Tôi hình dung thơ ca hiện thời đang chảy giữa hai bờ ước lệ, một bên bờ được dựng lên từ những ngôi nhà ngôn ngữ lấp lánh giai âm hiện đại còn bờ kia là êm ả điệu hồn truyền thống.
Giữa hai bên bờ ấy là dòng chảy không ngừng của hiện thực đời sống với những lớp lang, giai tầng mà bất cứ một người viết nào cũng có thể chạm tới. Nhưng, nếu đó chỉ là cú chạm vào đời sống thì chắc chắn chưa đủ. Đời sống cần thi ca cất lên giai điệu của mình để lấp đầy những khoảng trống, để xoá đi những ngăn cách, để khơi lên một dòng chảy không ngừng hoặc ít nhất là làm mới lại những gì đã cũ. Ở chiều ngược lại, thi ca cần đời sống để tồn tại, để lưu dấu và để làm nên những giá trị cốt yếu vì con người.
Bỏ ra ngoài những vấn đề về nghệ thuật, bỏ ra ngoài những hình thức thể hiện thì thơ chính là chứng sinh của hiện thực đời sống, chứa đựng và xác tín tinh thần thời đại. Điều đó sẽ không thể nào khác đi, ngay cả khi một người viết có sự thiên lệch giữa cái tôi cá nhân với cái tôi xã hội đến đâu thì suy cho cùng đó vẫn là đời sống. Điều đáng bàn là đời sống mà người viết đã thể hiện ra ở tác phẩm như thế nào, đã đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc hay chưa… luôn là những truy vấn cho mỗi người viết mọi thời đại.
Một người viết cao tay, một người viết có nghề, hoàn toàn có thể dùng câu chữ để tạo ra những khoái cảm nhất thời cho bạn đọc. Nhưng giá trị văn chương nghệ thuật vốn không nằm trong những “khoái cảm nhất thời” mà nó nằm ở sự vĩnh hằng là hướng con người đến những điều tốt đẹp nhất của đời sống. Và khi người viết không có những trăn trở với đời sống, không đặt ra cho mình những suy nghĩ về nghề, đặc biệt là không tạo ra được sợi dây liên hệ giữa mình với người khác, giữa con người với con người thì đó sẽ là điều thảm bại và đáng sợ nhất. Điều thảm bại và đáng sợ này, hẳn nhiên không chỉ ở tác phẩm, ở trách nhiệm của người viết mà vô hình trung nó mang đến những hệ lụy to lớn với người đọc. Người đọc, một là nhìn nhà thơ với con mắt lệch lạc, coi thường, hoặc là bị kéo vào những thứ vô bổ, đôi khi là lệch lạc, méo mó với đời sống mà thơ ca mang đến cho họ.
Hiện nay, gần như thơ ca không thể hiện được tiếng nói, vai trò phản tỉnh của mình. Đã có những câu hỏi rốt ráo được đặt ra rằng: Nhà thơ đang ở đâu, đang làm gì và đang viết gì trước những hiện thực rất cần được lên tiếng ấy? Trốn tránh chỉ có thể làm nên những vần thơ đèm đẹp, không làm hại ai, không mang lại lợi ích gì cho con người, cho xã hội và im lặng không trả lời hay lảng tránh những câu hỏi ấy có thể càng làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, càng làm cho người đọc ngày một xa lánh với thơ ca hơn. Cũng có vấn đề được đặt với người viết hiện nay là họ quá yêu cái tôi của mình nên không chạm được đến những giá trị mang tính phổ quát của đời sống; đề tài còn nhỏ lẻ, vụn vặt; thiếu tình cảm, trách nhiệm công dân… nên bản thân tác phẩm của họ bị người đọc xa lánh. Một thực tế đang diễn ra với đời sống thơ ca hiện nay là thơ được xuất bản rất nhiều, dễ dãi và dễ dàng đến mức ai làm thơ cũng có thể xuất bản, có thể “văng mạng” gửi đến tận tay bạn đọc, khiến cho bạn đọc như bị “tung hỏa mù”, làm mất đi phương hướng nhận diện thơ hay, thơ dở. Nhìn nhận về thực tế này có người cho rằng, đó là cái được của sự cởi mở và trong xuất bản mọi tác giả, tác phẩm đều có quyền bình đẳng như nhau miễn là tác phẩm của họ không gây hại cho xã hội. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, thực tế đó đã làm cho thơ ca trở nên rẻ rúng hơn, bị coi thường hơn.
Nên nhớ, ở một khía cạnh nào đó, bạn đọc chính là hàn thử biểu để đánh giá vai trò của nhà thơ với thơ ca và cao hơn nữa là giá trị của thơ ca đối với đời sống. Khi bạn đọc quay lưng với thơ ca, khi bạn đọc không còn tha thiết với thơ ca thì trách nhiệm đó thuộc về nhà thơ. Ở khía cạnh này có thể ví rằng thơ ca và người đọc như phách với nhịp. Nếu tiếng phách ấy vang lên một cách hỗn loạn nó sẽ không thể có vị trí trong bản nhạc mà đó chỉ là thứ âm thanh quái đản làm chối tai người nghe, còn khi tiếng phách ấy vang lên theo một nhịp điệu trùng khít với đời sống, trùng khít với tâm hồn người đọc thì ngay lập tức nó tạo nên một hiệu ứng nghệ thuật tác động đến tâm tư, tình cảm con người. Và khi đó nhà thơ đã thực hiện được sứ mệnh thi ca cùng trách nhiệm công dân của mình.
Một minh chứng về tất cả những bài thơ hay đã tồn tại trong lòng độc giả suốt hàng ngàn năm, hàng trăm năm hay hàng chục năm qua ở nước ta đều được viết trên nền hiện thực của đời sống. Một người viết xa rời với hiện thực đời sống cũng đồng nghĩa rằng tác phẩm của anh ta sẽ không thể có sức sống lâu bền trong lòng bạn đọc. Có chăng nó chỉ tồn tại trong “khoái cảm nhất thời” để rồi sau một thời gian, người ta không còn nhớ sự hiện diện, tồn tại của tác phẩm ấy.
Nhiều người khi làm thơ, xuất bản thơ, khi tâm sự trước bạn đọc thường mượn câu “mua vui cũng được một vài trống canh” của Đại thi hào Nguyễn Du để nói về việc làm thơ của mình. “Mua vui” ở đây có thể hiểu về chức “giải trí” của thơ ca và họ nghiễm nhiên đặt chức năng giải trí lên hàng đầu mà quên đi rằng thơ ca không chỉ có chức năng giải trí mà nó còn có đóng góp quan trọng vào việc phản tỉnh con người trước những vấn đề xuống cấp của đời sống xã hội, ngợi ca vẻ đẹp của đời sống để con người trở nên đẹp đẽ hơn, nhân văn hơn, cao cả hơn. Khi đọc “Truyện Kiều” ta cũng có thể thấy Đại thi hào Nguyễn Du đã đặt ra những vấn đề nóng bỏng của xã hội khi ấy, đặc biệt về con người và thân phận con người, từ đó đánh động vào tâm can của người đọc, làm người đọc nhìn nhận và thay đổi mình đồng thời đấu tranh để thay đổi sự xuống cấp của đạo đức xã hội. “Mua vui” trong Truyện Kiều chỉ được đề cập đến khi nhà thơ chạm tận cùng những vấn đề của đời sống, những vấn đề của xã hội và những vấn đề của thân phận con người.
Bất kỳ thời đại nào thì thơ ca cũng có những bến bờ được tạo dựng bằng hiện thực đời sống. Dù phản ánh hiện thực đời sống trực tiếp hay gián tiếp, dù hiện đại hay truyền thống thì điều cốt yếu mà thơ ca mang lại cho người đọc chính là làm tôn lên mọi vẻ đẹp cho con người và vì con người, cho đời sống và vì đời sống. Chỉ có như thế chúng ta mới tạo nên sự vững bền cho thơ ca và nhà thơ mới hoàn thành được sứ mệnh của mình./.