Quy hoạch đô thị là nền tảng định hướng, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường. Song, thực tế công tác quy hoạch đô thị vẫn đang tạo ra một số rào cản cho sự phát triển bền vững.
Ngày 27/1, Văn phòng Chính phủ đưa ra Thông báo số 14/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022, phổ biến và triển khai Nghị quyết số 148/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thông báo nêu rõ, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW đã đề ra 15 nhóm chỉ tiêu cụ thể hướng tới phát triển đô thị xanh, đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó biến đổi khí hậu, thông minh và phát triển bền vững. Các chỉ tiêu đề ra khá cao, do vậy, để hoàn thành cần có tư duy, cách tiếp cận mới và nỗ lực rất lớn trong thực hiện.
Một số chuyên gia quy hoạch nhận định, việc quy hoạch đô thị Việt Nam còn phải thay đổi mới đáp ứng được được yêu cầu phát triển bền vững.
Quy hoạch đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
Theo GS.TS.KTS. Nguyễn Tố Lăng, Nguyên Vụ trưởng, Chủ nhiệm VP thường trực, Ban Chỉ đạo Quy hoạch và Đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, quy hoạch đô thị ở Việt Nam được lập trên cơ sở của phương pháp quy hoạch tổng thể triển khai từ những năm 1960, khi nước ta còn phát triển với cơ chế kinh tế kế hoạch tập trung.
“Phương pháp quy hoạch này có khá nhiều hạn chế, như quy hoạch phát triển theo từng ngành riêng biệt và độc lập; chủ yếu dựa vào các đặc điểm của đô thị lý tưởng, thậm chí tách rời sự phát triển thực tế, với quá nhiều luật lệ nhưng việc điều hành không tốt. Ngoài ra, việc tiếp thị đô thị và sự tiếp cận với vốn địa phương cũng như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa hiệu quả”, GS.TS.KTS. Nguyễn Tố Lăng nêu.
Trong đó, GS.TS.KTS. Nguyễn Tố Lăng nhấn mạnh, quy hoạch sử dụng đất là nội dung cơ bản trong quy hoạch đô thị, tuy nhiên hiện nay việc quản lý sử dụng đất đô thị còn nhiều bất cập do có sự chồng chéo trong áp dụng hệ thống văn bản pháp luật giữa ngành tài nguyên, môi trường và ngành xây dựng (theo Luật Đất đai và Luật Quy hoạch đô thị); bất cập trong việc phân loại đất đô thị; bất cập trong việc xây dựng bản đồ quy hoạch sử dụng đất.
“Đơn cử như quy hoạch chung được thực hiện theo phương pháp tổng thể, theo tầm nhìn dài hạn, không xác định được nguồn lực thực hiện nên khả năng thực thi không cao. Nhiều đồ án quy hoạch chung được triển khai rất chi tiết cho giai đoạn dài hạn (như xác định hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng cho từng lô đất ở giai đoạn dài hạn, khoảng 20 năm sau) là khó khả thi, thậm chí là rào cản cho các quy hoạch cấp dưới”, GS.TS.KTS. Nguyễn Tố Lăng nhận định.
Ngoài ra, theo GS.TS.KTS. Nguyễn Tố Lăng, quy hoạch phân khu được thực hiện với việc quy định cụ thể về chức năng sử dụng đất trên nền tảng hiện trạng và dự án đã có, song quy định về sử dụng đất thiếu linh hoạt dẫn tới việc liên tục phải điều chỉnh cục bộ.
Công tác điều chỉnh quy hoạch đang thường xuyên diễn ra, với các quy mô và mức độ khác nhau ở các loại đồ án quy hoạch đô thị. Việc điều chỉnh này do dự báo phát triển chưa phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của thực tiễn; thông tin số liệu hiện trạng về quy hoạch, đất đai, dự án… không đầy đủ và thiếu hệ thống.
Nêu thực trạng quy hoạch chi tiết tại các địa phương, GS.TS.KTS. Nguyễn Tố Lăng cho biết: “Quy hoạch chi tiết tại nhiều địa phương bị điều chỉnh tùy tiện, không đúng quy trình, thủ tục, thường có xu hướng tăng tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất trong khi giảm diện tích công cộng và cây xanh, điều này dẫn đến việc quá tải lên hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong các khu đô thị”.
Từ thực tế đó, GS.TS.KTS. Nguyễn Tố Lăng nhấn mạnh, quy hoạch đô thị cần được lập theo hướng đa ngành và hợp nhất trong một hồ sơ quy hoạch, do chủ nhiệm đồ án tổng hợp. Các nội dung này có thể được đề xuất bởi các lĩnh vực chuyên môn, các chuyên ngành khác nhau nhưng không nên có các quy hoạch riêng.
Ngoài ra, quy hoạch cần dựa vào cơ sở thực thi của đô thị và tôn trọng quy luật thị trường, chỉ quy hoạch những cái gì có thể làm được, kể cả tính khả thi về tổ chức không gian và nguồn tài chính thực hiện.
“Trong đồ án quy hoạch chung đô thị không nên quy định những chỉ tiêu cứng nhắc, mà chỉ nên quy định những điều được khuyến khích làm và những điều phải ngăn cấm.
Đối với các quy hoạch phân khu và chi tiết các khu vực cụ thể, cần chọn những hành động cụ thể để thực hiện, căn cứ vào nhu cầu và nguồn lực của các nhà đầu tư phát triển đô thị, cho một thời gian nhất định”, GS.TS.KTS. Nguyễn Tố Lăng nêu.
Giải pháp quản lý tạm thời các khu đất lớn đang chờ triển khai dự án đô thị hoá
Các chuyên gia đánh giá, thực tế ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và ngay cả ở các đô thị nhỏ hơn, hiện tượng đất đô thị mòn mỏi chờ dự án triển khai vẫn khá phổ biến.
Theo ông Emmanuel Cerise, Giám đốc PRX-Vietnam, hầu hết các đô thị Việt Nam hiện nay đều đang phải đối mặt với một thực trạng lãng phí nguồn lực đất đai khi nhiều quỹ đất đã được giao cho các dự án đô thị lớn, nhưng không được triển khai thực hiện đúng thời hạn vì nhiều lý do khác nhau. Ngoài ra, một số khu vực hoặc công trình nằm ngay bên trong các khu đô thị đã được xây dựng, thậm chí là các công trình lịch sử, cũng rơi vào tình trạng bị lãng phí do các dự án có liên quan chậm triển khai thực hiện.
Để giải quyết vấn đề này, ông Emmanuel Cerise chia sẻ kinh nghiệm quy hoạch cho giai đoạn quá độ ở đô thị ở Pháp trong hơn 10 năm qua, đặc biệt ở Vùng Île-de-France, nhằm khai thác tối ưu quỹ đất trong các giai đoạn chờ triển khai dự án chính thức.
“Những khu đất bị bỏ hoang trước đây tại Vùng Île-de-France thường bị đánh giá một cách tiêu cực, nhất là trong bối cảnh thủ đô nước Pháp luôn phải chịu nhiều áp lực lớn về quỹ đất cho phát triển. Vì vậy, việc áp dụng quy hoạch giai đoạn quá độ sẽ thay đổi hình ảnh và giá trị cho các dự án, đồng thời thay đổi cả cách thức phát triển đô thị.
Ngay cả trong trường hợp dự án quy hoạch giai đoạn quá độ không liên quan đến dự án đô thị lâu dài thì ít nhất các nhà quy hoạch cũng tạo được sức sống nhất định và khai thác được các tiềm năng thông thường sẽ bị “đóng băng” trong thời gian chờ thực hiện các nghiên cứu quy hoạch đối với dự án trong tương lai”, Giám đốc PRX-Vietnam nói.
Nhìn nhận về vấn đề này tại Việt Nam, ông Emmanuel Cerise đánh giá, tuy chưa phổ biến nhưng một số thử nghiệm về chuyển đổi công năng đã từng được thực hiện, đặc biệt là với trường hợp khu Zone 9 ở Hà Nội – địa điểm quy tụ các hoạt động văn hóa tại một khu đất công nghiệp bị bỏ hoang tạm thời sau khi thỏa thuận được với chủ sở hữu của địa điểm này.
Giám đốc PRX-Vietnam cũng cho rằng, việc Unesco công nhận Hà Nội thuộc Mạng lưới các thành phố sáng tạo và sự quan tâm của chính quyền thành phố đối với chủ đề này và ngành công nghiệp văn hóa có thể là một phương tiện để phát triển quy hoạch trong giai đoạn quá độ. Còn tại TP. HCM, chủ trương phát triển thành phố thông minh Thủ Đức với các quy định cụ thể cũng có thể là cơ hội cho loại hình quy hoạch này.
Xét trên bình diện rộng hơn, các nỗ lực đổi mới đô thị tại các khu trung tâm hiện có của các đô thị khác như Hải Phòng, Quy Nhơn, Huế… cũng sẽ tạo ra khung thời gian dài để thực hiện các dự án phức tạp.
“Các đô thị Việt Nam nói chung, các đô thị lớn nói riêng hiện nay thiếu không gian công cộng, văn hóa, sân chơi thể thao. Việc sử dụng đất chờ dự án, trong một thời gian dài hoặc thậm chí trong một thời gian tương đối ngắn vài tháng, có thể được khai thác để bù đắp khoảng trống này. Các mô hình khai thác sân bóng mini hiện nay thường đòi hỏi rất ít kinh phí đầu tư và trang thiết bị. Với những địa điểm dành cho sáng tạo nghệ thuật đôi khi cũng không cần đầu tư quá nhiều về cơ sở hạ tầng”, ông Emmanuel Cerise đề xuất./.