Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú trả lời về đề xuất của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM về việc cho phép sử dụng trái phiếu doanh nghiệp làm tài sản thế chấp ngân hàng để vay vốn.
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề nghị NHNN xem xét trình Thủ tướng cho phép tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay khoản tín dụng mới có tài sản bảo đảm là trái phiếu doanh nghiệp được trị giá tối đa bằng 70% giá trị trái phiếu doanh nghiệp, với điều kiện doanh nghiệp cam kết thực hiện giao dịch qua tổ chức tín dụng cho vay.
“Nếu có được khoản vay mới và được phép thế chấp bằng trái phiếu doanh nghiệp thì đây là nguồn vốn vay quý giá, có tính chất là “vốn mồi” để doanh nghiệp có thể triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh, tạo được dòng tiền và thanh khoản thì hoàn toàn có thể hoàn trả khoản vay mới và các khoản vay cũ, có lợi cho cả doanh nghiệp và tổ chức tín dụng cùng “dìu” nhau vượt qua khó khăn”, đại diện hiệp hội cho hay.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về đề xuất này của HoREA, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, việc tổ chức tín dụng cấp tín dụng sử dụng trái phiếu làm tài sản đảm bảo để cấp tín dụng cho doanh nghiệp là không phù hợp với các quy định hiện hành của NHNN.
Theo các chuyên gia phân tích, về lý thuyết, trái phiếu doanh nghiệp hay cổ phiếu đều là tài sản. Việc cho phép sử dụng trái phiếu làm tài sản cầm cố hay không tùy thuộc vào quyết định của Ngân hàng Trung ương và các ngân hàng thương mại. Trên thế giới, một số quốc gia cho phép ngân hàng thương mại sử dụng trái phiếu làm tài sản đảm bảo bổ sung cho các khoản vay. Tuy vậy, ngay cả khi Ngân hàng Trung ương cho phép, song nếu thấy đây là tài sản rủi ro, các ngân hàng thương mại có thể từ chối nhận làm tài sản cầm cố.
Trong tình hình thị trường Việt Nam hiện nay, trái phiếu doanh nghiệp phát hành chủ yếu là trái phiếu riêng lẻ, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đang gặp vấn đề lớn về niềm tin và thanh khoản, không có tài sản đảm bảo, thiếu minh bạch… nên kể cả khi NHNN chấp thuận, các ngân hàng thương mại cũng không đồng ý sử dụng trái phiếu làm tài sản đảm bảo cho doanh nghiệp vay vốn. Thực tế, ngay cả với cổ phiếu, ngân hàng cũng chỉ xem xét như một tài sản “đính kèm” với tài sản đảm bảo khác khi cho vay.
Hơn nữa, nguyên tắc của ngân hàng khi cho vay ngoài tài sản đảm bảo, doanh nghiệp còn chứng minh được phương án trả nợ khả thi và chứng minh dòng tiền. Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng hiện đang khan vốn, việc cho vay bất động sản được kiểm soát rất chặt, nên viêc thế chấp trái phiếu để vay vốn càng bất khả thi.