Các ngân hàng đang tăng cường phát hành trái phiếu nhằm nâng cao khả năng thanh khoản và tiếp tục củng cố năng lực tài chính để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Đơn cử, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) vừa hoàn thành việc xin ý kiến cổ đông về việc phát hành 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế và nâng room ngoại từ 18% lên 20%.
Theo ngân hàng này, việc phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế nhằm bổ sung vốn tự có cấp 2 và bổ sung nguồn vốn trung dài hạn phục vụ các kế hoạch kinh doanh của ngân hàng. Trái phiếu chuyển đổi quốc tế của HDBank có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông.
Theo các công ty chứng khoán, đang có nhiều yếu tố thuận lợi để HDBank huy động vốn như: ngân hàng này vừa được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nâng mức tín nhiệm ở mức B1, nới room ngoại lên 20% vốn điều lệ… Điều này sẽ giúp các quỹ đầu tư chuyên nghiệp quốc tế có thêm cơ hội gia tăng đầu tư và đồng hành cùng ngân hàng này.
Trước đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng công bố phát hành 100 triệu trái phiếu, kỳ hạn 8 năm, trả lãi theo từng năm; tổng giá trị phát hành trái phiếu đợt này của Agribank là 10.000 tỷ đồng. Lãi suất trái phiếu của Agribank trong 5 năm đầu áp dụng theo hình thức thả nổi, trên cơ sở lấy lãi suất tiết kiệm bình quân của bốn NHTM có vốn nhà nước chi phối cộng thêm biên độ 1,6%; ba năm cuối cộng biên độ 3,1%.
Trong khi đó, NHTMCP Bưu điện Liên Việt (LietVietPost Bank) lên kế hoạch phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 và 10 năm. Tháng 11/2022, NHTMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng đã nâng giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng từ mức 8.000 tỷ đồng lên 9.000 tỷ đồng; trong đó 3.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 8 năm và 5.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm. Cuối năm 2022, VietinBank đã huy động khoảng 5.000 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu này, phần còn lại khoảng 4.000 tỷ đồng sẽ huy động từ nay đến giữa năm 2023.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, việc phát hành trái phiếu của các NHTM theo kế hoạch và chiến lược kinh doanh của mỗi ngân hàng. Tuỳ theo điều kiện và thương hiệu ngân hàng sẽ đưa ra phương án phát hành phù hợp như: số lượng, kỳ hạn và lãi suất. Trên thị trường hiện nay các TCTD phát hành trái phiếu chủ yếu với 2 mục đích: Thứ nhất là đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh, mở rộng và tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế; Thứ hai là để đáp ứng quy định của NHNN về tỷ lệ vốn nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và các quy định khác về đảm bảo an toàn hoạt động.
Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết: VietinBank đã xây dựng kế hoạch kinh doanh cho năm 2023 với nhiều mục tiêu lớn, tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế với tâm thế sẽ có nhiều khó khăn, thách thức hơn năm nay. “Những người làm ngân hàng như chúng tôi lúc nào cũng bận rộn và luôn chuẩn bị các kế hoạch kinh doanh cho tương lai”, ông Trần Minh Bình khẳng định./.