Mỗi mùa nước cạn và trong, nhìn xuyên mặt hồ, vẫn gặp dấu vết làng bản xưa. Những đường quanh co, những mảng nhô lên, lõm xuống như mâm xôi, như lòng chảo…
Cô gái xứ Mường chở tôi bằng xe máy, băng đèo, vượt dốc, từ bản của cô đi khắp vùng Đà Bắc. Thỉnh thoảng, cô lại chỉ tay vào một chòm xóm nào đó mà nói: “Người dân ở đây cũng như nhà em, cũng từ lòng hồ đi lên sườn núi”. Thoạt đầu, tôi cứ giật mình thon thót. Con cháu vua Thủy Tề hay sao mà từ lòng hồ đi lên được? Thực ra, ấy là cách nói dân dã, nôm na. Lòng hồ trước đây vốn là một thung lũng lớn, cả xóm Mường trù phú định cư lâu đời. Khi có công trình thủy điện, làng bản đã di cư. Những ngôi nhà sàn lớn phải gấp rút tháo dỡ, may mắn thì dựng được ở đất mới quanh vùng, nhà nào biến cố đành thắt lòng thắt dạ mà bán đi. Mỗi mùa nước cạn và trong, nhìn xuyên mặt hồ, vẫn gặp dấu vết làng bản xưa. Những đường quanh co, những mảng nhô lên, lõm xuống như mâm xôi, như lòng chảo…
Xóm Đá Bia (xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) chiều cuối năm, trên bậc dốc dẫn lên từng ngôi nhà sàn là nồi rượu đang chưng cất tỏa men say sưa, váng vất. Thấy khách lạ ngang qua, trông hay hay con mắt, bà con hồ hởi vẫy, vào mời thử rượu. Rượu hãy còn nóng, rót tràn trề trông như cốc nước dừa. Trộm nghĩ, uống nhiệt tình bà con sẽ vui nên tôi làm một hơi, cạn sạch. Bà con tròn mắt hỏi Lò Thị Trang, cô hướng dẫn viên du lịch, người địa phương: “Ở đâu ra cái người này thế?”, rồi tất cả cùng cười, ấm nồng và sảng khoái. Từ bậc dốc ấy, phụ nữ Mường cứ vừa rót rượu vào can, vừa để mắt chăm lo cơm nước, nhà cửa… Loanh quanh có mấy con gà lông mướt mượt lục tục mổ thóc gạo rơi vãi, chắc cũng say cả hơi men nên cử động rất mơ màng.
Những ngày sau đó, khi đã rời xa, tôi vẫn luôn nhớ từng bậc dốc ngả nghiêng hơi rượu. Nếu bước tiếp thì sẽ lên nhà chính, bước xuống thì ra đường. Ngồi nguyên đó, bếp ánh lửa bập bùng, hướng mắt về phía trước, nhìn xuyên qua đường đất thì gặp cả lòng hồ sông Đà sớm chiều vương vất khói sương. Cũng vẫn gần ngay những bậc dốc đang bắc nồi rượu là các gian hàng “tự giác”. Bà con Đá Bia kể rằng, cách đây cả nửa thế kỷ, từ ngày còn quần tụ dưới thung lũng, đã có những gian hàng như thế rồi. Chẳng cầu kỳ gì cả, gian hàng đóng bằng tre nứa trong rừng, lợp lá cọ, ai có nông sản hay đồ gì trong nhà cần bán cứ viết giá lên tờ giấy dán vào hoặc để đồ chặn lên, ngay cạnh là cái giỏ nan. Đi làm nương cả ngày, tối mịt về ghé qua, không thấy đồ, thò tay vào giỏ mà lấy tiền về thôi. Tuyệt nhiên, chưa bao giờ xảy ra thất thoát, hiểu nhầm. Gian hàng bắt nguồn trong gian khó, các nhà đi làm nương xa nhà, lắm khi bắt cả đứa lớn nghỉ học trông những đứa bé, bìu ríu, lăn lóc trên chòi canh nương, nhà có gì muốn bán để thêm thắt đồng tiền bát gạo, đành cậy nhờ, dốc cả vào lòng tin trong thiên hạ.
Một buổi sáng, tôi bước lên con thuyền neo dưới bến, tự mở dây và cứ thế trôi trong sương. Trang từng nói: “Nước không lạnh như chị tưởng, chạm tay xuống sẽ thấy ấm lắm, ấm như đun ở bếp lên!”, nhưng tôi nào dám chạm tay. Tôi ngó xuống mặt hồ, cảm giác gặp những đôi mắt nhìn lên trời không chớp, muôn nếp nhà khói vẫn tỏa thành mây. Thuyền trôi qua sương, chạm vào bè cá của người dân. Cậu thanh niên đang lúi húi trên đó cất lời: “Chị không về được đâu, chờ em cho cá ăn xong em nổ máy thuyền em, kéo thuyền chị về”. Thức ăn của cá nuôi lồng là những mẻ cá nhỏ nhảy tí tách, cong cớn như phiến bạc…
Ngày xưa, lòng hồ là thung lũng trù phú của xóm Mường với hàng trăm nóc nhà sàn năm gian rộng rãi. Ngày mùa, lúa ngô trĩu trịt theo chân người từ nương rẫy về bản. Những điệu hát được cất lên trong lễ mừng cơm mới. Từ khi có công trình thủy điện, xóm Đá Bia cũng như nhiều làng bản khác phải di cư. Gia đình cô gái Mường, Lò Thị Trang dắt díu, bế bồng vào tận vùng kinh tế mới trong Tây Nguyên. Khí hậu khắc nghiệt, chưa kịp thích nghi thì cả người già và trẻ nhỏ trong nhà đã lăn ra ốm, thuốc thang chạy chữa liên miên. Đại gia đình lại quyết định quay về quê cũ. Đụng đến tiền chẳng có tiền, đụng đến gạo thì hết gạo, bố mẹ Trang cố chắt bóp từng đồng, khăn gói tàu xe về trước. Họ dựng lều ở lưng chừng núi, phát nương trồng lúa ngô, đến mùa thu hoạch, bán hết mới quay vào đón cha mẹ già và con nhỏ đoàn tụ.
Giờ đây, thung lũng xưa đã thành lòng hồ sâu thẳm in bóng non cao. Trong câu chuyện với khách xa, Trang và bà con nơi đây đã không còn gọi lại tên thung lũng. Họ chỉ nói, mình là dân từ lòng hồ đi lên. Như thế có nghĩa, trong thái độ sống, hoặc là họ đã chấp nhận được thực tế khác xưa; hoặc cũng có thể họ đã cố chôn sâu nỗi niềm trong tâm khảm, không nỡ mang tiếc nuối, dằn vặt vào đời sống thường ngày. Một cách chôn sâu để mà bước tiếp. Thung lũng xưa, có người đi mãi, có người về lại, nhưng không ai từ vùng khác đến định cư. Hơn bốn mươi gia đình “từ lòng hồ đi lên” bắt đầu cuộc sống mới trên sườn đồi. Họ cùng nhau bạt núi, san nền làm nhà cửa, chuồng trại, vườn tược. Khó khăn, cực nhọc, nhưng sức sống chưa bao giờ vơi cạn ở xứ Mường.
Mẹ của Trang, bà Yệu, thuở nhỏ không được bố mẹ cho học hành đến nơi đến chốn, phải nghỉ học giữa chừng trông đàn em nheo nhóc trên nương ngô và trở thành lao động chính trong nhà. Ước mơ đèn sách trở thành một lời thề, một lời hứa bà đưa ra làm điều kiện với bất cứ người đàn ông nào định hỏi mình làm vợ. Nhờ đó, khi lấy chồng, con cái bà Yệu được khuyến khích học hành, con trai cả công tác trong ngành công an và Trang, con gái út tốt nghiệp ngành sư phạm, đang theo đuổi đam mê phát triển du lịch. Lò Thị Trang mang vẻ đẹp đặc trưng, cuốn hút của con gái xứ Mường với dáng dấp cân đối, khỏe mạnh, đôi mắt trong veo và nước da nâu giòn, ửng sáng. Cô và hai anh trai có tuổi thơ rất vất vả. Từ khi đại gia đình từ Tây Nguyên hồi cố, những đứa trẻ sống cùng ông bà nội, bố mẹ suốt mười ba năm lênh đênh trên thuyền bán hàng khắp hồ sông Đà.
Tốt nghiệp ngành sư phạm đúng lúc gia đình gặp biến cố lớn, bố bị gẫy xương, vôi hóa cột sống, mẹ bị tai nạn phải mổ tới ba lần, mãi mới đi lại được, Trang gác lại ước mơ, đi làm công nhân hơn một năm rồi trở về Đá Bia chăm sóc bố mẹ. Cô trải qua nhiều công việc, từ đi dạy hợp đồng ở trường học, tới nuôi cá trên nhà bè, làm nương, bán hàng online, hướng dẫn viên du lịch địa phương. Vốn mê du lịch, lại được một doanh nghiệp xã hội hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng để phát triển du lịch cộng đồng, Trang bàn với gia đình mở dịch vụ lưu trú (homestay). Chỉ mẹ ủng hộ, tin tưởng cô con gái út, bố cứ can ngăn: “Thân con gái, cứ lo dạy học ổn định rồi lấy chồng, sinh con, đừng mơ mộng!”. Rồi cô gái xứ Mường vẫn tìm cách thuyết phục gia đình thế chấp sổ đỏ, vay hai trăm triệu ngân hàng. Có vốn dắt lưng, Trang gọi máy xúc, máy cẩu san nền, tìm mua lại nhà sàn của người dân về dựng.
Thung lũng xưa, có người đi mãi, có người về lại, nhưng không ai từ vùng khác đến định cư. (Ảnh: Lữ Mai)
Tiền bạc vừa trao tay, nhà đang chuẩn bị tháo dỡ thì gặp đúng trận lũ lịch sử tháng 10/2017, đường sá sạt lở, cả tháng không thông được, cô gái mới ngoài hai mươi tuổi quyết định không trông chờ thời tiết nữa mà vẫn thuê thợ dỡ nhà, đưa từng “mảng, miếng” xuống thuyền, theo đường thủy chở về bến nhà mình, lại chật vật bốc từ thuyền lên. Thợ chỉ lắp dựng cơ bản, toàn bộ nhà cửa tự tay Trang thiết kế lại, mở thông các gian, đóng từng cánh cửa, bàn ghế, xây sửa bếp núc, vườn tược… Bây giờ, homestay mang dấu ấn nàng sơn nữ xứ Mường với cái tên thơ mộng “Lake View” trở thành điểm thu hút khách du lịch bậc nhất xóm Đá Bia. Cả xóm có năm hộ làm homestay nhưng các hộ dân khác đều tham gia vào tổ nhóm ẩm thực, văn nghệ, phương tiện xe ôm, hướng dẫn viên địa phương… phục vụ khách du lịch nhiều dịch vụ phong phú: Trải nghiệm lao động sản xuất, văn nghệ thôn bản, tắm thuốc, bè mảng, xe đạp, leo núi thám hiểm, đua thuyền kayak… Du lịch khiến bản Mường khởi sắc hơn, lấp lánh hơn.
Ngay cả khi ánh bình minh tỏa rạng, khói vẫn chưa tan mà cứ quyện lại giữa xanh trong mây nước. Sau tiếng quẫy lõm bõm của đàn cá tranh mồi, từng đàn vịt trắng phau rời nhà bè rẽ làn khói trắng bơi về bến nước. Thỉnh thoảng, có chợ sớm, bà con chòm xóm ríu ran từ mờ sáng. Mỗi nhà mang vài món hàng đi bán, nhân thể mua sắm thêm đồ sinh hoạt trong gia đình. Chợ họp trên thuyền. Con thuyền chính là một hiệu tạp hóa với đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết, có cả gian bán quần áo, đồ dùng… Ở khoảng trống gần mũi thuyền là để bà con bày bán thêm. Chợ dưới thị trấn thì xa lắm, ngót nghét bốn chục cây số, nên “chợ thuyền” mới là sinh hoạt chính ở đây. Theo con nước, chiếc thuyền tạp hóa đỗ mỗi ngày một bến, quanh lòng hồ sông Đà, định kỳ sẽ quay lại. Trẻ con mong ngóng chợ lắm, để được nhón tay xin bố mẹ tiền lẻ mua bánh rán, kẹo ngọt… Người già có khi chả mua bán gì, vẫn cứ mong chợ, để lụi cụi chống gậy bước lên thuyền lớn, ngắm người qua kẻ lại.
Nơi đây còn nhiều dấu ấn mộc mạc, chân thành. Cũng chính bà con xứ này ngỏ lại với tôi rằng, họ là người Mường Ạu Tá, một nhánh của Mường Bi. Thuở xưa, dân khắp vùng Tây Bắc cứ đồn thổi, Ạu Tá là nhánh Mường mạnh nhất về bùa ngải. Đi đâu hễ gặp người xứ này là đồng bào miền xuôi, miền ngược đều dựng hết tóc gáy. Hầu hết sách báo thường viết sai, thành Au Tá, Ao Tá… “Ạu” ở đây có nghĩa là “ông”. Chuyện chung quanh hai chữ Ạu Tá còn dài, mà những điều hay nhất và sâu nhất, hẳn rằng tôi chưa kịp biết.
Tôi hỏi bà Yệu, mẹ của Trang về bùa ngải, bà cười rất hiền, bảo rằng trong hư có thực, trong thực có hư. Bà từng chứng kiến một người dân nghèo lên nương, lúc về qua nương nhà khác có hái quả bí, định mang về cho đám con đông, và có lẽ cũng tặc lưỡi rằng nương bí lổn nhổn như cả trăm đàn lợn con kia, lấy một quả bõ bèn gì. Thế rồi, kỳ lạ thay, người ấy lại cứ ôm quả bí, bước vòng quanh nương, dấu chân nọ chồng lên dấu chân kia, sang tận ngày hôm sau mới có người từ xóm lên “giải” được. Người đàn bà nghèo cứ một mực cho rằng, rành rành trước mắt là đường về nhà đó thôi, sao lại quẩn quanh nương bí. Rồi nhà nọ, chẳng hiểu có “ếm” gì để giữ của không mà trời mưa gió, cả nhà đi nương chưa về, mẹ vợ chạy sang rút hộ quần áo vào kẻo ướt, lúc cả nhà trở về thấy bà mẹ vợ đứng thộn dưới mưa, trên tay là mớ quần áo ướt sũng.
Riêng bùa yêu, là ma trận thẳm sâu, ai cũng muốn né đi, không nói. Nhưng, hầu hết người xứ Mường đều cho rằng, mọi sự luôn có cái giá phải trả, nhất là ép uổng trái lương duyên, gây họa cho người. Cái giá ấy rồi thì ai cũng nhìn ra cả, cuộc đời còn dài, chạy đâu cho khỏi trời xanh. So với các nhánh Mường khác, người Mường Ạu Tá có trang phục, ngữ âm khác biệt hơn, nhìn qua là biết. Đặc biệt, đám tang Mường Ạu Tá đến giờ vẫn chia làm hai nhánh. Một nhánh sẽ dùng trống, chiêng, xòe “hoi” nhộn nhịp. Một nhánh u ám, lặng yên. Tương truyền, nhánh lặng yên u ám xưa kia thuộc họ quan lang giàu có, nhà có người mất thì làm đám tang to nhất vùng, chiêng trống vang xa làng bản bên còn nghe rõ. Nhưng cũng trong đám tang đó, họ bị trộm hết trâu bò, của nả mà không biết. Từ bấy, họ giữ lời nguyền về sự im lặng, không chiêng trống.
Dù nhánh nào thì những ngôi mộ xứ Mường đều có mái che như một ngôi nhà, đầy đủ đồ đạc như lúc người còn sống, những loài cây người qua đời từng thích cũng được trồng quanh mộ. Tôi đã đi thăm nơi an nghỉ của người Mường, gặp những ngôi mộ chung quanh trồng rất nhiều chanh, ớt, rau gia vị, cây dược liệu… và cứ khôn nguôi hình dung về sở thích của từng người đã khuất. Những công trình lớn trong nhà như chuồng trại, bè cá… không làm thật được thì thu lại thành mô hình rất tinh xảo, sinh động. Ngay cả khi người đã nằm sâu dưới tầng đất, cây cối, vật dụng vẫn kể chuyện lại với cuộc đời này.
Ẩm thực Mường Ạu Tá cũng là nét đặc sắc không thể lướt qua, nhưng kể cho đầu cuối, đủ đầy thì không hề đơn giản. Nếu để lựa chọn, có lẽ đầu tiên và cuối cùng, tôi sẽ nhắc tới món bánh nẹt làm từ ngô hoặc sắn. Ấy là món ăn vào mùa giáp hạt của đồng bào, khi trong nhà eo hẹp lương thực. Bánh đơn thuần từ bột ngô, sắn nhưng gói ghém sự tảo tần, khéo léo và tinh tế của phụ nữ. Ngô già đẫy nắng đỏ au được ngâm rất công phu với phương cách bí truyền, giã nhẹ, chà xát cho bong sạch lớp vỏ bên ngoài mới cho vào hấp. Xong xuôi, chia ngô làm đôi, một phần giã mịn thành bột, phần kia giã rối, cuối cùng trộn lẫn vào nhau. Phụ nữ Mường giải thích, làm thế vừa tăng vị, vừa tăng độ tơi xốp, miếng bánh không bí bách, khô cứng. Những chiếc bánh hình tròn, hơi dẹt, trăm cái như nhau được hấp lên trước khi chiên rán. Dung dị, đơn thuần mà thơm ngon khó cưỡng. Bánh nẹt làm từ bột ngô vị ngầy ngậy, nồng nàn, no đủ. Bánh nẹt làm từ bột sắn hoang hoải, ngai ngái, gần gặn như ký ức nhọc nhằn.
Từ xứ Mường, tôi cay mắt nhớ về cha mẹ, về những khoảnh đồi hoang chờ tay người phát quang, nhổ cỏ lộ ra từng mảng đất nâu vàng trồng đầy khoai sắn. Cũng trên mảnh đất đó, hoa đào đã nở giữa núi đồi trông xa như mảnh chăn hồng phấp phới. Tôi kể với Trang về ký ức của mình, cô nói, hóa ra ở miền nào trên đất nước mình thì cũng thế, yêu thương và nuối tiếc cứ dâng đầy./.