Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 ước đạt mức 8,02%, cao hơn tới 1,5 – 2 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra. Có thể nói, vượt qua khó khăn, nền kinh tế đã phục hồi ngoạn mục.
Về đích 2022 ngoạn mục
Đúng như dự báo, nền kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng tới 8,02% trong năm 2022. Con số này vừa chính thức được Tổng cục Thống kê công bố ngày hôm qua (29/12). Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011 – 2022.
Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP các năm 2011 – 2022 lần lượt là: 6,41%; 5,50%; 5,55%; 6,42%; 6,99%; 6,69%; 6,94%; 7,47%; 7,36%; 2,87%; 2,56%; 8,02%.
“Quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành các mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021 – 2025, Chính phủ đã thực hiện rất nhiều giải pháp quyết liệt, trong đó có Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế – xã hội, nên kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói và cho biết, một số ngành kinh tế còn đạt mức tăng trưởng cao hơn năm trước khi xảy ra Covid-19.
Bình luận về mức tăng trưởng này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, con số là rất tích cực. “Quý IV gặp nhiều khó khăn hơn dự báo. Nếu bối cảnh thuận lợi hơn thì kết quả tăng trưởng có thể đạt mức cao hơn”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Quý IV/2022 đúng là kinh tế khó khăn hơn dự báo, chính vì thế, tăng trưởng GDP của quý cuối năm chỉ đạt 5,92%, sau khi tăng trưởng 5,05% trong quý I; 7,83% trong quý II và đặc biệt là 13,71% trong quý III. Có yếu tố là quý IV năm ngoái tăng trưởng cao (5,52%), nên trên nền tăng trưởng như vậy, khó kỳ vọng tăng trưởng của quý IV/2022 bứt tốc, song chuyện “khó khăn hơn dự báo” là có thật.
Mặc dù vậy, nếu tính cả năm, các chỉ số kinh tế vĩ mô đều cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GDP 8,02% chỉ là một vấn đề. Rất nhiều ví dụ khác có thể được viện dẫn để chứng minh điều này.
Dễ thấy nhất là thương mại hàng hóa. Ngay cả trong thời kỳ Covid-19 căng thẳng, đây vẫn luôn là một điểm sáng của nền kinh tế. Năm nay, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 8,4%, còn cán cân thương mại hàng hóa ước tính thặng dư 11,2 tỷ USD.
Không chỉ là xuất nhập khẩu, cả ba khu vực kinh tế của Việt Nam đều có sự phục hồi rõ nét. Bên cạnh “bệ đỡ” nông – lâm nghiệp – thủy sản, với tốc độ tăng trưởng 3,36%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%; còn khu vực dịch vụ tăng 9,99%.
Như thường lệ, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế, với tốc độ tăng 8,1%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Nhưng ấn tượng phục hồi lớn nhất phải thuộc về khu vực dịch vụ, với tốc độ tăng trưởng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011 – 2022.
Trong lĩnh vực này, rất nhiều ngành có tốc độ tăng trưởng rất cao. Trong đó, ngành bán buôn, bán lẻ tăng 10,15% so với năm trước, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng tới 40,61%…
Một chỉ số vĩ mô rất quan trọng có thể được nhấn mạnh là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Năm 2022, chỉ số này tăng tới 19,8% so với năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, thì vẫn tăng 15,6%, trong khi cùng kỳ năm 2021 giảm 6,7%.
Thị trường nước ngoài vẫn tiếp đà tăng trưởng, trong khi thị trường nội địa phục hồi nhanh chóng. Đấy chính là động lực rất lớn cho các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư cho sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Có lẽ, chính vì vậy mà tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường năm 2022 đạt 208.300 doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2021.
Thách thức kinh tế năm 2023
Những chỉ số nói trên đã cho thấy sự phục hồi ngoạn mục của nền kinh tế, sau 2 năm tăng trưởng thấp vì Covid-19. Nhưng thực tế, cả các định chế tài chính nước ngoài, lẫn các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều đã đề cập rất nhiều về những thách thức, khó khăn của nền kinh tế trong năm 2023.
Những khó khăn này đã phát lộ ngay từ quý IV/2022. Thứ trưởng Trần Quốc Phương, khi nói về kinh tế quý IV/2022, đã nhắc tới các vấn đề liên quan đến những khó khăn về thị trường xuất khẩu, khi các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam đối mặt nguy cơ suy giảm kinh tế. Trong khi đó, ở trong nước, khó khăn liên quan đến thị trường vốn, bất động sản, dòng tiền cho doanh nghiệp…
Quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành các mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021 – 2025, Chính phủ đã thực hiện rất nhiều giải pháp quyết liệt.
“Các đối tác lớn của Việt Nam gặp khó khăn, nên xuất nhập khẩu rất khó khăn”, đại diện Bộ Công thương đã nói như vậy trong cuộc họp Tổ điều hành kinh tế vĩ mô 1317 mới đây.
Theo vị này, kim ngạch xuất khẩu (theo tháng) đã sụt giảm trong những tháng gần đây. Tháng 11/2022, kim ngạch xuất khẩu đã giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 12/2022, mức giảm lên tới 14%.
“Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày, nông, thủy sản, đồ gỗ cho biết, các đơn hàng giảm khá mạnh trong những tháng đầu năm 2023, thậm chí kéo dài đến hết quý II năm tới”, vị này nói và bày tỏ lo ngại khi Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 11/2022 đã giảm còn 47,4 điểm. Điều đó cho thấy, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong ký kết đơn hàng mới.
Và điều này dẫn tới sản xuất công nghiệp trong nước cũng sụt giảm. Quý IV/2022, Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng tháng 12/2022 ước giảm 1% so với tháng trước đó và chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
Có thuận lợi là năm tới, Trung Quốc sẽ nới lỏng các biện pháp chống dịch, qua đó tạo thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường rộng lớn này. “Nhưng cái này cũng có tính hai mặt, khi Trung Quốc mở cửa trở lại, thì cạnh tranh hàng xuất khẩu cũng sẽ lớn hơn và rất có thể, xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương lo lắng.
Đây chính là một trong những thách thức lớn nhất của kinh tế Việt Nam năm 2023. Cả các định chế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng HSBC đều đã lên tiếng cảnh báo Việt Nam về khả năng khó khăn thúc đẩy xuất khẩu trong năm 2023. Khi động lực tăng trưởng quan trọng này bị ảnh hưởng, để vượt qua khó khăn, kinh tế Việt Nam phải trông chờ nhiều hơn vào động lực đầu tư công và tiêu dùng trong nước.
Năm tới, có tới hơn 700.000 tỷ đồng đầu tư công được đưa vào nền kinh tế. Trong bối cảnh tiêu dùng nội địa đang phục hồi mạnh mẽ, kỳ vọng, hai động lực tăng trưởng này sẽ “đỡ” cho động lực xuất khẩu, góp phần quan trọng đưa nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023./.