Khó khăn phần lớn đến từ tác động bên ngoài, không phải do nội tại Việt Nam. Và sự suy giảm tiêu dùng có yếu tố phụ từ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Năm 2022 tăng trưởng GDP tốt bởi các yếu tố xuất phát điểm GDP năm 2021 quá thấp, làm cho tốc độ tăng vượt lên; và yếu tố thứ hai là quý I, quý II, chúng ta có mức xuất khẩu tốt, do Việt Nam vẫn liên tục phát triển để xuất khẩu với thế giới. Tuy nhiên, đến quý III thì bắt đầu giảm và quý IV thực sự gặp khó khăn.
Cơ cấu vốn
Về cơ cấu tài chính doanh nghiệp, chúng ta thấy đối với các công ty niêm yết, có ba chỉ tiêu chúng tôi quan tâm hiện nay đó là: Thứ nhất về cơ cấu vốn của năm 2022 đều tăng rất mạnh, nhất là ngành bất động sản đã đạt tới ngưỡng. Tuy nhiên cơ cấu nợ của các công ty bất động sản đã lên tới 86,9%, trong khi các ngành khác đều hợp lý như ngành công nghiệp hay thương mại dịch vụ, hàng tiêu dùng, chỉ ở khoảng 50 – 60%.
Thứ hai, về doanh thu, các công ty niêm yết ngành thương mại tiêu dùng là ngành sử dụng vốn tốt nhất, sử dụng thuần tuý vốn lưu động, nên vòng quay vốn rất nhanh, sử dụng doanh thu trên vốn cao. Trong khi đó, ngành bất động sản và xây dựng là ngành thâm dụng vốn lớn nhất để tạo ra doanh thu, cho thấy thị trường đang suy giảm.
Thứ ba, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu ROE, các công ty niêm yết ngành công nghiệp và tiêu dùng lại suy giảm trong năm 2022, trong đó ngành tiêu dùng thương mại dịch vụ suy giảm lợi nhuận khá nhiều do gặp áp lực tăng giá hàng hóa.
Thứ tư, tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản thì ngành bất động sản và xây dựng đang suy giảm mạnh với tỷ suất sinh lời thấp nhất năm 2022, chỉ bằng 50% của năm 2021. Điều đó cho thấy sự quan ngại trong việc sử dụng vốn để kinh doanh trong lĩnh vực này so với các ngành khác.
2023: Chờ điểm sáng kinh tế
Năm 2023, Ngân hàng Thế giới đã dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đi xuống và đi ngang trong năm 2024, khoảng trên 6% và dưới 7%. Vừa qua, Quốc hội đã phê duyệt tăng trưởng GDP trong năm 2023 ở mức khoảng 6,5%, cũng gần ngang với các dự báo trên.
Song chúng ta vẫn có những thuận lợi và cơ hội nhất định. Theo quan sát xuyên suốt từ tháng 9 đến tháng 12/2022, tôi thấy Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đang từng bước kiểm soát những khó khăn xuất hiện như lãi suất cao, kẹt tín dụng… Đây không phải là từ chính sách mà là từ sự bất ổn trong cách sử dụng vốn để từ đó kiểm soát từng bước uyển chuyển, không gây ra các cú sốc như giai đoạn 2011 – 2012.
Hiện nay các nước đã đang chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam khi chúng ta ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là cơ hội lớn.
Cùng với đó, sự dịch chuyển FDI vào Việt Nam không chỉ giúp tiêu dùng nội địa tăng, tạo việc làm, mà còn tạo quá trình đô thị hóa, các khu công nghiệp phát triển, gián tiếp giúp BĐS tạo ra nhiều ngành nghề khác, đồng thời gián tiếp thúc đẩy các doanh nghiệp nội địa bao gồm công nghiệp phụ trợ phát triển.
Về dự báo diễn biến kinh tế năm 2023, lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý I và trở về ổn định vào cuối quý II/2023. Các doanh nghiệp sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý II/2023 trở đi. Xuất khẩu có thể giảm trong quý I-II/2023, nhưng sẽ phục hồi và tăng vào quý III.
Như vậy, nền kinh tế nội địa sẽ giảm khó khăn từ quý II/2023 và có sự tăng trưởng tích cực từ quý III nhờ hiệu ứng đầu tư công và ổn định tài chính tiền tệ. Đồng thời thị trường bất động sản phục hồi nhẹ từ quý IV/2023.
Những lo lắng từ hệ thống ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp đã từng bước được kiềm chế, vấn đề lãi suất, tín dụng cuối năm nay mà chúng ta lo lắng thì ở năm sau sẽ được tháo gỡ. Và đặc biệt thị trường bất động sản phải là một thị trường hỗ trợ kinh tế tăng trưởng bền vững.
TS. ĐINH THẾ HIỂN – Chuyên gia kinh tế