Lạm phát trung bình trong năm 2023 được dự báo xoay quanh mức 3,5%, mục tiêu kiểm soát lạm phát mức 4,5% là khả thi, tuy nhiên còn nhiều rủi ro cần thận trọng.
Năm 2022 Việt Nam đạt được mục tiêu kép, GDP năm 2022 ước tăng 8,02% so với năm 2021, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 – 2022 trong khi lạm phát bình quân năm 2022 chỉ ở mức 3,15%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4% được Quốc hội giao.
Lạm phát giảm dần
Lý giải điều này, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính nhận định, lạm phát tại Việt Nam vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức mục tiêu là 4% và khá thấp nếu so sánh với các nước phát triển, điển hình là Mỹ bởi, thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam chưa phục hồi hoàn toàn.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2022 đạt mức 8,02% nhưng tính trung bình giai đoạn 2020 – 2022 chỉ ở mức 4,52%, tức thấp hơn nhiều so với mức tiềm năng khoảng 6 – 6,5%.
“Điều này có nghĩa là nền kinh tế Việt Nam hiện nay còn nhiều công suất dư thừa. Do vậy, các doanh nghiệp không thể tăng giá mạnh, khi cung hàng hoá vẫn khá dồi dào. Đây là yếu tố kiềm chế giá cả của một số mặt hàng như lương thực, thực phẩm cũng như hàng tiêu dùng thiết yếu”, ông Độ nhấn mạnh.
Thứ hai, mặc dù mặt bằng giá cả trong nền kinh tệ năm 2022 chịu tác động tiêu cực từ xu hướng giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu trên thế giới tăng cao nhưng Việt Nam đã thực hiện một số biện pháp kiểm soát lạm phát nhập khẩu, bao gồm: Ổn định tỷ giá USD/VND (chính sách tiền tệ) và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu (chính sách tài khóa).
Cụ thể, từ ngày 11/7/2022, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng và nhiên liệu bay chỉ còn 1.000 đồng/lít, đối với dầu diesel chỉ còn 500 đồng/lít và chỉ còn 300 đồng/lít đối với dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn và mỡ nhờn.
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2022, tỷ giá USD/VND cũng được kiểm soát với mức mất giá khoảng 2,2%, thấp hơn nhiều so với các đồng tiền khác trên thế giới và trong khu vực.
“Chính sự thành công của chính sách tiền tệ trong việc kiểm soát cung tiền, lãi suất hợp lý có thể đảm bảo lạm phát dài hạn ổn định”, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính nhấn mạnh.
Nguyên nhân thứ ba dẫn đến lạm phát tại Việt Nam thấp hơn so với nhiều nước là Chính phủ đã thực hiện kiểm soát giá một số mặt hàng như dịch vụ y tế giáo dục và điển hình là giá điện.
“Việc tập trung vào các yếu tố chi phí đẩy chính là điểm khác biệt dẫn đến thành công của chính sách kiểm soát lạm phát tại Việt Nam so với nhiều nước khác trên thế giới trong năm 2022”, ông Độ nhìn nhận.
Cũng theo Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, một điểm khác biệt nữa là lạm phát tại các nước phát triển như Mỹ trên thực tế đã bắt đầu tăng tốc từ đầu năm 2021 khi các biện pháp giãn cách xã hội được gỡ bỏ và nền kinh tế phục hồi mạnh trở lại. Trong khi đó, năm 2021 dịch bệnh Covid-19 cùng các biện pháp giãn cách xã hội khiến kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm và lạm phát cũng ở mức thấp. Cụ thể, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2021 tại Việt Nam chỉ ở mức 1,81% còn tại Mỹ đã là 7,1%.
Đặc biệt, theo ông Độ, áp lực lạm phát tại Việt Nam trong năm 2023 sẽ không quá lớn. Theo đó, trong thời gian tới, lạm phát so với cùng kỳ tại Việt Nam sẽ có xu hướng giảm dần sau khi đạt đỉnh vào tháng 1/2023 nhờ chính sách tiền tệ thận trọng của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2022, cũng như nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào suy thoái.
“Lạm phát trung bình trong năm 2023 được dự báo xoay quanh mức 3,5%. Mục tiêu kiểm soát lạm phát 2023 khoảng 4,5% hay thậm chí dưới 4% là hoàn toàn khả thi”, ông Độ đánh giá.
Cần thêm chính sách hỗ trợ
Tuy nhiên, nhận định xu hướng giá cả năm 2023, theo Tổng cục Thống kê, áp lực lạm phát còn rất lớn. Nguyên nhân là diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại nhưng rủi ro tăng trở lại khá cao do xung đột giữa Nga – Ucraina vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2023 do tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng cùng với nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Bên cạnh đó, năm 2023 một số sắc thuế hết hiệu lực; thực hiện tăng lương cơ sở từ tháng 7/2023; khởi công một loạt dự án lớn… sẽ làm giá cả một số mặt hàng tăng lên, đặc biệt là xăng dầu. Vì vậy, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện thận trọng, chủ động và linh hoạt để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2023.
Do đó, để đạt được mục tiêu lạm phát dưới 4,5%, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH TP.HCM cho rằng, cùng với việc hỗ trợ phục hồi kinh tế và tăng lương, tăng thu nhập, Chính phủ cần đẩy mạnh kiềm chế lạm phát và nghiêm trị các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, lừa đảo, lũng đoạn thị trường, đồng thời kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tài sản công. Cần triển khai ngay các chủ trương, chính sách khuyến khích xây và bán, trả góp, cho thuê mua nhà ở cho người thu nhập thấp, trước mắt ưu tiên cho người lao động, cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức chưa có nhà ở, qua đó bồi dưỡng nguồn nhân lực cho nền kinh tế và khu vực công.
Trong khi đó, lo ngại áp lực lạm phát có xu hướng tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2023 do hàng hóa, dịch vụ tăng giá trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều ý kiến cho rằng, kinh nghiệm của các quốc gia hiện nay cho thấy, nếu không có giải pháp kiểm soát kịp thời thì lạm phát sẽ trở thành rào cản ngược đối với tăng trưởng kinh tế. Do đó, Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TP.HCM quan ngại trước tình trạng nhiều quốc gia đã vượt đỉnh lạm phát trong vòng 30 đến 40 năm qua. IMF dự báo lạm phát toàn cầu sẽ tăng từ 4,7 % lên 8,8% năm 2022. Khi lạm phát tăng cao, buộc các nước phải uống liều thuốc đắng, đó chính là tăng lãi suất điều hành. Đã có hơn 90 ngân hàng trung ương trên các nước tăng lãi suất, từ đó tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng. IMF dự báo kinh tế sẽ suy giảm và có khả năng suy thoái trên thế giới.
Giá cả xăng, dầu trong thời gian tới có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, vì vậy để kiềm chế lạm phát ở Việt Nam, vì vậy đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Quốc hội cần ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cắt giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng, dầu, như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt để chúng ta kiểm soát lạm phát một cách nhanh nhạy nhất./.