Sau hơn nửa năm áp dụng, doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%. Nhiều chuyên gia đặt ra vấn đề thay đổi tiêu chí tiếp cận hoặc chuyển hướng hỗ trợ để giải tỏa vấn đề nguồn vốn cho doanh nghiệp.
Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, có hiệu lực từ ngày 20/5/2022. Gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước là niềm hy vọng giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có nguồn vốn để sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19. Đối với lĩnh vực bất động sản, gói hỗ trợ lãi suất này áp dụng cho các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ. Song thực tế đã không được như kỳ vọng, khi số tiền giải ngân hỗ trợ quá thấp so với mục tiêu đề ra.
Gói hỗ trợ lãi suất 2% triển khai quá chậm
Quy mô của gói hỗ trợ này lên tới 2 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng, trong đó các ngân hàng ước tính sẽ dành khoảng 800 nghìn tỷ đồng dư nợ cho vay trong năm nay để giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp đủ điều kiện (tương đương khoảng 16.035 tỷ đồng) và 1,2 triệu tỷ đồng triển khai trong năm sau. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian quy định; ngân hàng sẽ thực hiện giảm số lãi tiền vay.
Tuy nhiên, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 10/2022, sau hơn nửa năm thực hiện Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách, các ngân hàng thương mại mới giải ngân được dư nợ gần 21.000 tỷ đồng, và số tiền thực hiện hỗ trợ lãi suất chỉ đạt gần 45 tỷ đồng. Đây là những con số quá thấp so với kỳ vọng đặt ra của Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Trao đổi với Reatimes, PGS.TS. Nguyễn Thùy Dương – Trưởng khoa Ngân hàng Học viện Ngân hàng cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% thấp hơn nhiều so với kỳ vọng và mục tiêu đặt ra.
“Các hợp đồng vay vốn ký kết trước ngày 1/1/2022 sẽ không thuộc thời gian được hỗ trợ chính sách này, chính vì vậy đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi thu hẹp hơn, trong khi đó những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 đã phát sinh từ đầu 2020.
Bên cạnh đó, với đối tượng vay vốn mặc dù được hỗ trợ lãi suất nhưng vẫn phải đảm bảo đủ các điều kiện vay vốn của các ngân hàng thương mại như dòng tiền ổn định, có doanh thu, có lợi nhuận, không có nợ xấu, có tài sản bảo đảm… Tuy nhiên, trong bối cảnh 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, để đáp ứng được đầy đủ các điều kiện trên là điều không dễ dàng”, bà Dương nêu.
Trong lĩnh vực bất động sản, PGS.TS. Nguyễn Thùy Dương cho biết, đối với các khoản vay hỗ trợ nhà ở xã hội trong giai đoạn vừa qua, chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Nguyên nhân là các ngân hàng thương mại thực hiện cấp tín dụng phải đảm bảo nguyên tắc và điều kiện tín dụng theo quy định. Cho dù là ưu đãi nhưng các dự án nhà ở xã hội vẫn phải thoả mãn đầy đủ các điều kiện như về uy tín, lịch sử vay vốn, vốn đối ứng tham gia vào dự án, dòng tiền và khả năng hoàn trả nợ vay… mới được ngân hàng thực hiện cho vay.
Đồng thời, việc triển khai dự án nhà ở xã hội trong thời gian qua có nhiều bất lợi còn do giá nguyên vật liệu tăng cao, ảnh hưởng đến tiến độ và làm thay đổi dòng tiền, dẫn đến việc các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong quá trình giải ngân.
Trao đổi với báo chí, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng nêu ra những nguyên nhân khiến việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% bị chậm. Theo đó, có doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất do tâm lý e ngại, cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí bỏ ra khi nhận hỗ trợ. Nhiều khách hàng lo ngại trong trường hợp bị xác định phải thu hồi gói hỗ trợ nếu sau đó xác định cho vay không đúng đối tượng, thì rất khó xử lý vì đã hạch toán lợi nhuận hoặc chia cổ tức.
Ngoài ra, cũng có khách hàng đủ năng lực tài chính, có lịch sử tín dụng tốt, được các ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất ưu đãi, nhưng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất.
Cần thay đổi tiêu chí tiếp cận hoặc chuyển hướng hỗ trợ
Để được vay vốn trong gói hỗ trợ lãi suất 2%, khách hàng cần phải đáp ứng nhiều yêu cầu, trong đó có “khả năng phục hồi”. PGS.TS. Nguyễn Thùy Dương cho rằng, quy định này cũng là nguyên nhân khiến gói hỗ trợ lãi suất 2% chậm giải ngân.
“Các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong việc xác định đối tượng thuộc diện hỗ trợ chương trình, đặc biệt là khó khăn trong đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng sau khi nhận hỗ trợ, nhất là trong điều kiện có nhiều diễn biến thay đổi như hiện nay”, bà Dương nêu thực tế.
Doanh nghiệp chứng minh được khả năng trả nợ nhưng cũng không thể khẳng định có “khả năng phục hồi”. Việc đánh giá các tiêu chí “khả năng phục hồi” (như doanh thu, sản lượng, lợi nhuận, diễn biến chiều hướng kinh doanh…) rất khó, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, đồng USD tăng giá, áp lực lạm phát chưa thực sự hạ nhiệt, chi phí sản xuất tăng, phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu…
Thừa nhận vướng mắc này, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét không đặt ra quy định về khách hàng “có khả năng phục hồi”, đồng thời cho phép điều chuyển phần dự toán không sử dụng hết sang các nhiệm vụ khác, như các chương trình cho vay hỗ trợ khôi phục kinh tế thông qua ngân hàng chính sách xã hội, hiện đang giải ngân rất tốt.
Đề xuất giải pháp, PGS.TS. Nguyễn Thùy Dương cho rằng, các ngân hàng thương mại tham gia triển khai các gói hỗ trợ cần thống nhất về cách xác định đối tượng hỗ trợ, phương thức đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng sau khi nhận hỗ trợ, cách thức giải ngân và các điều kiện cho vay khác. Đồng thời, các doanh nghiệp thuộc đối tượng hỗ trợ cần chủ động chia sẻ với ngân hàng thông tin đầy đủ về tình hình kinh doanh, thực tế sản xuất và các kế hoạch phục hồi.
“Khi có đủ thông tin, các ngân hàng thương mại sẽ có đủ cơ sở đánh giá và hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời theo chủ trương của Nhà nước”, bà Dương nói.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, gói hỗ trợ lãi suất 2% là tiền hỗ trợ từ ngân sách, nên chứng từ phải chặt chẽ. Ngân hàng Nhà nước có thể yêu cầu các ngân hàng thương mại không được từ chối các khách hàng đủ điều kiện, không gây thêm phiền hà cho khách hàng, chứ không phải hạ chuẩn cho vay.
“Ngành ngân hàng có thể cho phép các doanh nghiệp vay vốn thông qua kế hoạch kinh doanh chi tiết khi sử dụng vốn vay, chứng minh dòng tiền thu về trong vòng một năm, thay vì đòi hỏi yếu tố tài sản bảo đảm”, ông Hiếu đề xuất.
Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, hộ kinh doanh dịch vụ thu nhập thấp lại xuất phát từ việc địa phương chưa quy định mức thu nhập bao nhiêu là thấp. Trong khi có hợp tác xã đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, nhưng không có hóa đơn đỏ theo yêu cầu của Bộ Tài chính, mà chỉ có hóa đơn bán lẻ, hợp đồng mua bán những trường hợp này cần xem xét lại cho phù hợp.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng đề nghị Chính phủ xem xét chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất 2% chưa giải ngân được sang nguồn hỗ trợ miễn giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp thuế tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay./.