Thử nghiệm có kiểm soát: Mở đường cho kinh tế số
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa tổ chức tọa đàm “Triển khai Nghị định 94/2025/NĐ-CP” về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng. Sự kiện này nằm trong khuôn khổ dự án hỗ trợ kỹ thuật do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) tài trợ, được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) quản lý.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Hội thảo
Tạo hành lang pháp lý cho đổi mới
Nghị định 94/2025/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 29/4/2025, là văn bản pháp lý đầu tiên tại Việt Nam quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng. Cơ chế này tạo môi trường cho các tổ chức thử nghiệm các sản phẩm, mô hình, công nghệ tài chính mới trong điều kiện thực tế nhưng có sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Ron H.Slangen, Phó Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam
Đối tác quốc tế ủng hộ và kỳ vọng
Ông Ron H.Slangen – Phó Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng: Hệ thống tài chính tại Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ dưới tác động của các công nghệ như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, open API, Blockchain và trí tuệ nhân tạo. ADB ủng hộ mạnh mẽ Nghị định 94 vì tin rằng đây là công cụ thúc đẩy tài chính toàn diện, và tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới công nghệ tài chính.

Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass
Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass khẳng định, Thụy Sĩ đã là một đối tác kiên định và đáng tin cậy của Việt Nam trong việc phát triển ngành tài chính trong nhiều năm. Với sáng kiến fintech này, Thụy Sĩ tái khẳng định và làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác đó.
Kết nối các ý tưởng và khái niệm
Trong giai đoạn tới, việc triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sẽ tiếp tục được cập nhật, điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, đồng thời gắn kết chặt chẽ với mục tiêu phát triển kinh tế số quốc gia và các mục tiêu về tài chính toàn diện.
Dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành ngân hàng không chỉ đối diện với áp lực thay đổi mà còn đứng trước cơ hội định hình lại toàn bộ hệ sinh thái tài chính. Việc tạo điều kiện thử nghiệm công nghệ tài chính một cách có kiểm soát là bước đi kịp thời, giúp Việt Nam không bị tụt hậu trong xu hướng số hóa toàn cầu.