Chính phủ đang đặt mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến thông qua việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và cải thiện trải nghiệm người dùng. Văn phòng Chính phủ sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nội vụ để triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Mục tiêu chung của kế hoạch là đảm bảo chất lượng, thuận tiện, minh bạch, hiệu quả và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Kế hoạch cũng hướng đến phát triển các dịch vụ số mới, được cá nhân hóa dựa trên dữ liệu để tối ưu hóa các dịch vụ công theo nhu cầu cụ thể của từng cá nhân và doanh nghiệp.

Đến năm 2025, kế hoạch đặt ra mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đối với toàn bộ thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần. Đồng thời, duy trì và cung cấp thực chất, hiệu quả 25 dịch vụ công trực tuyến toàn trình đã tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Về chất lượng, các dịch vụ công trực tuyến cần đảm bảo 4 nhóm tiêu chí chính, bao gồm: có biểu mẫu điện tử tương tác và tự động điền dữ liệu khi đã có sẵn trong các cơ sở dữ liệu; thời gian trung bình tính từ lúc đăng nhập cho đến khi người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến thành công đối với các dịch vụ công trực tuyến là dưới 8 phút; thời gian trung bình tính từ khi công chức, viên chức tiếp nhận, xử lý hồ sơ cho đến khi trả kết quả cho người dân, doanh nghiệp trong trường hợp nộp trực tuyến giảm tối thiểu 20% so với hình thức nộp trực tiếp; tỷ lệ người dân, doanh nghiệp đánh giá hài lòng khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt tối thiểu 90%.
Đến năm 2026, kế hoạch đặt ra mục tiêu tỷ lệ người dân, doanh nghiệp đánh giá hài lòng khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt tối thiểu 95%. Đồng thời, các dịch vụ công trực tuyến cần đảm bảo thời gian trung bình tính từ lúc đăng nhập cho đến khi người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến thành công đối với các dịch vụ công trực tuyến là dưới 5 phút; thời gian trung bình tính từ khi công chức, viên chức tiếp nhận, xử lý hồ sơ cho đến khi trả kết quả cho người dân, doanh nghiệp trong trường hợp nộp trực tuyến giảm tối thiểu 30% so với hình thức nộp trực tiếp.
Để đạt được các mục tiêu trên, kế hoạch đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm: rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế để triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình; hoàn thiện và đưa vào khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu dùng chung của cơ quan nhà nước; đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để nâng cao chất lượng sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Các bộ, ngành, địa phương được yêu cầu đẩy nhanh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã trước ngày 15/8/2025; của cấp tỉnh trong năm 2025. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần hoàn thành việc triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ được phê duyệt đối với 100% hệ thống thông tin đang vận hành trước tháng 12/2025.
Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ tiếp tục được hoàn thiện để trở thành một kênh cung cấp dịch vụ công trực tuyến chính thức và tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp.