Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt đồ án quy hoạch 3 phân khu đô thị vệ tinh Phú Xuyên, tạo điều kiện để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Định hướng hình thành khu vực đô thị đa chức năng
Ngày 5/12/2022, UBND TP. Hà Nội đã ban hành các Quyết định số 4784/QĐ-UBND, phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh (ĐTVT) Phú Xuyên khu 1, tỷ lệ 1/2.000; Quyết định số 4786/QĐ-UBND phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu ĐTVT Phú Xuyên khu 2, tỷ lệ 1/2.000; Quyết định số 4790/QĐ-UBND phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu ĐTVT Phú Xuyên khu 3, tỷ lệ 1/2.000.
Được biết, ĐTVT Phú Xuyên được phê duyệt quy hoạch từ năm 2015 (theo Quyết định số 3996/QĐ-UBND) và Nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị Phú Xuyên (Khu 1, Khu 2, Khu 3) cũng đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt vào năm 2016. Đến nay, sau nhiều năm chờ đợi, 3 đồ án phân khu ĐTVT lần đầu tiên được công bố, là dấu mốc quan trọng để huyện Phú Xuyên, Thường Tín kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Chiều ngày 30/12, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội đã phối hợp với UBND các huyện Phú Xuyên, Thường Tín tổ chức hội nghị công bố 3 đồ án quy hoạch phân khu thuộc ĐTVT Phú Xuyên. Theo thuyết minh của đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội (đơn vị lập quy hoạch), quy mô và định hướng phát triển của 3 phân khu cụ thể như sau:
Khu 1 thuộc địa giới hành chính 3 xã Tô Hiệu, Văn Tự, Minh Cường (huyện Thường Tín) và 3 xã Phượng Dực, Đại Thắng, Quang Trung (huyện Phú Xuyên). Quy mô diện tích nghiên cứu khoảng hơn 893ha, dân số đến năm 2030 đạt gần 29.000 người. Phân khu được xác định là khu trung tâm hành chính, thương mại, có vai trò hạt nhân phát triển của đô thị vệ tinh Phú Xuyên với các chức năng ở, thương mại, dịch vụ hỗn hợp. Đồng thời, phân khu 1 cũng được xác định là trung tâm đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực tại khu vực Phú Xuyên và vùng lân cận. Hệ thống trung tâm đào tạo tập trung vào những ngành nghề ưu tiên như sản xuất nông nghiệp, công nghệ sinh học… và dạy nghề cho nhu cầu lao động của vùng. Phân khu 1 cũng nằm trong vùng trung tâm tiếp vận giữa đường sắt và đường bộ gắn với khu vực ga Phú Xuyên, có vai trò phân phối, lưu giữ và trung chuyển, định hướng phát triển dịch vụ vận tải và logistic.
Khu 2 thuộc địa giới hành chính xã Minh Cường (huyện Thường Tín) và xã Sơn Hà, Nam Phong, Phúc Tiến, thị trấn Phú Xuyên (huyện Phú Xuyên). Quy mô diện tích nghiên cứu khoảng hơn 1.145ha, dân số đến năm 2030 đạt hơn 36.000 người.
Theo quy hoạch, phân khu có vai trò là trung tâm y tế, thể dục thể thao cấp vùng và tiến tới trở thành trung tâm phát triển hỗn hợp khu vực cửa ngõ phía Nam Hà Nội nhằm giảm sức ép về phát triển trong đô thị trung tâm. Đây cũng là đô thị cải tạo và đô thị mới bao gồm các chức năng ở, thương mại, dịch vụ với đặc trưng nhiều hồ nước, kênh mương.
Khu 3 thuộc địa giới hành chính các xã Tô Hiệu, Thống Nhất, Văn Từ, Vạn Điểm, Minh Cường (huyện Thường Tín) và các xã Nam Tiến, Nam Triều, Nam Phong, thị trấn Phú Xuyên, thị trấn Phú Minh (huyện Phú Xuyên). Quy mô diện tích nghiên cứu khoảng gần 2.000ha, dân số đến năm 2030 đạt hơn 61.000 người.
Phân khu có vai trò là trung tâm dịch vụ công nghiệp của đô thị Phú Xuyên (thị trấn Phú Minh), tiếp vận gắn với cảng Phú Xuyên có vai trò phân phối, lưu giữ và trung chuyển giữa Hà Nội và vùng xung quanh. Đây cũng là khu vực đáp ứng một phần nhu cầu di chuyển các khu công nghiệp hiện có trong khu vực trung tâm, từ đó hình thành trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghiệp công nghệ cao. Phân khu 3 cũng là vùng không gian sinh thái chuyển tiếp, giới hạn sự phát triển của khu vực đô thị và bảo vệ cảnh quan dọc sông Hồng.
Như vậy, theo quy hoạch, 3 phân khu đô thị vệ tinh Phú Xuyên được định hướng phát triển với đầy đủ các chức năng về nhà ở, sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục, văn hóa, giải trí. Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, đô thị vệ tinh Phú Xuyên là một trong 5 đô thị vệ tinh của thành phố theo mô hình chùm đô thị, có vai trò chia sẻ sự phát triển với khu vực trung tâm về công nghiệp và dịch vụ gắn với cảng và đầu mối tiếp vận cửa ngõ phía Nam Hà Nội với đa chức năng, được quy hoạch là trung tâm kinh tế thúc đẩy đô thị hóa khu vực nông thôn và đô thị sinh thái, giàu bản sắc văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng.
Tăng cường liên kết hạ tầng để thu hút đầu tư, khai thác tiềm lực
Đô thị vệ tinh Phú Xuyên cách trung tâm thành phố 40km về phía Nam, có diện tích khoảng 3.982ha gồm địa giới của 8 xã, 2 thị trấn thuộc huyện Phú Xuyên và 5 xã thuộc huyện Thường Tín. Theo Quy hoạch chung ĐTVT Phú Xuyên đến năm 2030 của UBND TP. Hà Nội, diện tích đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng 2.883,5ha. Trong đó, đất dân dụng đô thị khoảng 1.090,5ha, chiếm 27,4% diện tích lập quy hoạch; đất khác trong phạm vi dân dụng khoảng 685ha, chiếm 17,2%; đất xây dựng ngoài phạm vi dân dụng khoảng 1.107,5ha, chiếm 27,8%.
ĐTVT Phú Xuyên có vai trò là trung tâm tiếp cận vùng, thúc đẩy trao đổi hàng hóa, thương mại trong hành lang phát triển liên vùng giữa Thủ đô với các tỉnh trong Vùng Thủ đô, với Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trực tiếp là Hòa Bình, Hưng Yên, Hà Nam. Với vị trí địa lý thuận lợi, ĐTVT Phú Xuyên cũng có nhiều tiềm lực phát triển kinh tế – xã hội.
Về công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, huyện Phú Xuyên là mảnh đất “trăm nghề” với 43 làng nghề đã được thành phố công nhận. Sản phẩm của các làng nghề hàng may mặc Vân Từ, giày da Phú Yên, khảm trai Chuyên Mỹ, đồ gỗ Tân Dân, Văn Nhân… có chất lượng tốt, được ưa chuộng trên thị trường. Với 41.000 lao động sản xuất tiểu thủ công nghiệp, Phú Xuyên cũng có nguồn nhân lực lành nghề, năng động, có kinh nghiệm phong phú. Sau thời gian 2 năm ảnh hưởng vì đại dịch Covid-19, gần đây, các hộ kinh doanh tiểu thủ công nghiệp tại huyện Phú Xuyên cũng đã có sự chuyển dịch sang kênh bán hàng online, thương mại điện tử, đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào dây chuyền sản xuất.
Về nông nghiệp, huyện Phú Xuyên đã thực hiện tốt việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, trong đó, tập trung phát triển nhiều mô hình nuôi trồng đặc sản. Đến năm 2022, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn huyện là trên 2.830ha. Sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, cơ cấu cây trồng của huyện đã chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và thủy sản. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện đã tăng lên trên 2.500ha, trong đó: vùng nuôi chuyên canh là 2.338ha, nuôi hình thức khác là 174,18ha. Tương tự, huyện Thường Tín cũng đã có 28/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2021. Đến quý III/2022, huyện có 55 hợp tác xã nông nghiệp; 14 mô hình liên kết chuỗi trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ; 15 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.
Về giao thông, ĐTVT Phú Xuyên có đầu mối giao thông đa dạng bao gồm đường sắt, đường bộ, đường thủy. Hệ thống giao thông đường bộ thuận tiện với quốc lộ 1A, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, tuyến Đỗ Xá – Quan Sơn, đường 429, tuyến Ngọc Hồi – Phú Xuyên. Thêm vào đó là tuyến đường sắt Bắc – Nam dài 12km, đường thủy sông Hồng dài 17km. Đây là điều kiện tiên quyết giúp ĐTVT Phú Xuyên có được lợi thế lớn về giao thông vận tải, phát triển dịch vụ vận chuyển và trao đổi hàng hóa với các tỉnh thành lân cận.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Thanh, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên, để biến quy hoạch 3 phân khu ĐTVT thành hiện thực là thách thức, khó khăn với hai huyện bởi nguồn lực còn hạn chế. Trong thời gian tới, hai huyện Thường Tín, Phú Xuyên sẽ tập trung vào công tác quản lý sử dụng đất và rà soát, kêu gọi đầu tư, từng bước hình thành ĐTVT Phú Xuyên theo đúng định hướng quy hoạch đã được duyệt. Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện Phú Xuyên cũng kiến nghị thành phố đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, phát triển khu vực thành trung tâm công nghiệp, thương mại.
Đồng ý với kiến nghị trên, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cũng cho rằng thành phố và địa phương cần tập trung nguồn lực cho các dự án hạ tầng giao thông khung của đô thị vệ tinh. Trong đó bao gồm: trục Ngọc Hồi – Phú Xuyên đoạn từ Vành đai 4, đường tỉnh 428B, đường cao tốc Phú Xuyên 1, Phú Xuyên 2, đường trục chính đô thị, các trung tâm tiếp vận, hệ thống ga đường sắt, tuyến xe buýt, xe khách liên tỉnh, bến xe và sắp xếp lại bến thủy nội địa.
Có thể thấy, để đạt được các mục tiêu của đồ án quy hoạch 3 phân khu ĐTVT Phú Xuyên, cần phải giải quyết nhiều thách thức về liên kết hạ tầng cấp khu vực, cấp vùng; thu hút đầu tư phát triển hạ tầng dân cư, thương mại, dịch vụ, công nghiệp; tăng cường khai thác tiềm lực sẵn có trên cơ sở định hướng phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao. Với tiền đề pháp lý vững chắc, trong tương lai khu ĐTVT Phú Xuyên sẽ có thể vươn lên trở thành khu vực tăng trưởng kinh tế – xã hội đáng kể của Thủ đô, là điểm sáng phía Nam thành phố và chia sẻ áp lực phát triển với khu vực trung tâm./.