Hơn 1 năm trở lại đây, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội đã được khởi động trở lại với những quyết sách phù hợp và kịp thời.
Từng nút thắt dần được thành phố tháo gỡ mang lại kỳ vọng cho việc được coi là khó trong nhiều năm qua.
Thực tế, nhiều năm qua, tiến độ thực hiện cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ chưa được như kỳ vọng, do đó rất cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các sở, ngành, quận huyện liên quan.
Dần tháo các nút thắt
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, TP Hà Nội đã tích cực vào cuộc triển khai thực hiện. Ngày 20/4/2021, Thành ủy Hà Nội đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ (Ban chỉ đạo) trên địa bàn, trực tiếp do Chủ tịch UBND TP làm trưởng ban.
Tiếp đó, ngày 18/12/2021, UBND TP đã có quyết định ban hành Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trong đó xác định 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Để triển khai Đề án, TP cũng đã ban hành 5 kế hoạch thực hiện.
Một trong những nút thắt quan trọng về nguồn vốn cũng được khơi thông khi HĐND TP Hà Nội thống nhất bố trí nguồn ngân sách khoảng 500 tỷ đồng giai đoạn 2021 – 2025 để thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định đánh giá chất lượng toàn bộ chung cư cũ.
Trong năm 2022, TP đã tạm cấp cho các quận, huyện thực hiện công tác kiểm định chung cư cũ gồm: Hoàn Kiếm (17 tỷ); Ba Đình (10,8 tỷ); Đống Đa (18,5 tỷ); Thanh Xuân (2,9 tỷ); Tây Hồ (3 tỷ); Cầu Giấy (23,5 tỷ); Hoàng Mai (27,7 tỷ); Long Biên (2,9 tỷ): Hai Bà Trưng (15,4 tỷ); Hà Đông (3,58 tỷ); Đông Anh (2,6 tỷ); Bắc Từ Liêm (3,981 tỷ).
Ngoài ra, tạm cấp kinh phí cho các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng Thanh Xuân, Cầu Giấy để lập quy hoạch tổng mặt bằng với tổng số tiền khoảng 22,125 tỷ đồng.
Thông tin về tiến độ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn TP, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, năm 2022 có 2 dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ hoàn thành thi công xây dựng chuẩn bị đưa vào vận hành, khai thác gồm: Nhà 3A Quang Trung, quận Hoàn Kiếm; khu chung cư cũ L1, L2 Nam Thành Công, quận Đống Đa.
Hiện đang tiếp tục thực hiện 7 dự án gồm: Nhà A&B Khu tập thể Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy; Khu tập thể Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng; Khu tập thể X1-26 Liễu Giai, quận Ba Đình; Khu tập thể dịch vụ vận tải đường sắt, quận Hoàng Mai; chung cư số 148 – 150 Sơn Tây, quận Ba Đình; Khu tập thể Viện tư liệu phim Việt Nam, quận Ba Đình; chung cư số 23 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm.
Bên cạnh đó, TP cũng đã thực hiện kiểm định xong 126 nhà chung cư cũ, đánh giá, phân loại cụ thể 19 ý tưởng quy hoạch do các nhà đầu tư đề xuất; rà soát 11 dự án, trong đó 10 chung cư cũ đã lựa chọn được chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại và 1 chung cư đang trình UBND TP chấp thuận chủ đầu tư; 14/15 quận, huyện có chung cư cũ thành lập Ban chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại, ban hành kế hoạch để triển khai…
Chậm tiến độ do công tác phối hợp
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện các quận, huyện cho biết hiện nay công tác triển khai cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư còn một số khó khăn, vướng mắc dẫn đến một số công việc còn chưa đạt kết quả như mong muốn, chưa kịp tiến độ đề ra.
Là quận có nhiều khu chung cư có nhà nguy hiểm cấp D, được ưu tiên triển khai trong đợt 1 theo kế hoạch của UBND TP, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, một trong những vướng mắc của quận hiện nay liên quan đến chỉ tiêu quy hoạch. Do bị hạn chế bởi số tầng công trình đã quy định tại đồ án phân khu H1-2 dẫn tới diện tích sàn kinh doanh (sau khi đã bố trí tái định cư) còn lại ít nên không hấp dẫn được các nhà đầu tư tham gia cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Đối với việc chậm hoàn thành di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp D trên địa bàn quận có nguyên nhân, do 22 căn hộ bố trí làm nhà tạm cư phục vụ di dời các hộ dân chưa đảm bảo đủ điều kiện ở thiết yếu, bị xuống cấp dẫn đến khó khăn khi tuyên tuyền, vận động các hộ dân sớm di dời ra khỏi nhà nguy hiểm cấp D.
Mới đây, tại kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo về kết quả 1 năm triển khai thực hiện Đề án và các kế hoạch triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội năm 2022 có nêu, công tác triển khai Đề án và các kế hoạch triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội trong năm 2022 cơ bản chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ đã được UBND TP đề ra.
Các kế hoạch về tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ trên địa bàn TP; cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP đợt 1, đều có hạn hoàn thành trong năm 2022 nhưng đã bị “trượt” tiến độ. Đặc biệt, việc chậm triển khai công tác nghiên cứu lập, thẩm định, trình phê duyệt quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng đã ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn bộ công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ và công tác xử lý các nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D.
Một trong những nguyên nhân của việc triển khai chậm được chỉ rõ là do ý thức quán triệt và thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật, chỉ đạo của TP; sự thiếu đồng bộ và nặng về thủ tục hành chính trong công tác phối hợp giữa các cấp, ngành… Do đó, nhằm đảm bảo các kế hoạch TP đã đề ra, trong năm 2023 các đơn vị sở ngành, quận, huyện liên quan cần vào cuộc với quyết tâm lớn, quyết liệt hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ, công việc được giao. Có như vậy mới tạo chuyển biến với kết quả thực chất, đáp ứng mong mỏi của Nhân dân trong việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn TP.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai, tại buổi kiểm tra thực địa công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại quận Ba Đình và Đống Đa vào ngày 3/2, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các sở, ngành liên quan phải phối hợp chặt chẽ với các quận trong triển khai các bước cải tạo chung cư cũ, đặc biệt là việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, tăng cường tiếp xúc đối thoại, giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng của người dân. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức nhằm tạo sự đồng thuận của nhân dân.