Với người Thái, trò chơi ném còn đưa tới thông điệp mong muốn âm – dương hòa hợp, cầu mong con cái trong nhà đông đúc. Do đó, những người Thái hiếm muộn thường rất hào hứng thi ném còn để cầu tự.
Tôi là người Kinh, nhưng anh em bạn bè gốc gác các dân tộc thiểu số mạn Tây Bắc, Việt Bắc. Thời khó khăn, sau khi nghỉ Tết, có lần tôi và Hoàng Đình Thắng (người Tày) ra Bến Nứa xếp hàng lấy vé xe ngược Tuyên Quang (hồi ấy còn là Hà Tuyên). Cũng xin nói thêm, trên đất cũ của Bến Nứa nay là một bến xe bus ngoài trời của vận tải công cộng Hà Nội, mạn gần cầu Long Biên.
Mua vé đã khó, xe chật như nêm, hành trình dọc quốc lộ 2 thật gian nan. Như bây giờ lên Tuyên chắc chỉ 1 tiếng rưỡi gì đó. Ngày đó “đi dọc câu hò”. Khá bền bỉ, né tránh thanh niên “đen đỏ”, chơi xóc dĩa trên xe, mới về đến Sơn Dương quê bạn.
Mồng 3 Tết, bạn rủ đi chơi trò “Ném còn”. Hồi đó, tôi chỉ nghĩ là trò chơi dân gian của cộng đồng dân tộc Tày. Hóa ra, không gian văn hóa của các dân tộc Thái, Tày, Mường, Nùng đều có ném còn. Nó có nguồn gốc từ rất lâu đời.
Tuyên Quang cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc, ra Tết nhiều đợt gió mùa lạnh sâu. Sau khi ăn sáng, chè cháo mãi, hai anh em quây quần bên bếp củi đặt giữa nhà cùng mẹ Hoàng Đình Thắng và mấy đứa em. Bà có tên con gái hẳn hoi, nhưng khi Hoàng Đình Thắng sinh ra thì bà “mất tên”. Người Tày cũng giống như nhiều vùng quê nông thôn miền Trung, sau khi đứa con đầu lòng ra đời thì tên con trở thành tên bố mẹ.
Đứa con ra đời đánh dấu bước ngoặt lớn trong đời sống vợ chồng, bên cạnh niềm hạnh phúc đó còn là trách nhiệm lớn lao, nuôi dạy con cái nên người. Vì vậy người Tày thường lấy tên con đầu để gọi tên cho cha mẹ, cách gọi thân mật đó là sợi dây vô hình gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.
Ngồi một cữ than nồng Hoàng Đình Thắng xin phép mế đưa tôi ra bãi đất, nơi bà con xã Hồng Lạc tổ chức vui xuân, ném còn. Khi hai anh em ra thì đã nô nức. Tôi như lạc vào giữa vườn hoa sắc tộc. Công nhận y phục của phụ nữ các dân tộc thật bản sắc, mê dụ. Không như người Kinh, phụ nữ ngoài y phục áo dài chung cho cả cộng đồng người Việt thì không còn gì, tất cả là “đồ Tây”.
Hoàng Đình Thắng kể rằng: “Trong quan niệm của người Tày, quả còn tượng trưng cho hồn núi, hồn sông, hồn đất và hồn nước. Chính vì vậy, quả còn bao giờ cũng làm bằng vải màu đỏ, màu đen, màu xanh và màu trắng”.
Phụ nữ các dân tộc Tây Bắc, thường làm quả còn bằng những mảnh vải vụn cắt thành hình ô vuông, có cạnh khoảng 18cm, gấp chéo 4 góc vào nhau, bên trong nhồi bằng hạt bông hay hạt thóc biểu thị của sự cầu mong nảy nở sinh sôi. Dây còn cũng được khâu bằng vải, dài độ nửa sải tay, một đầu đính vào điểm tâm giao của hình vuông quả còn. Tua còn được cắt bằng vải vụn, đủ màu sắc, sau đó đính vào 4 góc quả còn và đính so le điểm trên dây còn, tạo thành biểu tượng như hình con rồng bay. Tiếng dân tộc Tày gọi là “con cuống”, mang niềm tin gửi gắm nơi con rồng đem lại sự phồn thịnh, hạnh phúc. Thường quả còn chỉ có khoảng 4 – 8 múi, nhưng với người khéo tay, họ có thể may quả còn với 12 múi gồm 12 màu. Mỗi quả còn, trong ngày hội khi tung lên mang theo niềm vui và may mắn cho người chơi.
Và rồi Hoàng Đình Thắng, đưa tôi vào trò chơi. Anh bảo: “Ta chơi với hội theo tục tỏ tình, giao duyên”. Tôi và Hoàng Đình Thắng đứng một bên, hai bạn nữ đứng một bên. “Nào ném”, anh ấn vòa tay tôi quả còn và nhắc. Trời à, đây là cách tung còn “đại trà”. Tất nhiên hai anh em chỉ tung một lúc, trả còn lại cho trái gái sở tại và đứng xem. “Bạn biết không, tung còn của giữa nam và nữ cũng là cách tìm bạn gái đấy. Đôi nào phải lòng nhau tự khắc ném cho nhau. Thông qua hội tung còn nhiều đôi trở thành chồng, thành vợ của nhau”.
Với người Mường, cũng y chang người Thái. Hội ném còn là dịp để nam thanh nữ tú gặp nhau, là bà mối để se duyên. Bên nào thua sẽ phải để lại một vật làm tin, thường người thua sẽ là các chàng trai. Sau lễ hội, chàng trai sẽ quay lại nhà cô gái để xin lại vật đã gửi lại làm tin, là cái cớ để hai người gặp gỡ, tìm hiểu tiếp.
Tất nhiên, lý thuyết là như vậy, nhưng thực tế, trai bản biết hết nhau, anh chị nào thích nhau, tìm hiểu nhau đã từ trước. Ngày xuân chỉ là lúc họ giao lưu, vui xuân cùng bạn bè.
Cách thứ hai, được Hoàng Đình Thắng chỉ vào phía sau hai anh em, giải thích, gọi là “tọt con vong” nghĩa là tung còn vòng. Ở giữa sân bãi này, trưởng bản cho chôn một cây tre, cao chừng 10m, đầu trên cao có gắn một cái vòng tròn đường kính khoảng 50 – 70cm theo phương thẳng đứng. Vòng tròn được gắn vải đỏ, xanh… phần trên khâu chắc vào mép, ở dưới thả buông để khi ai đó tung trúng vào trong vòng còn dễ phát hiện ra. Quả còn sẽ được tung lên cao nhằm hướng vòng còn trên đỉnh cột, quả còn vút qua ngọn cột tre, những dây tua ngũ sắc cũng lướt xòe ra với màu sắc rực rỡ trông thật đẹp đẹp mắt.Trò chơi này giành cho mọi đối tượng, mọi lứa tuổi, có gia đình hay chưa đều chơi.
– “Tung vài quả, mỏi tay phết?””, tôi nói với Hoàng Đình Thắng.
– “Thì thể thao mà. Có thể thao nào không đòi hỏi sức khỏe và sự khéo léo”, Hoàng Đình Thắng mỉm cười.
Như vậy, ném còn vừa mang tính văn hóa lại vừa mang tính thể thao, rèn luyện sự tinh tế, khéo léo khi tung, khi bắt. Trò chơi cũng là sự kết hợp các động tác toàn thân, vừa sảng khoái tinh thần, vừa được giao lưu, tỏ tình, đoàn kết, vui vẻ. Cả sân bãi, vốn là nơi bọn trẻ trả trâu chăn bò, tiếng trống, chiêng và hò reo dậy lên như sấm. Vui không thể nào nói hết.
Ngoài ý nghĩa tương đồng, với người Tày, trò chơi ném còn mang ý nghĩa cầu mùa. Trước khi khép hội, thầy mo sẽ rạch quả còn thiêng (đã được ban phép) lấy hạt bên trong, tung lên để mọi người cùng hứng lấy vận may. Người Tày quan niệm hạt giống này sẽ mang lại mùa màng bội thu và may mắn, vì nó đã được truyền hơi ấm của những bàn tay nam nữ.
Sau này được đi đủ mọi “xó xỉnh” của Tây Bắc, được anh bạn khác là Vi Văn Long “xe duyên”, tôi được nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Thái, Lò Văn Ín ở Điện Biên cho biết: “Ném còn là biểu tượng cho âm dương hòa hợp. Quả còn trong quan niệm của người Thái tượng trưng cho dương, còn vòng tròn dán giấy đỏ trên cây tre tượng trưng cho âm. Người Thái chơi ném còn thể hiện âm – dương hòa hợp và mang ý nghĩa phồn thực. Chính vì thế, những gia đình hiếm muộn con cái thì người phụ nữ rất hào hứng tham gia ném còn để cầu tự”.
Theo truyền thuyết của người Thái ở Điện Biên thì ngày xưa, nhân năm được mùa, mưa thuận gió hòa, vua Hùng đóng đô ở Phú Thọ đã mời các bộ tộc, bộ lạc về tổ chức lễ hội. Các tộc người như Mường, Kinh, cùng các bộ lạc như Lạc Việt, Nam Việt… về đông đủ dự hội. Chỉ riêng người Thái ở Tây Bắc về có hai người. Vua Hùng buồn rầu bảo rằng, người Thái sống trên núi, ít người, đất rộng, Vua liền ban cho người Thái trò chơi ném còn để con người nhanh chóng sinh sôi, phát triển. Cũng từ đó, trò ném còn được người Thái chơi từ ngày này sang tháng khác, trong các lễ hội của cộng đồng.
Người Thái có một niềm tin chắc nịch, trò chơi Vua Hùng ban cho rất linh thiêng. Kể từ đó, người Thái đã sinh sôi phát triển trở thành tộc người có dân số lớn nhất vùng Tây Bắc. Tức là về mặt tâm linh, ném còn không chỉ là trò chơi dân gian, thể thao cộng đồng, mà còn mang ý nghĩa tốt tươi, nảy nở. Không chỉ thế, còn tung lên mang ý nghĩa tượng trưng cho những buồn đau và mọi việc xấu sẽ được rũ sạch, thay vào đó là sự ấm no, hạnh phúc. Nếu ném trúng vòng tròn cuộc sống sẽ sinh sôi, mùa màng sẽ bội thu.
Với người Thái, trò chơi ném còn đưa tới thông điệp mong muốn âm – dương hòa hợp, cầu mong con cái trong nhà đông đúc. Do đó, những người Thái hiếm muộn thường rất hào hứng thi ném còn để cầu tự. Quả còn ném thường hướng về đầu nguồn sông, hay suối chính là hướng về các bản làng người Thái.
Có câu chuyện này, tôi muốn nói thêm, đã từng được dự nhiều bữa cơm cùng với gia đình hai người bạn Hoàng Đình Thắng và Vi Văn Long, tôi cứ suy nghĩ mãi về giao tiếp. Khi Hoàng Đình Thắng hay Vi Văn Long về đến nhà, rặt nói tiếng dân tộc mình. Chỉ khi hai anh hoặc có người trong nhà hỏi han tôi, mới dùng đến “quốc ngữ”. Ý thức giữ bản sắc từ tiếng nói, trang phục của các cộng đồng dân tộc là điều đáng phải suy nghĩ. Điều này, không như người Kinh. Và, tôi nhớ bài thơ “Nói với con” của nhà thơ Y Phương:
“Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục”.
Ngôi nhà ông ở Hà Nội là không gian Tày gần gũi. Phu nhân nhà thơ vừa địu con trên lưng vừa thổi cơm, lẩm nhẩm thơ chồng:
“Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói”.
Ông tên thật là Hứa Vĩnh Sước, người Tày ở Trùng Khánh, Cao Bằng./.