Hơn một tuần đi tìm mặt bằng vùng giá từ 20 – 30 triệu đồng/tháng để bán mỹ phẩm, chị Minh, ngụ TP. Thủ Đức, TP.HCM vẫn chưa “chốt” được do giá thuê ngoài sức tưởng tượng của chị.
Mặt bằng cho thuê có nơi tăng giá 100%
Trong khi giá bất động sản có xu hướng chững lại thì mặt bằng cho thuê không có dấu hiệu hạ nhiệt. Nếu so với đầu năm 2022, giá thuê mặt bằng nhà phố kinh doanh, ki-ốt kinh doanh…đã tăng ít nhất 30%. Có một số mặt bằng tăng giá gấp đôi, thậm chí hơn gấp đôi ở các tuyến đường buôn bán sầm uất, nhu cầu thuê cao.
Hơn một tuần đi tìm mặt bằng vùng giá từ 20 – 30 triệu đồng/tháng để bán mỹ phẩm, chị Minh, ngụ TP. Thủ Đức, (TP.HCM) vẫn chưa “chốt” được cái nào do giá thuê ngoài sức tưởng tượng của chị. Mặt bằng ưng ý thì giá cao dù diện tích chỉ khoảng 70 – 80m2. Mặt bằng trong vùng giá chị khoanh thì diện tích nhỏ, không đáp ứng các điều kiện kinh doanh chị đặt ra.
“Ban đầu, mình nghĩ với giá thuê 30 triệu trở xuống có thể kiếm được mặt bằng mặt tiền đẹp, diện tích đủ rộng. Thế nhưng, đi thực tế tìm mới thấy, khó khăn vô cùng. Giá nhà cho thuê tăng ngoài sức tưởng tượng. Những mặt bằng ưng ý giá đã từ 45 – 80 triệu đồng/tháng”, chị M chia sẻ.
Tìm hiểu thực tế các mặt bằng cho thuê kinh doanh tại các tuyến đường sầm uất như Kha Vạn Cân, Lê Văn Việt, Đỗ Xuân Hợp, Hoàng Diệu 2 (TP. Thủ Đức, TP.HCM), Nguyễn Gia Trí, Điện Biên Phủ, Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh)… nhận thấy, giá thuê đã tăng ít nhất 30% so với đầu năm 2022. Có những mặt bằng giá tăng 100% so với cùng kì năm ngoái.
Cụ thể, mặt bằng kinh doanh 100m2 tại đường Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức cũ), cuối năm 2021 giá thuê hơn 20 triệu đồng/tháng, hiện dao động khoảng 40 – 45 triệu đồng/tháng (có thương lượng với chủ nhà). Các mặt bằng diện tích nhỏ hơn tại cùng tuyến đường cũng tăng giá khoảng 40 – 50% so với đầu năm 2022. Đáng nói, rất hiếm các mặt bằng giá 20 triệu đồng/tháng tại khu vực này.
Tại tuyến đường Đỗ Xuân Hợp – cung đường nổi tiếng với mức giá thuê hợp lý so với các tuyến buôn bán sầm uất lân cận. Thế nhưng, hiện tại giá thuê cũng tăng chóng mặt. Để tìm được mặt bằng ưng ý, diện tích vừa phải tại khu vực này giá phải từ 30 – 40 triệu đồng/tháng. Với các mặt bằng diện tích lớn khoảng 150 – 200m2, mặt tiền kinh doanh giá rơi vào khoảng 60 – 100 triệu đồng/tháng. Trong khi một số căn giá thấp nhất cũng đã rơi vào mức 25 triệu đồng/tháng, thường có vị trí khuất, diện tích nhỏ.
Trong khi tuyến đường buôn bán, ăn uống sầm uất tại khu vực TP. Thủ Đức là Hoàng Diệu 2 gần như không có mặt bằng để thuê, dù giá đã “ngất ngưởng”. Những mặt bằng diện tích khoảng 100m2 tại đây rơi vào mức 45 – 80 triệu đồng/tháng. Trong khi mặt bằng giá 30 – 35 triệu đồng/tháng, có hàng ra là hết. Theo một môi giới cho thuê, đây là tuyến đường sầm uất buôn bán vào ban đêm nên thường mặt bằng kinh doanh khá được ưa chuộng. Điều này cũng khiến giá mặt bằng tăng chóng mặt trong năm vừa qua. Mức tăng rơi vào khoảng 40% so với đầu năm 2022. Nếu so với thời điểm dịch Covid-19, mức tăng khoảng 100 – 120%.
Đua nhau tăng giá thuê, chủ nhà không chịu thương lượng
Ghi nhận cho thấy, mặt bằng cho thuê đã thiết lập giá mới trong năm 2023. Đáng nói, việc tăng này là đồng loạt trên bình diện chung toàn thị trường. Không ít chủ nhà căn vào giá thuê mặt bằng bên cạnh để xác lập giá mới cho mặt bằng của mình.
“Hét giá ăn theo” là cách mà nhiều chủ nhà đang làm trong bối cảnh hiện nay. Những mặt bằng không nhiều lợi thế nhưng chủ nhà vẫn để mức giá tương đương mặt bằng bên cạnh, và không thương lượng giảm. Điều này thấy rõ nhất ở các tuyến đường buôn bán sầm uất, nhộn nhịp. Có thực tế, nhiều người chấp nhận để mặt bằng trống chứ không cho thuê với giá thấp hơn mức đưa ra.
Đáng nói, nếu trước đây, chủ nhà cho thuê kí hợp đồng theo hình thức 2 – 3 năm cố định, không tăng giá trong khoảng thời gian này thì hiện nay điều này đã bị “xoá bỏ”. Dù kí 3 hay 5 năm thì sau mỗi năm, mặt bằng đều tăng giá 5 – 10% (tuỳ mặt bằng). Theo các chủ nhà, đây là phần tính vào phần trượt giá.
Chưa kể, trong bối cảnh thị trường khó khăn, lạm phát, lãi suất tăng cao, nhiều chủ nhà là nhà đầu tư không chấp nhận cho thuê giá thấp. Họ tìm đủ mọi cách để bù đắp vào các chi phí đầu ra. Bên cạnh việc giá thuê mặt bằng kinh doanh theo nhu cầu thị trường thì hiện nay, giá cho thuê còn tăng theo tỉ giá và tỉ lệ lạm phát.
Theo phân tích của một người trong ngành, trong suốt thời gian qua, tại các thành phố lớn, đầu tư vào nhà đất để cho thuê ngoài sự kỳ vọng của việc tăng giá bất động sản trong tương lai thì cũng có mong muốn là cho thuê được giá tốt để bù đắp lại khoản tiền đã đầu tư, ít nhất thì cũng gần bằng lãi suất gửi ngân hàng.
Vì nếu không đầu tư mua bất động sản thì số tiền này sẽ nằm ở ngân hàng và sẽ sinh lợi nhuận bằng tiền lãi hàng tháng. Giá thuê nhà hiện nay tăng do tỷ lệ lạm phát tăng. Đa phần trong các hợp đồng cho thuê nhà hiện nay biến động tăng thêm khoảng quanh 3 – 5%/năm, thường thì từ 2 – 3 năm giá thuê nhà sẽ tăng thêm khoảng 10%. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến giá cho thuê nhà ngày một tăng cao.
Bên cạnh đó, tỷ giá dolla cũng làm cho giá thuê nhà tăng theo thời gian. Một số chủ nhà niêm yết giá cho thuê nhà bằng đồng dolla quy đổi ra tiền Việt Nam đồng theo quy định cũ pháp luật. Nếu tỷ giá dolla biến động theo chiều hướng tăng cao thì chắc chắn sẽ làm giá cho thuê ngày càng tăng.
Ngoài ra, nhiều chủ nhà đang nhìn thấy bối cảnh nhu cầu cho thuê phục hồi theo sự phục hồi của thi trường bất động sản trong tương lai nên vin vào cơ này để giữ hoặc tăng giá thuê. Thực tế cho thấy, chiều hướng tăng giá thuê nhà/thuê mặt bằng liên tục cao đã khiến nhiều khách thuê “bỏ chạy” vì chi phí mặt bằng chiếm phần lớn trong doanh thu. Không ít người chấp nhận mất cọc trả mặt bằng vì chủ nhà liên tục “hét” việc tăng giá theo năm.