Năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Xây dựng đặt ra đối với thị trường bất động sản chính là thúc đẩy đầu tư, xây dựng và phát triển phân khúc nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp ở khu vực đô thị.
3 “hạt sạn” khiến thị trường gặp khó
Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra sáng ngày 30/12, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đưa ra dự báo trong năm 2023 rằng thị trường bất động sản sẽ ổn định và phát triển hơn.
“Những hành động từ Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, từ Bộ Xây dựng cũng như các bộ, ngành khác đã giúp những khó khăn, vướng mắc còn tồn đọng trong năm 2022 giảm áp lực lên thị trường và doanh nghiệp bất động sản. Từ đó, giúp chúng ta có thể xác định một cách đầy đủ, cụ thể các nhiệm vụ, phương hướng hoạt động trong năm 2023 để tạo ra nhiều dấu hiệu tích cực”, ông Dũng cho biết.
Qua quá trình làm việc trực tiếp với các địa phương và doanh nghiệp thì Tổ công tác đã nhận định và đánh giá được một cách đầy đủ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản trong thời gian qua.
Theo đó, ông Dũng đã chỉ ra 3 nhóm khó khăn chính của thị trường bất động sản hiện nay bao gồm: Các quy định pháp luật còn chồng chéo; trình tự triển khai thực hiện các dự án còn vướng nhiều rào cản; các dòng vốn đang gặp khó (nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn phát hành trái phiếu,…).
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản chia sẻ để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Tổ công tác, Bộ Xây dựng cũng như các bộ, ngành khác đã cố gắng đưa ra những giải pháp đồng bộ từ quy định pháp luật, quy trình thực hiện,… cho đến trình tự thủ tục, khơi thông nguồn vốn,… nhằm mục đích giúp doanh nghiệp và thị trường bất động sản “vượt ải” qua cơn nguy.
Đối với nhóm khó khăn liên quan đến thực trạng một số quy định pháp luật còn chồng chéo hay trình tự triển khai còn gặp rào cản. Ông Dũng cho biết nếu những vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết thì Tổ công tác đã tổng hợp và đưa ra đề xuất sửa đổi ngay. Còn nếu những vướng mắc nằm trong thẩm quyền giải quyết thì Tổ công tác cũng đã có văn bản cụ thể gửi tới các địa phương để nghiên cứu, tháo gỡ và có kèm theo thời hạn giải quyết.
Đối với nhóm khó khăn liên quan đền hồi phục thị trường và khơi thông các nguồn vốn, Tổ công tác đều có sự rà soát, kiểm tra chặt chẽ để tháo gỡ vướng mắc, tiếp tục thực hiện dự án. Cùng với đó là sự vào cuộc kịp thời của Thủ tướng Chính phủ khi đã có những chỉ đạo giao nhiệm vụ cụ thể cho Tổ công tác. Trong thời gian qua, các bộ, ngành cũng đều đã có đề xuất gửi Chính phủ để kiến nghị biện pháp và hướng giải quyết phù hợp.
“Các hành động được triển khai với cách thức đồng bộ và quyết liệt của các cấp, từ Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, Tổ công tác cho đến các địa phương đã đem lại những tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản trong thời gian ngắn. Từ đó, giúp thị trường trở nên ổn định và phát triển hơn trong năm 2023, ông Vương Duy Dũng đánh giá.
Giải quyết “bài toán” nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp
Cũng theo ông Dũng, bước sang năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm của thị trường bất động sản mà Bộ Xây dựng đặt ra chính là thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân.
Để hiện thực hóa điều đó, tới đây, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Trong đó lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
Bên cạnh đó, vấn đề đảm bảo nguồn vốn tín dụng cho nhà ở xã hội sẽ được quan tâm. Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” sau khi được Thủ tướng phê duyệt cũng sẽ được tập trung để triển khai thực hiện một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Xây dựng về những vướng mắc doanh nghiệp gặp phải khi thực hiện đề án trên thì trình tự, thủ tục thực hiện còn khá phức tạp khiến tiến độ dự án chậm triển khai và bị kéo dài.
Về hướng giải quyết cho vấn đề này, ông Dũng cho biết: “Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, ban hành hướng dẫn cụ thể, đầy đủ về quy trình, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án nhà ở xã hội cũng như nhà ở thương mại. Đây sẽ là cơ sở để việc triển khai dự án trở nên nhanh gọn hơn”.
Bộ Xây dựng đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng cấp cho các ngân hàng thương mại để những dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có thể vay theo phương thức tái cấp vốn, từ đó cho phép các doanh nghiệp bất động sản có đủ năng lực được thực hiện dự án.
“Việc thực hiện đề án một cách hiệu quả và có chất lượng sẽ góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cho các đối tượng thu nhập thấp ở khu vực đô thị. Hy vọng phân khúc nhà ở xã hội sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới”, ông Vương Duy Dũng nhấn mạnh.
Triển khai nhiệm vụ của ngành Xây dựng năm 2023, Bộ Xây dựng đặt ra các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu trong năm tới:
– Tốc độ tăng trưởng về xây dựng phấn đấu đạt 6,5% – 7%.
– Tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực nội thành/nội thị ước đạt 42.6%.
– Tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực toàn đô thị ước đạt 53.9%.
– Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 96%.
– Tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm xuống khoảng 16%.
– Tỷ lệ thu gom xử lý nước thải đạt khoảng 17%.
– Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 26 m2 sàn/người.
– Sản lượng sản xuất xi măng khoảng 93,13 triệu tấn.