Cảng Chân Mây (tỉnh Thừa Thiên – Huế) khai trương, mở tuyến hàng container, đánh dấu cột mốc mới trong tiến trình phát triển, khai thác thế mạnh, tăng sức cạnh tranh cho cảng nước sâu tại khu vực miền Trung.
LTS:
Sau chuyến thăm, khảo sát Vịnh Chân Mây của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 1996, Thủ tướng Chính phủ cho phép tiến hành lập quy hoạch, nghiên cứu tiền khả thi dự án cảng nước sâu và khu công nghiệp – thương mại – dịch vụ Chân Mây. Cảng Chân Mây được hình thành cách đây 20 năm, là cơ sở hạ tầng đầu tiên, quan trọng tại Khu Kinh tế Chân Mây. Trải qua một số mô hình quản lý, phát triển, năm 2015, cảng Chân Mây chuyển sang mô hình công ty cổ phần. Hiện cảng Chân Mây có hai bến cảng số 1, 2 với tổng chiều dài 760m, đảm bảo an toàn với độ sâu từ -9,4m đến -12,5m (bến số 3 do một công ty khác đầu tư, khai thác từ năm 2021).
Tại hội nghị Xúc tiến đầu tư các hãng tàu container cảng Chân Mây hồi tháng 8/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã trao chủ trương đầu tư bến số 4, số 5 ở cảng Chân Mây cho Công ty Cổ phần Hàng hải Vsico. Cũng tại hội nghị trên, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang đánh giá việc đầu tư phát triển tuyến container và thu hút các hãng tàu đến làm hàng container tại cảng Chân Mây là chủ trương phù hợp với xu thế hiện nay và rất quan trọng không chỉ với tỉnh Thừa Thiên – Huế mà cả khu vực miền Trung. Ông Sang lưu ý, hiện nay rất nhiều tỉnh, thành có chủ trương, chính sách để phát triển hàng hóa container, trung tâm logistics và đã thành công. “Cảng Chân Mây cần tiếp tục kêu gọi đầu tư để hoàn thiện hạ tầng các cầu cảng mới cũng như xây dựng, hình thành trung tâm logistics về kho bãi. Qua đó, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh để tận dụng lợi thế vị trí của cảng nước sâu này. Các công ty hàng hải, các công ty làm trong lĩnh vực logistics sớm đầu tư dịch vụ logistics tại Chân Mây, đầu tư xây dựng trung tâm logistics, đảm bảo cung cấp các dịch vụ ICD, xếp dỡ, lưu kho bãi, bảo quản hàng hóa; dịch vụ hải quan, dịch vụ logistics trọn gói…”, ông Sang gợi ý.
Những ngày cuối năm 2022, cảng Chân Mây (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) tấp nập những chuyến xe vận tải hàng container cập cảng để chuyển hàng lên tàu biển container, thực hiện những chuyến hải trình vận tải hàng nội địa. Đây là kết quả bước đầu sau những nỗ lực cải thiện, khai thác thế mạnh của cảng, bằng những chính sách hỗ trợ thiết thực của tỉnh Thừa Thiên – Huế cho các hãng tàu biển, tổ chức cá nhân có hàng hóa container qua cảng Chân Mây và cả những nỗ lực cải thiện, đầu tư hạ tầng cảng biển của Công ty Cổ phần cảng Chân Mây.
Đáp ứng sự kỳ vọng của doanh nghiệp
Sáng ngày 25/12/2022, chuyến tàu biển với sức chứa 1.577 TEU container của hãng tàu biển Hải An (Công ty Cổ phần Vận tải và xếp dỡ Hải An, Hà Nội) có mặt tại cảng Chân Mây để tổ chức bốc xếp 1.961 tấn với gần 66 container Frit (nguyên liệu chính để sản xuất gạch men) chuyển hàng từ cảng Chân Mây vào TP.HCM của một doanh nghiệp chuyên sản xuất Frit tại Thừa Thiên – Huế.
Đây là chuyến tàu đầu tiên của hãng tàu biển này và cũng là chuyến tàu hàng container “mở hàng” khai trương tuyếncontainer triển khai tại cảng Chân Mây. Ông Hoàng Oai, đại diện Công ty TNHH MTV Đầu tư và Chế biến khoáng sản Phenikaa Huế, đơn vị hợp đồng vận chuyển chuyến hàng container nội địa đầu tiên tại cảng Chân Mây, bồi hồi: “Việc cảng Chân Mây mở tuyến hàng container, tôi nghĩ không chỉ đáp ứng sự kỳ vọng của doanh nghiệp chúng tôi, mà còn với nhiều doanh nghiệp khác vốn có nhu cầu khá lớn trên địa bàn tỉnh. Riêng công ty chúng tôi, mỗi năm chi phí vận chuyển hàng hóa bằng container vào khoảng 40 – 42 tỷ đồng khi phải chuyển qua cảng ở tỉnh, thành phố khác, hoặc phải vận chuyển xa hơn. Bây giờ thì cảng Chân Mây đã có dịch vụ này, việc vận chuyển hàng container của công ty qua cảng này sẽ giúp công ty chúng tôi mỗi năm giảm được 6 – 7% chi phí vận tải, tương đương với việc tiết kiệm hiện tại khoảng 3 tỷ đồng mỗi năm”.
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây, ông Dương Bá Hoà cho hay, sự kiện khai trương tuyến container khẳng định tiềm năng và lợi thế của cảng Chân Mây. Cảng đã đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục hệ thống hạ tầng, dịch vụ đáp ứng khai thác hàng container. Trang thiết bị, công cụ dụng cụ và kho bãi giai đoạn đầu đã sẵn sàng để phục vụ khai thác, xếp dỡ đảm bảo các tiêu chí khai thác hàng container, đáp ứng yêu cầu của hãng tàu về an toàn và năng suất.
Việc triển khai dịch vụ container, mở đường định tuyến nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm thiểu chi phí logistics, tiết kiệm được thời gian, góp phần mang lại sự thành công cho các doanh nghiệp. Trong thời gian đến, cảng Chân Mây đã có chủ trương đầu tư mở rộng diện tích kho bãi chứa container đồng thời tiếp tục nghiên cứu đầu tư các thiết bị chuyên dụng, ứng dụng các phần mềm quản lý khai thác cảng, khai thác hàng container… để nâng cao năng suất đáp ứng các tiêu chí của các hãng tàu. Song song đó, tiếp tục xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực đủ đáp ứng khai thác hàng container khi lượng tàu và hàng hóa gia tăng. Sắp tới việc tổ chức vận chuyển hàng container qua cảng Chân Mây sẽ có 2 chuyến/tuần.
Là doanh nghiệp đối tác và là hãng tàu biển nội địa đầu tiên vào khai thác, vận chuyển hàng container từ cảng Chân Mây, ông Vũ Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An, bộc bạch rằng Hải An vinh dự là hãng tàu biển đầu tiên vào cảng Chân Mây khai thác tuyến hàng container, mở ra cơ hội hợp tác và phát triển giữa các bên bền lâu. “Được chọn là đơn vị “mở hàng” vào khai thác tàu container nội địa tại cảng Chân Mây, chúng tôi xác định đó là niềm vinh dự, tự hào to lớn đồng thời là trách nhiệm nặng nề của công ty. Để đáp lại sự tin tưởng, ủng hộ của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế và cảng Chân Mây, chúng tôi cam kết duy trì khai thác ít nhất mỗi tuần 1 chuyến đồng thời tích cực góp phần thúc đẩy sự phát triển hoạt động logistics trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi mong muốn sẽ được đồng hành, hợp tác lâu dài với cảng Chân Mây, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy mạnh hoạt động logistics của tỉnh Thừa Thiên – Huế và khu vực miền Trung”, ông Hải nói.
Điểm đến của các hãng tàu nội địa và quốc tế
Như Reatimes từng thông tin, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg năm 2021, cảng biển Thừa Thiên – Huế được xác định là cảng biển loại 1, trong đó khu cảng Chân Mây gồm các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, kết hợp tiếp nhận tàu khách quốc tế, phục vụ trực tiếp Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và khu vực lân cận, kết hợp tiếp chuyển hàng cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Đông Bắc Vương Quốc Thái Lan; tiếp nhận tàu hàng trọng tải đến 70.000 tấn, tàu container sức chở đến 4.000 TEU hoặc lớn hơn, tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn.
Đến nay, khu bến Chân Mây đã được đầu tư xây dựng 3 cầu cảng với tổng chiều dài 910m, khả năng thông quan hàng hóa từ 5 – 6 triệu tấn/năm. Hiện nay, lượng hàng hoá qua cảng Chân Mây ngày càng tăng cao, năm 2022 lượng hàng thông qua cảng khoảng 4 – 4,5 triệu tấn; dự báo đến năm 2030, lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây khoảng 20 – 25 triệu tấn/năm, trong đó có lượng hàng hóa lớn của các doanh nghiệp trong tỉnh và cả nguồn hàng từ Lào và Đông Bắc Thái Lan.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, cảng Chân Mây có vai trò, vị trí cực kỳ quan trọng, là cảng biển tổng hợp Quốc gia, đầu mối khu vực và là cảng nước sâu, điểm cuối tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây; hội đủ các điều kiện, có khả năng tiếp nhận đồng thời các loại tàu cỡ lớn và hiện đại của thế giới; phục vụ chuyển tiếp hàng quá cảnh của nước bạn Lào, Đông Bắc Thái Lan, có vai trò điều phối hàng hóa trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Cảng Chân Mây cũng là cảng biển du lịch, được Hiệp hội Du thuyền quốc tế khu vực Châu Á lựa chọn là một trong 46 cảng dừng chân ở khu vực Đông Nam Á; cảng nằm giữa tuyến hàng hải kết nối Singapore và Hongkong (Trung Quốc); hội đủ các điều kiện, tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho tỉnh Thừa Thiên – Huế và cả nước. Cảng Chân Mây cũng là cảng biển tổng hợp đầu mối loại 1 của Việt Nam, cảng nằm giữa hai đô thị lớn nhất miền Trung (Huế và Đà Nẵng), khu du lịch trọng điểm quốc gia (Cảnh Dương – Lăng Cô – Hải Vân – Vườn quốc gia Bạch Mã), đô thị du lịch quốc gia Huế và là cửa ngõ hướng ra biển Đông gần, thuận lợi nhất đối với các vùng miền khu vực Hành lang kinh tế Đông – Tây.
Để hiện thực hoá được tiềm năng, lợi thế sẵn có như đã nêu trên, trong nhiều năm qua, được sự quan tâm của các cơ quan Trung ương, sự đồng hành, vào cuộc của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và quyết tâm của Thừa Thiên – Huế, hệ thống hạ tầng, dịch vụ phục vụ khai thác cảng biển đã được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng nhu cầu khai thác, cụ thể đã hoàn thành 3 cầu cảng và sau khi hoàn thành dự án Đê chắn sóng (giai đoạn 2) với chiều dài 750m; cảng Chân Mây đảm bảo các điều kiện và khả năng tiếp nhận đồng thời các loại tàu hàng, tàu container và tàu khách cỡ lớn và hiện đại trên thế giới, cho hầu hết thời gian trong năm (kể cả mùa mưa); tạo động lực và khí thế mới cho Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Đặc biệt, tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hãng tàu vận chuyển container, cụ thể hóa tại Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 07/12/2022 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 25/2022/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 của HĐND tỉnh Thừa Thiên – Huế. Theo đó, tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ tài chính, thủ tục pháp lý cho các hãng tàu, đại lý hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container đi, đến cảng Chân Mây; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây (trừ hàng tạm nhập tái xuất, hàng hóa quá cảnh) với những mức cụ thể (có hiệu lực từ 19/12/2022).
Theo ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, việc mở ra và khai trương tuyến hàng container tại cảng Chân Mây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là bước khởi đầu tạo bước đột phá, góp phần thúc đẩy, phát triển cho cảng Chân Mây, tạo môi trường thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trên địa bàn khu vực Bắc miền Trung (từ Thừa Thiên – Huế – Quảng Bình) và nước bạn Lào; tạo động lực, diện mạo mới cho Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô. “Sự kiện này đánh dấu việc mở ra dịch vụ vận tải mới, góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, kết nối cảng biển Chân Mây với các bến cảng nội địa cũng như quốc tế đầy triển vọng tại khu cảng này”, ông Phương nói.
Tiết kiệm chi phí, tăng sức cạnh tranh
Để chuẩn bị cho việc mở thêm tuyến hàng container tại cảng Chân Mây, trong một thời gian dài, Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây cũng như ban ngành liên quan tỉnh Thừa Thiên – Huế đã thực hiện các bước khảo sát, tìm hiểu nhu cầu, nắm bắt ý kiến từ các doanh nghiệp trong tỉnh Thừa Thiên – Huế và tỉnh, thành phố lân cận; tham chiếu các chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển tại một số cảng khu miền Trung để ban hành những chính sách phù hợp để hỗ trợ, thu hút đầu tư cũng như tăng sức hấp dẫn các hãng tàu biển đến với cảng Chân Mây.
Thống kê của Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây cho thấy có khoảng 200.000 TEU đang đi ngang qua cảng Chân Mây ra/vào cảng Đà Nẵng từ các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế và nước bạn Lào. Khoảng cách tiết kiệm được khi sử dụng cảng Chân Mây thay vì Đà Nẵng khoảng 70km bằng xe tải một chiều, tiết kiệm từ việc không phải di chuyển qua hệ thống hầm Hải Vân sẽ phải đặt lên hàng đầu. Ước tính tiết kiệm cho khách hàng khoảng 70 USD mỗi lượt khứ hồi. Hầu hết các doanh nghiệp đều rất ủng hộ và kỳ vọng cảng Chân Mây sớm triển khai dịch vụ container, mở line định tuyến để rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm thiểu chi phí logistics, tiết kiệm được thời gian, góp phần mang lại sự thành công cho doanh nghiệp.
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây, ông Dương Bá Hoà, cho biết thêm trên cơ sở những cuộc khảo sát, hàng hóa qua cảng tăng đều hàng năm, tình trạng kẹt cầu, không đủ bến cho tàu làm hàng, có những tàu phải chờ cầu bến hoặc tàu đang làm hàng phải rời bến để nhường bến cho tàu khách. Đứng trước thực trạng và nhu cầu bức thiết đó, cảng Chân Mây đã đầu tư xây dựng Bến số 2 với cầu tàu dài 280m định hướng chủ yếu là đón tàu container, thu hút hàng hóa 3 tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và Hành lang kinh tế Đông – Tây.
Theo ông Hòa, để vận chuyển được hàng container, cảng Chân Mây đã đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục hệ thống hạ tầng, dịch vụ đáp ứng cho việc khai thác hàng container. Trang thiết bị, công cụ dụng cụ và kho bãi giai đoạn đầu đã sẵn sàng để phục vụ khai thác, xếp dỡ đảm bảo các tiêu chí khai thác hàng container, đáp ứng yêu cầu của hãng tàu về an toàn và năng suất./.
“Trong thời gian tới, cảng Chân Mây đã có chủ trương đầu tư mở rộng diện tích kho bãi chứa container đồng thời tiếp tục đầu tư các thiết bị chuyên dụng, ứng dụng các phần mềm quản lý khai thác cảng, khai thác hàng container… để nâng cao năng suất đáp ứng các tiêu chí của các hãng tàu. Tiếp tục xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực đủ đáp ứng khai thác hàng container khi lượng tàu và hàng hóa gia tăng. Tương lai không xa, thị trường ở Huế sẽ là thị trường tiềm năng hấp dẫn, thu hút các hãng tàu thế giới vào Chân Mây, tăng sức cạnh tranh của cụm cảng trong khu vực miền Trung và Chân Mây, từ đây sẽ là một đầu mối cho các chuyến tàu đi các nước”, ông Dương Bá Hòa,Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần cảng Chân Mây bộc bạch.