Hơn 7ha “đất vàng” nằm giữa quận Ba Đình và quận Đống Đa, Hà Nội được quy hoạch là Công viên văn hóa – thể thao từ đầu những năm 2000 nhưng đến nay chưa được xây dựng, đang có tình trạng khu đất này bị lấn chiếm.
Đất dự án xây dựng Công viên Đống Đa đã “bị xây nhà” nằm dọc tuyến đường Thái Hà, Láng Hạ hiện là các cửa hàng kinh doanh, buôn bán sầm uất. Những dãy nhà cao từ 1 đến 4 tầng này thuộc khu đất rộng hơn 7ha trước đây là bãi rác và đã được TP Hà Nội quy hoạch làm Công viên văn hóa Đống Đa cách đây hơn 20 năm. Cụ thể, từ năm 2001, TP Hà Nội đã có quyết định thu hồi hơn 7ha đất tại phường Láng Hạ, Trung Liệt (quận Đống Đa) và Thành Công (quận Ba Đình) để xây dựng Công viên văn hóa Đống Đa giai đoạn 1. Đến năm 2007, TP Hà Nội có văn bản giao cho một công ty đề xuất lập quy hoạch, đầu tư xây dựng Công viên văn hóa Đống Đa, tuy nhiên từ đó đến nay vẫn chưa thực hiện.
Bị “đắp chiếu” hơn 20 năm, hàng nghìn mét vuông đất quy hoạch dự án Công viên văn hóa Đống Đa có tình trạng bị lấn chiếm xây dựng nhà ở, cửa hàng kinh doanh buôn bán. Đoạn dãy phố Thái Hà vốn đã có quyết định thu hồi làm công viên đã trở thành một dãy phố với nhiều cửa hàng kinh doanh, những dãy nhà này xuất hiện sau khi dự án cống hóa mương Thái Hà hoàn thành. Các hộ dân sống sâu trong ngõ, ngách ở phố Thái Hà, Láng Hạ dù thuộc diện tích đất dự án Công viên văn hoá Đống Đa nhưng đều được đánh số nhà.
Nằm trên khu “đất vàng” thuộc quận Đống Đa nhưng những căn nhà trong ngõ 272 Thái Hà đều lụp xụp, xuống cấp do nhiều năm không được cải tạo, xây mới. Ông Trương Văn Đoan – Tổ trưởng tổ bảo vệ tự quản ngõ 272 Thái Hà cho biết: “Gia đình tôi sống tại đây từ năm 1997 và trong ngõ này có khoảng 900 hộ dân sinh sống, khu này gọi là Cụm 13 chứ không có tổ dân phố, UBND phường Trung liệt chỉ quản lý về con người chứ về hạ tầng dân sinh lại không quản lý, đường, cống,…dân ở đây tự bỏ tiền ra làm, ngay như điện sinh hoạt chúng tôi cũng phải trả trên 3.500 đồng cho 1 số. Ở đây chúng tôi không có các đoàn thể, hội người cao tuổi, mặt trận, tổ dân phố,…vậy nên để quản lý đời sống dân cư nơi đây, chúng tôi đã bầu ra một ban bản vệ an ninh tự quản”.
Anh Tú, một người dân sinh sống tại đây từ năm 1989 cho biết: “Ở đây chúng tôi chỉ được hưởng đường nước sạch của thành phố, còn không được đăng kí sử dụng điện vì vướng quy hoạch treo, các hộ dân ở đây và gia đình tôi phải mua điện sinh hoạt từ một số hộ dân có công tơ điện riêng với giá từ 3.500đ đến 4.500 đồng 1 số, hơn nữa muốn có điện, các hộ dân phải tự bỏ tiền ra đi đường dây điện, có nhà phải tự mua đến 300m dây điện để dẫn điện về nhà, biết là giá cao nhưng nếu không mua thì không có điện sinh hoạt. Mà tôi cũng không biết tại sao cùng ở trong khu dân cư này nhưng có một số hộ lại được cấp công tơ điện để bán lại cho người dân?”.
Ông Đoan cùng nhiều người dân ở đây mong muốn: “Thành phố nên tiến hành dứt điểm dự án Công viên Đống Đa cho người dân đỡ khổ, tránh việc quy hoạch treo gần 20 năm nay dẫn đến việc người dân thiếu thốn điều kiện sinh hoạt. Chúng tôi mong được thành phố cấp điện để người dân không phải dùng điện giá cao”.
LTS: Chiều 14/10/2022, tại phiên họp giải trình về việc quản lý, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn do HĐND TP. Hà Nội tổ chức, ông Trần Sỹ Thanh – Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho hay về vấn đề hạ tầng chung ở các khu đô thị trên toàn địa bàn, TP. Hà Nội đặt mục tiêu rõ ràng năm 2023 phải làm sống lại các công viên ở Hà Nội, người dân phải được công bằng, tiếp cận các dịch vụ đó. Với sự chỉ đạo của Thành ủy, Hà Nội sẽ mở ra một số mô thức mới để đầu tư công viên, công xanh, tìm nhà đầu tư để người dân được hưởng lợi.