tin về thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố… cũng từng bước đưa công tác quản lý nhà và thị trường bất động sản đi vào nề nếp, ổn định.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của Trung ương và thành phố trong thời gian qua đã góp phần đáng kể trong thực hiện các chương trình phát triển nhà ở. Đây là sự nỗ lực rất lớn của thành phố cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã chung tay góp phần xóa nhà tạm trên địa bàn, giúp người nghèo an cư lạc nghiệp; có điều kiện tập trung làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, các dự án phát triển nhà ở phục vụ cho đối tượng nhà ở xã hội chủ yếu từ nguồn vốn của các doanh nghiệp và xã hội hóa.
Nhìn chung, các gói an sinh xã hội, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế được thực hiện hiệu quả trong thời gian qua đã góp phần duy trì ổn định nền kinh tế, tạo đà cho sự phục hồi GRDP sau đại dịch Covid-19 trong năm 2022. Kế hoạch đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2022 cũng là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy chi tiêu, tạo công ăn việc làm cho người lao động ở lĩnh vực xây dựng, bất động sản
PV: Trong bối cảnh nền kinh tếđang đối diện với không ít khó khăn thách thức, Cần Thơ có những giải pháp như thế nào để gỡ khó cho doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư vào thành phố và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển?
Ông Dương Tấn Hiển: Hiện nay, hoạt động của thị trường bất động sản còn thiếu công khai, minh bạch do thiếu hệ thống thông tin, chưa kiểm soát tốt hoạt động của sàn giao dịch, môi giới, hoạt động giao dịch, giá giao dịch.
Nhận diện những khó khăn, vướng mắc đó, để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả và bền vững trong bối cảnh hiện nay, thành phố tập trung thực hiện một số giải pháp.
Thứ nhất, phối hợp với Bộ Xây dựng tham gia góp ý sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… bảo đảm đồng bộ, tạo khung pháp lý, điều kiện để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững; đồng thời tăng cường quản lý thị trường bất động sản.
Thứ hai, tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, trong đó khẩn trương lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn.
Thứ ba, tăng cường kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở, khu đô thị kinh doanh bất động sản để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong thủ tục đầu tư, đất đai, quy hoạch, xây dựng…; tăng cường công tác quản lý nhà nước để có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc tách thửa, phân lô bán nền không đúng quy định, không phù hợp quy hoạch. Đồng thời, tăng cường kiểm soát hoạt động các sàn giao dịch bất động sản, các hoạt động môi giới bất động sản để kịp thời chấn chỉnh.
Thứ tư, khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và xây dựng chương trình phát triển nhà ở, kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố.
Thứ năm, thực hiện công khai hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo Nghị định 44/2022/NĐ-CP ngày 29/6/2022 của Chính phủ.
Thứ sáu, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản; xử lý các hành vi đưa thông tin không chính xác, gây nhiễu loạn, tác động tiêu cực đến hoạt động thị trường bất động sản.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Bài viết cùng tác giả Hữu Lễ (thực hiện) »