Năm 2023, thị trường chứng khoán được dự báo tiếp tục chịu ảnh hưởng kéo dài từ những khó khăn của năm 2022. Tuy nhiên, trong nguy có cơ, thị trường vẫn sẽ có cơ hội lớn với những cơ hội và rủi ro đan xen.
Khởi đầu rực rỡ
Tuần đầu năm 2023, thị trường chứng khoán (TTCK) mở ra tín hiệu lạc quan khi xuất hiện nỗ lực phục hồi, kết thúc chuỗi điều chỉnh kéo dài 4 tuần. Chỉ số VN-Index tăng 4,4%, lên 1.051,4 điểm và thanh khoản được cải thiện. Theo VNDirect, thị trường được hỗ trợ bởi nhiều thông tin tích cực, như: Trung Quốc mở cửa đường bay quốc tế từ ngày 8/1; dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn hai được khởi công; dự thảo Nghị định 65 sửa đổi cập nhật mới nhất đã được bộ Tài chính trình lên bộ Tư pháp.
Dòng tiền hướng vào các cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa lớn thuộc VN30. Ngoài ra, dòng cổ phiếu dầu khí và chứng khoán cũng là hai nhóm ngành có được nhịp phục hồi tích cực với mức tăng 9,87% và 7,8%. Thanh khoản được cải thiện với giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường tăng 9,3% lên mức 11.724 tỷ đồng. Khối ngoại cũng mua ròng xuyên suốt tuần giao dịch đầu năm với quy mô hơn 1.600 tỷ đồng, trong đó, riêng phiên cuối tuần, mua ròng hơn 350 tỷ, tập trung vào HPG, POW, FUEVFVND.
Đưa ra nhận định về TTCK năm 2023, thạc sĩ Phạm Tiến Đạt (Viện Chiến lược và Chính sách tài chính) cho rằng, thị trường sẽ biến động khó lường dưới tác động đan xen các yếu tố thuận lợi và khó khăn, từ cả trong và ngoài nước. Ở chiều thuận lợi, trên bình diện quốc tế, chính sách tiền tệ thắt chặt của các nước sẽ bớt căng thẳng hơn khi mà lạm phát phần nào được kiểm soát, xu hướng dịch chuyển dòng vốn về thị trường Mỹ sẽ chậm lại, làm tăng thanh khoản cho thị trường nội địa.
Ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ukraine đến kinh tế toàn cầu, đặc biệt khu vực châu Âu đã không còn là cú sốc lớn khi người dân và DN đã dần thích nghi với tác động này. Việc Trung Quốc dần mở cửa sau thời gian dài đóng cửa nền kinh tế khiến chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu được kết nối lại. Những tác động này sẽ khiến kinh tế toàn cầu tích cực hơn, qua đó ảnh hưởng thuận lợi đến TTCK Việt Nam.
Trong khi đó, trong nước tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng ở mức cao giữa bối cảnh lạm phát được kiểm soát hiệu quả. Trong năm tới, động lực phục hồi từ việc phát triển trở lại mạnh mẽ hoạt động du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế, hoạt động đầu tư công được thúc đẩy với những động thái quyết liệt của Chính phủ. Các dự án năng lượng tái tạo được chú trọng đầu tư từ những nhà đầu tư trong và ngoài nước là động lực phát triển mạnh mẽ. Nguồn vốn FDI tiếp tục tăng mạnh cùng với vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt sau những thành công trong việc kiểm soát đại dịch cũng như các giải pháp kêu gọi, thu hút vốn hiệu quả. Trong 11 tháng năm 2022 giá trị giải ngân nguồn vốn này đã đạt gần 20 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ.
Ngoài các yếu tố vĩ mô, một số yếu tố của thị trường tác động thuận lợi đến TTCK giai đoạn cuối năm 2022 sẽ tiếp tục được phát huy trong năm tới như sự tham gia của dòng vốn ngoại, các giải pháp hỗ trợ thị trường, sự quyết tâm của các cơ quan nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả quản lý thông qua việc chú trọng hoàn thiện khung khổ pháp luật khi việc sửa luật Chứng khoán, sửa đổi, bổ sung những nghị định, thông tư được chú trọng đẩy mạnh theo hướng phù hợp hơn với thực tế và thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, tình hình sản xuất – kinh doanh, khả năng sinh lời của DN niêm yết cũng tương đối khả quan.
Vẫn tiềm ẩn rủi ro
Các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra hàng loạt thách thức của TTCK Việt Nam trong năm 2023. Đó là đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là tại các thị trường xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của khối DN xuất nhập khẩu. Lạm phát tuy đã được phần nào kiểm soát nhưng vẫn đạt mức cao sẽ khiến lãi suất tiếp tục tăng mặc dù với mức độ và cường độ thấp hơn so với năm 2022. Các nguy cơ về bất ổn kinh tế toàn cầu, các cuộc xung đột chính trị… vẫn sẽ là những yếu tố tiềm ẩn tác động tiêu cực đến thị trường.
Về tình hình trong nước, kinh tế vĩ mô năm 2023 được dự báo có những khó khăn hơn, khi sự tác động từ việc mở cửa nền kinh tế đã không còn mạnh mẽ, tăng trưởng xuất khẩu chậm lại do cầu thế giới giảm, thách thức lãi suất và tỷ giá kéo dài (ít nhất đến quý II/2023). Bên cạnh đó là những khó khăn trên thị trường bất động sản sẽ khiến thanh khoản và niềm tin vào thị trường sụt giảm. Các tổ chức quốc tế (IMF, WB, ADB, AMRO+3) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ thấp hơn so với năm 2022 khi đạt mức từ 6,2 – 7,2% (so với mức từ 6,5 – 7,5% của năm 2022), trong khi nguy cơ lạm phát được đánh giá cao hơn với 3,9 – 4,0% trong năm 2023 cao hơn mức 3,5 – 3,8% của năm 2022.
Theo VNDirect, giai đoạn đầu năm 2023, TTCK được dự báo tăng phần lớn do định giá các tài sản đã quá hấp dẫn, tuy vậy đà tăng sẽ khá mong manh và không ổn định trong bối cảnh thanh khoản thấp, áp lực lãi suất, tỷ giá và bài kiểm tra năng lực thanh toán cho trái phiếu DN đáo hạn vẫn còn. Tuy nhiên, đà tăng sẽ vững chãi hơn trong giai đoạn cuối năm khi ngân hàng trung ương các nước trở nên “bớt diều hâu”, qua đó sẽ kích hoạt một đợt định giá lại tài sản mới. TTCK sẽ phản ánh câu chuyện giảm lãi suất từ trước 4 – 6 tháng. Chỉ số VN-Index được dự báo đạt 1.300 – 1.350 điểm trong nửa cuối 2023.
Hiện nay, theo các chuyên gia kinh tế, rủi ro của thị trường tài chính đã có khuynh hướng giảm dần, đây là điều kiện để các nhà đầu tư có thể thực hiện chiến lược chuyển hướng đầu tư từ các công cụ có độ an toàn cao hơn như tiền gửi tiết kiệm sang thị trường trái phiếu hoặc cổ phiếu. Năm 2023 sẽ là năm thị trường không rõ ràng về xu hướng mạnh, sự phát triển sẽ có phân hoá giữa các nhóm ngành, việc lựa chọn cổ phiếu sẽ trở lên khó khăn hơn. Một số nhóm ngành được đánh giá cao như logistics, tiện ích hoặc tiêu dùng.
Với nhận định tích cực hơn, Công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng với dự phòng PE năm 2023 đạt 12 lần, VN-Index có thể đạt mức cao 1.535 điểm. Tuy nhiên, vì bản chất của thị trường vận động theo tâm lý nhà đầu tư, do đó, chỉ số sẽ có những đợt tăng giảm chứ không đi lên tuyến tính./.