Trang chủ Cafe BĐSTài chính Bất động sản Doanh nghiệp cần những giải pháp cụ thể hơn để tiếp cận được nguồn vốn

Doanh nghiệp cần những giải pháp cụ thể hơn để tiếp cận được nguồn vốn

bởi Linh

Liên tiếp các cuộc họp, tọa đàm được tổ chức nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng vốn, cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp. Song, điều doanh nghiệp kỳ vọng nhất là các giải pháp sát sườn và mang lại hiệu quả cụ thể.

Chiều 6/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức cuộ họp với các vụ, ngành trực thuộc và các ngân hàng về tình hình cho vay trong lĩnh vực bất động sản, nhằm ghi nhận ý kiến của các đơn vị liên quan để tìm các giải pháp nhằm hỗ trợ thị trường. Những kỳ vọng này cũng được đặt ra tại diễn ra tọa đàm “Nghị quyết 01 – đột phá hỗ trợ doanh nghiệp” chiều cùng ngày. Tại đây, nhiều đại diện doanh nghiệp bày tỏ kỳ vọng sự đột phá từ Nghị quyết 01 của Chính phủ và những chính sách hỗ trợ khác của Chính phủ và các bộ ngành, đặc biệt là trong vấn đề tín dụng, lãi suất.

Đến sáng 8/2, NHNN đã tổ chức hội nghị về công tác tín dụng với lĩnh vực bất động sản có sự tham dự của nhiều ngân hàng và các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này. Tại hội nghị này, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Thường trực NHNN khẳng định, thị trường bất động sản và hệ thống ngân hàng có tác động lẫn nhau. Nguồn vốn tín dụng cũng là một trong những nguồn vốn quan trọng, tài trợ cho cả bên cung và bên cầu của thị trường.

Theo số liệu thống kê mới nhất, dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 24,27% so với cuối năm 2021 là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất và chiếm tỷ trọng lớn 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế, cao nhất trong 5 năm qua. Trong đó, tín dụng vào bất động sản chủ yếu tập trung vào nhu cầu tiêu dùng, tự sử dụng với tỷ trọng 68,7% tổng dư nợ, tăng 31,1% năm qua; tín dụng vào kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 31,3%, tăng 11,5%.

Nếu chia theo phân khúc, dư nợ tín dụng cho nhu cầu nhà ở chiếm 62,2%, quyền sử dụng đất chiếm 20,7%, khu công nghiệp và khu chế xuất 2,7%, nhà ở xã hội 0,7% và các lĩnh vực khác là 13,7%.

Về room tín dụng năm 2023, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết định hướng của NHNN là tăng khoảng 14-15%. Trong số này, không có room cho các lĩnh vực ngành kinh tế cụ thể và chỉ có room chung đặt ra để định hướng điều hành chính sách tiền tệ, phù hợp với thực trạng của thị trường, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

“Đầu năm không ngân hàng nào thiếu room, nên hiện tại nếu doanh nghiệp không vay được vốn không phải câu chuyện của room tín dụng”, ông Tú khẳng định.

Kỳ vọng những hỗ trợ cụ thể cho nhà ở xã hội

Nêu vấn đề nhà ở xã hội (NƠXH) tại tọa đàm “Nghị quyết 01 – đột phá hỗ trợ doanh nghiệp”, Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lê Thành cho biết, đọc các Nghị định, quy định thì có nhưng để doanh nghiệp có thể nhận được hỗ trợ lại là một con đường rất dài.

“Việc đẩy mạnh phát triển NƠXH, cơ quan Nhà nước nói từ nửa năm nay nhưng chưa có văn bản nào ban hành cụ thể. Chúng tôi làm doanh nghiệp cần cụ thể, chứ không thể nào căn cứ trên “báo đài”. Chúng tôi cần có quyết định số mấy, văn bản nào? Bởi cơ bản, lãnh đạo, cán bộ ở các tỉnh thành họ cũng sợ nếu không có văn bản cụ thể, làm mà sai họ phải chịu. Vì vậy cần có văn bản, quy định cụ thể để họ làm.

Doanh nghiệp cần những giải pháp cụ thể hơn để tiếp cận được nguồn vốn
Để phát triển nhà ở xã hội cần những chính sách cụ thể thay vì trên văn bản. Ảnh: Báo Thanh niên

Các quy định trong Luật do chính con người làm ra, vậy tại sao chúng ta không sửa? Cơ quan Nhà nước từ Trung ương cần có quy trình riêng, nhanh chóng và cải cách hành chính hóa. Ví dụ, phải quy định rõ nếu doanh nghiệp đặt câu hỏi mà trong 10 – 15 ngày không trả lời thì được xem như đồng thuận để chúng tôi có thể áp dụng. Một văn bản trình trong 1 tháng mà hỏi từ sở này đến sở khác lòng vòng trong 4 – 5 tháng vẫn chưa có câu trả lời thì quá khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Nghĩa nêu vấn đề.

Lý giải những vướng mắc khiến các dự án NƠXH đang “dậm chân tại chỗ”, ông Nghĩa cho biết: “Đầu tiên doanh nghiệp phải làm NƠXH đã thì mới có nhà cho người dân mua. Nhưng vừa qua chính sách hỗ trợ chỉ tập trung hỗ trợ người mua NƠXH mà không hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho người làm ra NƠXH. Bằng chứng là thời gian qua, ngân hàng chỉ hỗ trợ lãi suất, tiền cho người vay mua NƠXH, nhưng không có nguồn tiền nào để cho doanh nghiệp vay. Nếu 1.000 người đang có nhu cầu mua NƠXH vậy thì nhà đâu ra để người dân mua?

Về lãi suất, chúng tôi vay làm NƠXH hiện lãi suất khoảng 14%/năm thì làm sao kéo giảm giá bán NƠXH được. Trong khi cho vay nhà ở thương mại rủi ro cao hơn đến 250%”.

Đồng thời, ông Nghĩa cũng nêu ra các bất cập mà doanh nghiệp làm nhà ở xã hội đang gặp phải: “Chúng tôi làm nhà ở thương mại và NƠXH thì lợi nhuận hai loại nhà này khác nhau. Nếu làm NƠXH chỉ lãi 10% nhưng thời gian làm mất hết 5 năm, vậy mỗi năm lợi nhuận chỉ có 2%, nếu vậy gửi tiết kiệm ngân hàng còn lãi nhiều hơn. Vậy nên nếu không có nhiều tâm huyết như chúng tôi thì các doanh nghiệp khác sẽ không làm.

Đáng nói hơn là khi chúng tôi đã làm thì lại bị thanh tra, kiểm tra liên tục. Các doanh nghiệp khác họ thấy vậy, sợ quá nên thà không làm NƠXH hoặc là làm rồi từ bỏ. Cuối cùng, hệ lụy là không có sản phẩm NƠXH cho thị trường”.

Cần những giải pháp rõ ràng hơn nữa trong tiếp cận nguồn vốn

Cũng bày tỏ mong muốn được hỗ trợ cụ thể, tại tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) hy vọng cơ quan chức năng sẽ vào cuộc với tinh thần đột phá và ý nghĩa, tiêu đề của Nghị quyết 01 phải được thực hiện quyết liệt.

“Nhà nước và các ngân hàng cần có giải pháp rõ ràng hơn nữa trong giải pháp tiếp cận nguồn vốn. Hiện nhiều doanh nghiệp đang sử dụng bất động sản làm tài sản thế chấp để vay vốn. Trong bối cảnh giá bất động sản giảm, tỷ lệ giải ngân trên giá trị giảm thì nguồn vốn giải ngân cho doanh nghiệp rất thấp. Một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng vay nhưng cả 2 giá trị bị kéo xuống, tỷ lệ giải ngân cũng bị giảm theo buộc họ phải bổ sung tài sản thế chấp và thực tế này đang tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp”, ông Hòa nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Hòa cho rằng, nếu lãi suất dài hạn trên 10% thì doanh nghiệp “không có cửa” để đầu tư, nên cần làm sao kéo lãi suất dài hạn xuống, bằng cách vạch lộ trình cụ thể từ đây đến 6 tháng đưa lãi suất dài hạn xuống để kích thích đầu tư. Các ngân hàng cũng cần có lợi nhuận để bảo đảm quyền lợi của ngân hàng, cổ đông… nhưng cũng nên có sự đồng hành chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần những giải pháp cụ thể hơn để tiếp cận được nguồn vốn
Cửa tín dụng hẹp, lãi suất cao đang “nhấn chìm” nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Người đưa tin

Ngoài ra, theo ông Hòa,  giai đoạn 2016 – 2020, TP.HCM có chương trình cho vay kích cầu đầu tư hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp, những đã tạm dừng vào năm 2021. Cộng đồng doanh nghiệp rất mong TP.HCM nối lại chương trình này để hỗ trợ vốn kích cầu đầu tư cho các ngành công nghiệp trọng điểm và các lĩnh vực giáo dục, môi trường…

Bên cạnh nguồn lực vốn thì nguồn lực đất đai cũng rất quan trọng. Ông Hòa nhấn mạnh, cần những giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn cho nguồn lực đất đai vì đó là nguồn lực có vai trò mở đường để khơi thông nguồn lực về vốn.

Còn theo ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), việc triển khai đầu tư các dự án mới đã nằm trong kế hoạch xây dựng vốn của Saigontourist Group, song nhiều cơ chế, chính sách vẫn còn bất cập trong việc gia hạn các hợp đồng thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, các thủ tục xin điều chỉnh mức đầu tư dự án, xin giấy phép…

“Vấn đề này cũng rất mong các bộ, ngành Trung ương, địa phương quan tâm, nhằm giúp đỡ doanh nghiệp giải quyết được các vướng mắc về thủ tục, chính sách, đẩy mạnh hiệu quả kinh doanh. Chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ ngành du lịch trong giai đoạn hồi phục sau dịch ít nhất đến hết năm 2023. Theo đó, kéo dài thời gian, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh, tạo động lực phục hồi phát triển cho doanh nghiệp. Đối với những doanh nghiệp du lịch đang vay vốn, đề xuất được xem xét khoanh nợ, giãn nợ và giữ nguyên nhóm nợ”, ông Tài bày tỏ.

Trước những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết, cùng với vốn tín dụng, các kênh khác như vốn chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cũng cần được khơi thông để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. 

Ngành ngân hàng tại TP.HCM sẽ thực hiện tốt chính sách hỗ trợ lãi 2% đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân… Các tổ chức tín dụng được chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ 22 nhóm của NHNN giao, trong đó có bảo đảm khai thác và sử dụng vốn hiệu quả; kiểm soát cơ cấu huy động vốn ngắn hạn, cho vay trung dài hạn; hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển theo định hướng.

Tuy vậy, ông Lệnh cho rằng, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đều phải tôn trọng kỷ luật, kỷ cương, trong đó gồm cả doanh nghiệp bất động sản thông qua việc triển khai những dự án hiệu quả; các dự án nhà ở xã hội, dự án xây dựng nhà ở cho thuê…

“Với những định hướng này và cùng với kinh nghiệm thực tiễn gói 30.000 tỷ đồng trong quá khứ thì chúng ta đều hy vọng sẽ có sự đột phá trong thị trường bất động sản trong thời gian tới”, ông Lệnh nói.

Có thể bạn quan tâm