Thành phố trực thuộc Thủ đô sẽ là những cực tăng trưởng mới, giúp kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô và vực dậy kinh tế các huyện còn khó khăn.
Trao đổi về kế hoạch và nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa tạo sức bật mới cho sự phát triển của Thủ đô nhân dịp Xuân Quý Mão 2023, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Thành phố hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Trong đó, Hà Nội sẽ quy hoạch 2 thành phố trực thuộc Thủ đô gồm Thành phố Bắc sông Hồng gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và Thành phố phía Tây gồm khu vực Hòa Lạc – Xuân Mai.
Thành ủy xác định đây phải là những cực tăng trưởng mới của thành phố, giúp kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô và vực dậy kinh tế các huyện còn rất khó khăn.
Trước đó, tháng 10/2022, UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định số 3627 phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2030, xác định thành phố sẽ phát triển đô thị vệ tinh và các khu vực dự kiến phát triển thành quận; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai).
TS. Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ đã xác định 2 thành phố tại khu vực phía Bắc và phía Tây trực thuộc Thủ đô Hà Nội, thể hiện sự đột phá về phát triển đô thị. Đây là mô hình chính quyền đô thị đổi mới, thích hợp trong phân công, phân cấp quản lý.
Từ kinh nghiệm thí điểm thành lập TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM hơn một năm qua, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, Hà Nội cần có mô hình chính quyền thích hợp, đủ năng lực quản lý. Các khu vực thành phố hình thành trong tương lai có vị thế liên kết chặt chẽ với Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng.
Do đó, phải nâng tầm vai trò để các thành phố này không chỉ là của Thủ đô, mà còn là đầu mối liên kết với các vùng. Muốn trở thành thành phố thì cần phải rà soát lại, phải có một kế hoạch phát triển để đạt được các tiêu chí thành thành phố.
“Trước tiên, cần tiến hành điều tra để nắm rõ, hiện nay các huyện này còn thiếu những tiêu chí nào, thiếu bao nhiêu và đặc biệt phải có định hướng phát triển từng lĩnh vực để đảm bảo chỉ tiêu vì hiện nay, theo chủ trương Quốc hội không cho nợ chỉ tiêu.
Chọn bước đi thích hợp để hoàn thành các chỉ tiêu điều kiện về thu chi ngân sách, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp và cơ cấu hình thành công nghiệp dịch vụ, thu nhập bình quân trên đầu người. Do đó, thành phố muốn triển khai được phải xây dựng đề án, với sự đóng góp từ địa phương”, TS Đào Ngọc Nghiêm cho biết.
Ở khía cạnh khác, KTS Phạm Thanh Tùng, Ủy Viên Ban thường vụ, Chánh văn phòng TƯ Hội KTS Việt Nam nhìn nhận, với hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, với 3 đường vành đai hiện hữu và vành đai 4 chuẩn bị thực hiện, việc tập trung xây dựng những đô thị vệ tinh đúng nghĩa sẽ phù hợp.
Để làm được điều đó, theo ông Tùng, Hà Nội cần tính đến bài toán làm cách nào để di dân ra khỏi nội thành, đồng thời phải lường trước nguồn lực để đầu tư./.