Nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua “sóng gió” năm 2022 đầy thách thức của dịch Covid-19, cũng như sự tác động của thị trường thế giới do xung đột Nga – Ukraina.
Theo Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 ở mức 8,02% là đáng kinh ngạc. Bước sang năm 2023, các chuyên gia kỳ vọng chính sách tài khóa tiếp tục hỗ trợ và giúp doanh nghiệp vượt khó khăn để phát triển.
Điểm sáng trong chính sách tài khóa 2022
Chia sẻ với PV, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cho hay, chính sách tài khóa năm 2022 đã được triển khai hiệu quả, giúp nền kinh tế nói chung và hoạt động của doanh nghiệp (DN) nói riêng phục hồi sau dịch Covid-19. “Bộ Tài chính đề xuất nhiều chính tài khóa đáp ứng yêu cầu tăng trưởng nền kinh tế, cũng như quá trình hồi phục phát triển của DN, đặc biệt là chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế”.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh bày tỏ ấn tượng nhất với chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% còn 8% trong năm 2022 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ, làm cho giá cả hàng hóa giảm, kích cầu tiêu dùng, từ đó đẩy mạnh quá trình hồi phục, tăng trưởng của DN, giảm lạm phát. “Biện pháp này là một trong những chính sách tài khóa tích cực, ấn tượng nhất trong năm 2022”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Với quan điểm chính sách tài khóa là trụ cột của nền kinh tế, PGS. TS. Nguyễn Thị Mùi, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhấn mạnh, vai trò đặc biệt quan trọng của chính sách tài khóa trong việc hỗ trợ người dân và DN vượt qua khó khăn hậu Covid-19 đã góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế hồi phục và phát triển.
“Nhiều cơ chế, chính sách được ban hành kịp thời như: chính sách hỗ trợ người dân, DN theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí… đã hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống”, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi nói.
Điểm sáng nữa của chính sách tài khóa được cộng đồng DN hoan nghênh, đó là Bộ Tài chính đã kịp thời đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126/2020/NĐ-CP nhằm gỡ vướng cho DN trong việc tạm nộp thuế thu nhập DN. “Nghị định 91 được cộng đồng DN ghi nhận đây là sự chia sẻ và đồng hành của Chính phủ với DN, sự lắng nghe của cơ quan quản lý nhà nước để hoàn thiện cơ chế chính sách”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Kỳ vọng chính sách tài khóa trong năm mới
Để vượt qua những thách thức trong năm 2023, ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN của Chính phủ cho rằng, cũng như năm 2022, năm 2023, Chính phủ tiếp tục tập trung vào hai chính sách quan trọng đó là chính sách tiền tệ và tài khóa.
“Sẽ có nhiều thách thức xảy ra, trong đó có những vấn đề về tín dụng, thuế và thị trường bất động sản. Có nhiều DN gặp khó khăn khi các giao dịch bất động sản bị thu hẹp, ảnh hưởng lớn đến tín dụng; nhiều DN vẫn chưa ký được đơn hàng mới cho năm 2023… DN mong muốn chính sách tài khóa cần tiếp tục duy trì; miễn, giảm thuế để DN có dư địa lấy đà phục hồi, phát triển tăng trưởng trong năm 2023”, ông Long chia sẻ.
Ngoài kỳ vọng vào chính sách tài khóa trong năm 2023, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bày tỏ mong muốn, ngành Tài chính tiếp tục có những cải tiến tích cực cho cộng đồng DN cả về quy trình thủ tục, chính sách, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong cung ứng dịch vụ công, tự động hóa một số quy trình thủ tục, tư duy và phong cách làm việc của cán bộ thuế, hải quan ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, giảm bớt sự chồng chéo trong giải quyết quy trình, thủ tục…
Triển khai đồng bộ các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế
PGS. TS. Nguyễn Thị Mùi cho rằng, năm 2023, Chính phủ, các bộ, ngành cần tiếp tục triển khai đồng bộ các gói tài chính hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; đồng bộ các công cụ thuế trong chính sách tài khóa. Việc thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế thông qua công cụ chủ yếu miễn, giảm thuế; gia hạn nộp thuế… là giải pháp cần thiết tiếp tục được triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Đại diện cộng đồng DN nước ngoài, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho hay, Chính phủ đã có nhiều động thái hỗ trợ DN, đặc biệt hỗ trợ cả về tài chính (lãi suất), cũng như chính sách. DN châu Âu đề xuất trong chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, trong đó có Bộ Tài chính sẽ thiên về các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh nhiều hơn, tạo thuận lợi thương mại để hoạt động giao thương xuất nhập khẩu, hợp tác đầu tư giữa 2 khu vực đạt được bước tiến mạnh hơn.
“Khảo sát gần 1.300 thành viên DN châu Âu về môi trường kinh doanh tại Việt Nam cho thấy, yếu tố đầu tiên và nhất quán đó là cải thiện thủ tục hành chính thuế, hải quan, đặc biệt là kiểm tra chuyên ngành, thông quan hàng xuất nhập khẩu. Đây là mong muốn của cộng đồng DN đối với Bộ Tài chính – cơ quan chủ trì Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”, ông Nguyễn Hải Minh chia sẻ.
Hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia Kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, năm 2023 vẫn cần các gói chính sách tài khóa để giúp nền kinh tế và doanh nghiệp chống chịu với tác động của tình hình kinh tế thế giới.
Để duy trì và tiếp tục phát huy vai trò của chính sách tài khóa đối với nền kinh tế, trong năm 2023, TS. Võ Trí Thành cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách, trong đó cần lưu ý đến các quy chế, quy trình liên quan tới việc thực thi các giải pháp trong Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế để nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Chính sách tài khóa vẫn là “điểm tựa” tốt, nên cần cân nhắc, tính toán trong vài năm tới gắn với đầu tư trung hạn, để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả. Điều này phụ thuộc vào khả năng thu, chi ngân sách nhà nước; huy động nguồn lực để tiếp tục giữ vững vị thế của chính sách tài khóa.
Trong năm 2023, việc triển khai chính sách tài khóa tiếp tục bám sát tình hình thực tiễn để có điều chỉnh cần thiết; chú ý điều chỉnh ở nguồn lực và việc thực thi đối với các trụ cột trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế. Đến nay, nhiều chương trình đã quá thời hạn, cần xem xét, điều chỉnh theo hướng tập trung vào các lĩnh vực mới như đào tạo kỹ năng, thúc đẩy đầu tư công, hay những dự án đầu tư năng lượng mới.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh nhiều yếu tố bất định khó lường của năm 2023, cộng đồng DN mong muốn Chính phủ tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ nhằm tiết giảm chi phí, phục hồi sản xuất kinh doanh. DN mong muốn cơ quan nhà nước tiếp tục cải cách thủ tục hành chính thuế, chế độ kế toán cho DN nhỏ, siêu nhỏ theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi hơn nữa, qua đó hỗ trợ kịp thời DN trước áp lực về giá, chi phí sản xuất, sinh hoạt tăng cao.
DN cũng kỳ vọng Bộ Tài chính tiếp tục tham mưu với Chính phủ các chính sách tạo cơ chế thuận lợi hơn nữa cho DN, khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân trong nước mạnh dạn đầu tư thành lập khu, cụm vườn ươm, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa, nhất là ngành công nghiệp phụ trợ…