Trang chủ Thị trường Ngành Xây dựng bước qua một năm phục hồi để phát triển nhanh chóng và ổn định

Ngành Xây dựng bước qua một năm phục hồi để phát triển nhanh chóng và ổn định

bởi Linh

Ngành Xây dựng đánh giá năm 2022 là năm phục hồi nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Dự báo năm 2023, các hoạt động kinh tế, xã hội sẽ chuyển từ thích ứng, phục hồi sang phát triển nhanh chóng và ổn định hơn.

Nhìn lại một năm “phục hồi”

Theo Bộ Xây dựng, năm 2022 là một năm phục hồi, có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2026.

Về công tác chỉ đạo, điều hành, năm vừa qua, Chính phủ đã ban hành một số nghị quyết bao gồm: Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành các nghị quyết trên, ngày 20/1/2022, Bộ Xây dựng đã ban hành Chương trình hành động kèm theo Quyết định số 28/QĐ-BXD để triển khai với 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 80 nhiệm vụ cụ thể. Tiếp đó, ngày 25/4/2022, Nghị quyết số 19-NQ/BCSĐ cũng được ban hành về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của ngành Xây dựng năm 2022.

Nhờ xác định đúng, đủ, tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ then chốt mà Bộ Xây dựng đã tạo chuyển biến tích cực, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội được đề ra trong năm 2022.

Ngành Xây dựng bước qua một năm phục hồi để phát triển nhanh chóng và ổn định
Năm 2022 là một năm phục hồi, có ý nghĩa quan trọng và tạo nền tảng để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. (Ảnh: Hà Trang)

Về tình hình thực hiện một số chỉ tiêu, kế hoạch năm 2022, ngành Xây dựng đã đạt nhiều kết quả tốt so với cùng kỳ năm 2021.

Theo đó, các chỉ số tích cực “biết nói” bao gồm: tốc độ tăng trưởng của ngành Xây dựng ước tính đạt 8 – 8,5%; tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước đạt 41,7%, tăng 1,2% so với năm 2021; tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%; diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 25,5m2 sàn/người, tăng 0,5m2 sàn/người so với năm 2021; tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 94,2%, tăng 2,2% so với năm 2021;…

Tuy nhiên, về vật liệu xây dựng, giá trị sản xuất xi măng ước tính sản lượng sản xuất đạt 85,36 triệu tấn, giảm 9,92% so với năm 2021; tiêu thụ 87,31 triệu tấn, giảm 9,81% so với năm 2021.

Về kết quả đạt được trong các lĩnh vực quản lý, trong năm vừa qua, Bộ Xây dựng đã chú trọng và tập trung vào nhiều phạm vi hoạt động của các công tác. Cụ thể, đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, Bộ đã trình Chính phủ báo cáo Quốc hội hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); đã lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn)… Đối với công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc, tiếp tục cho triển khai công tác lập quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050;… Đối với công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, tăng cường nắm bắt, theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng;…

Đặc biệt trong đó, công tác quản lý, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản đã đạt được nhiều dấu mốc quan trọng.

“Cán cân” thị trường bất động sản đã cân đối trở lại

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV từng đưa ra đánh giá về thị trường bất động sản trong năm 2022 là “đầu năm hưng phấn, giữa và cuối năm trầm lắng”. 

Thật vậy, năm vừa qua là một năm lên bổng xuống trầm của thị trường bất động sản. Những ngày cuối năm, ngành địa ốc vẫn đang đối diện tình trạng thiếu nguồn cung ở tất cả phân khúc sản phẩm và cơ cấu hàng hóa không phù hợp, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ. Trong khi đó, giá nhà ở riêng lẻ, đất nền, căn hộ chung cư vẫn “neo” cao từ thời điểm cuối quý II/2022 đã ảnh hưởng đến tính thanh khoản và lượng giao dịch của thị trường, đặc biệt là thị trường thứ cấp.

Ngoài ra, tín dụng bất động sản vẫn còn là nỗi lo của nhiều nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp khi theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản ở mức 796.689 tỷ. 

Ngành Xây dựng bước qua một năm phục hồi để phát triển nhanh chóng và ổn định
Tình hình thị trường bất động sản năm 2022 đã có dấu hiệu hồi phục và phát triển. (Ảnh: Hà Trang)

Tuy nhiên, nhìn vào khía cạnh tích cực, theo kết quả báo cáo sơ bộ của các địa phương năm 2022 cho thấy tổng số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã khởi công là 19 dự án với tổng số khoảng 33.194 căn, tổng diện tích xây dựng khoảng 1.802.932m2.

Bên cạnh đó, các chương trình phát triển nhà ở xã hội tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng được đẩy mạnh. Đến nay, cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7.790.000m2. Đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, với tổng diện tích khoảng 22.718.000m2 ; trong đó có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và có 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng.

Đánh giá một cách khả quan thì tình hình thị trường bất động sản năm 2022 đã có dấu hiệu hồi phục và phát triển với tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền cao hơn so cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ hấp thụ sản phẩm ở hầu hết các phân khúc ở mức cao; tỷ lệ trống văn phòng, mặt bằng thương mại cho thuê giảm dần. Bộ Xây dựng đánh giá về cơ bản thị trường đã cân bằng trở lại giữa hoạt động đầu tư, kinh doanh với mua bán để sử dụng. Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn, từ nguy cơ “bóng bóng” chuyển sang nguy cơ “suy thoái”, thiếu nguồn cung ở các phân khúc, cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa phù hợp với nhu cầu thị trường, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “thổi giá”, gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường. Giá bất động sản tăng cao gây khó khăn cho những người mua có nhu cầu ở thực

Hướng tới năm “bản lề” của nhiệm kỳ 2021 – 2026

Có thể thấy, năm 2022 là một bức tranh đa màu sắc khi ngành xây dựng đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức, hạn chế. Nhìn về những khó khăn vẫn còn tồn đọng, nền kinh tế trong nước đang phải ứng phó với những vấn đề lớn phát sinh và chưa có tiền lệ. Tình hình chung trên thế giới được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường hơn.

Tuy nhiên, cần phải gạt bỏ những khó khăn để nỗ lực cho tương lai. Bước sang năm 2023, ngành Xây dựng nhận định đây là năm giữa nhiệm kỳ, là năm “bản lề” để thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025. Qua đó, cần nỗ lực thật tốt để tạo động lực cho những năm tiếp theo.

Theo đó, trong năm tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách năm 2023, bám sát chủ đề năm của Chính phủ để cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp.

Ngành Xây dựng bước qua một năm phục hồi để phát triển nhanh chóng và ổn định
Năm 2023 là năm “bản lề” để thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025. (Ảnh: Hà Trang)

Về các chỉ tiêu kế hoạch cụ thể trong năm 2023, ngành Xây dựng phấn đấu tốc độ tăng trưởng về xây dựng đạt 6,5 – 7%; tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực nội thành/nội thị ước đạt 42,6%; tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực toàn đô thị ước đạt 53,9%; tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 96%; diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 26m2 sàn/người; sản lượng sản xuất xi măng khoảng 93,13 triệu tấn…

Ngành Xây dựng xác định sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; đẩy mạnh công tác các quản lý đầu tư xây dựng, giám sát chất lượng công trình, quản lý quy hoạch, kiến trúc, quản lý phát triển đô thị, quản lý hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, quản lý vật liệu xây dựng; chú trọng công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện và sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập…

Ngoài ra, Chiến lược phát triển khoa học công nghệ ngành Xây dựng giai đoạn 2022 – 2030 và Chiến lược phát triển nguồn nhân lực của ngành Xây dựng đến năm 2030 cũng sẽ được ban hành bên cạnh một số công tác quan trọng khác./.

Có thể bạn quan tâm