Nếu bất động sản trở về với giá trị thực, có lợi cho đất nước và rất nhiều giai tầng trong xã hội, trong đó có tôi, nửa đời ở Hà Nội, nhưng vẫn mơ ước ngôi nhà. Qua đông giá, xuân sẽ về…
Trước Tết, chúng tôi, mấy anh em đồng hương túm tụm với nhau trước khi chia tay, người trước kẻ sau, về quê ăn Tết. Gọi là “ăn Tết” theo quán tính, bây giờ “ăn” đã đủ, Tết đến là ngày thiêng liêng của đoàn tụ, thờ cúng tổ tiên, ông, bà, cùng chúc nhau những điều tốt đẹp.
Rồi, chẳng biết từ đâu, âu là từ thói quen của một bộ phận người Việt ở “thời thực dụng”, anh này khoe năm nay mua được xế hộp, anh kia khoe nhà cửa. Hùng Anh, một người bạn vong niên, “khoe” mua được lô đất ở vùng đất rìa thị trấn, quê nhà, giá gần 1 tỷ. Mọi người “nhao” vào bình luận, hay dùng ngôn ngữ “vỉa hè” là “chém”. Rằng lỗ rồi, đố anh bây giờ bán được 6 trăm triệu.
Vâng, tư duy “chôn tiền”, người người, nhà nhà có điều kiện mua thêm đất, lùng thêm chung cư… Ở chẳng hết, nhưng tâm lý người Việt “nước mắt chảy xuôi”, ai cũng lo dành cho con, cho cái; phòng lúc ốm đau. “Ném tiền” vào sản xuất để “tiền sinh ra tiền” không phải ai cũng làm được. Chứng khoán, dẫu là “lướt sóng” cũng phải hiểu biết.
Năm 2022, với chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp – hai trong số các kênh đầu tư của thời kinh tế thị trường, nhưng được coi là năm biến động theo chiều hướng xấu, sau khi nhiều vụ việc đổ bể, động trời. Chắc chắn nhất có lẽ là “chôn tiền” vào bất động sản. Từ đấy đã sinh ra các nhà môi giới và buôn bán bất động sản. Tùy theo vốn, không nhiều thì “đánh bắt xa bờ” kiểu Hùng Anh.
Bạn bè tôi, những người có điều kiện mua đất, vườn các huyện ngoại thành Hà Nội không ít. Lại nhớ lời Hùng Anh, quả quyết sau khi bị kê kích: “Tôi nói với các ông, đất chẳng bao giờ mất giá. Tôi yên tâm”. Vâng, thành ngữ Việt có câu: “Người sinh, đất không đẻ”, rồi đất sẽ lên.
Tôi nhớ làng, dẫu làng bây giờ “lên phố”, tên làng đã được đổi sang là khu phố. Chẳng hiểu vì sao, thị trấn quê tôi, thời “bong bóng” bất động sản, đất ở khu trung tâm còn cao hơn cả đất Đà Nẵng. Có thể, do quỹ đất không nhiều. Có thể quê tôi “địa linh”. Có những điều khó giải thích nhưng, thực tế là thị trấn quê tôi quá óng ả, dân Can Lộc (Hà Tĩnh) xuất khẩu lao động khá nhiều. Người đi làm ăn được, gửi tiền về cho người nhà, và chỉ dồn đến thị trấn quê tôi. Có thời tôi về, thấy trong làng quá nhiều người “buôn đất”. Những mảnh đất còn lại, chưa dựng nhà đều đã có chủ, biển “bán đất” dựng lên hùng dung. Mấy bà rành rẽ chuyện “đầu làng, cuối xóm”, kháo nhau rằng: “Đất ngân hàng cả đấy”. À ra vậy, vay tiền ngân hàng, buôn đất lãi chán.
Năm 2022, đã không còn thuận lợi như vậy. Các ngân hàng đã rà soát khả năng cho vay bất động sản. Thêm vào đó, nhiều chính sách vĩ mô như chính sách tiền tệ thay đổi nhằm… kiểm soát vĩ mô. Khi ngân hàng siết chặt tín dụng, không cứ các doanh nghiệp bất động sản, người “lướt sóng” mà người mua nhà cũng là đối tượng bị ảnh hưởng không kém. Đặc biệt là đối tượng có nhu cầu ở thực, mua nhà lần đầu, hoặc các cặp vợ chồng trẻ từ quê lên thành phố lập nghiệp.
Con chim có tổ, con người có nhà ở, “an cư lạc nghiệp”. Nhu cầu an cư của các cặp gia đình trẻ, lao động trẻ tại các thành phố lớn như TP.HCM hay Hà Nội là rất lớn. Ai cũng vậy, an cư rồi mới lạc nghiệp. “Người ta nói gì thì nói, em phải cám ơn đại gia Lê Thanh Thản”, tôi nhớ mãi câu nói này của nhà văn Vũ Thảo Ngọc. Không phải chỉ lao động trẻ đâu, cả đời lặn lội với ngành than ở Quảng Ninh, khi chuyển gia đình từ Hạ Long lên Hà Nội, nhà văn Vũ Thảo Ngọc cũng chỉ mua nổi nhà từ các dự án của “Đại gia Điếu cày”.
Nền kinh tế thị trường, dẫu định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng khoảng cách giàu nghèo vẫn đang diễn ra. Bên cạnh giới thượng lưu, xuất hiện ngày càng nhiều, còn đó người nghèo, người thu nhập thấp. Nó cũng là một phần, trong “sắc màu” quy luật của muôn đời vậy.
Ở Việt Nam, bất động sản (nhà, đất) luôn biến ảo, công tác quản lý nhà nước “vã mồ hôi” theo cuộc sống; ngoài nguyên do tâm lý đầu cơ, giữ tiền, để dành…; còn có nguyên nhân là Việt Nam chưa có thuế tài sản hữu hiệu.
Thuế tài sản được các nước trên thế giới thực hiện thu từ rất lâu rồi nhưng tại Việt Nam đến thời điểm này loại thuế này vẫn chưa được thực hiện, trong khi đây là loại thuế mang lại nguồn thu cho ngân sách, mang ý nghĩa lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô. Thực ra, dự thảo đã có từ năm 2018.
Vừa qua trong Đề cương tổng kết các chính sách thu với bất động sản để làm cơ sở sửa Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và Thuế sử dụng đất nông nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị các bộ ngành, địa phương đánh giá chính sách thu hiện hành liên quan đến bất động sản. Điều này là cần thiết, bởi ngân sách còn có thể tăng thêm nhiều từ thuế nhà, đất.
Bộ trưởng Bộ Tài chính, TS. Hồ Đức Phớc từng róng riết với việc đề xuất nghiên cứu xây dựng pháp luật thuế tài sản. Theo ông là vấn đề rất cần thiết, giúp đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, chống đầu cơ nhà đất và đảm bảo công bằng xã hội. Tuy nhiên, trước sự phản ứng của “dư luận”, kế hoạch này đã tạm dừng lại.
Thời gian qua, thị trường bất động sản đang gặp không ít khó khăn khi sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền, thiếu nguồn cung nhà ở đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý, thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, thừa nhà ở cao cấp; giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân nên khó tạo lập được nhà ở.
Thị trường bất động sản năm 2023, theo các chuyên gia, sẽ còn nhiều khó khăn nhưng đã có những dấu hiệu tích cực, hồi phục, chuyển biến, thậm chí là “đảo chiều” từ trầm lắng sang khởi sắc, nhưng sẽ không có “sốt đất”.
Dù biến động khó lường, do lắm nguyên nhân, nhưng kinh doanh bất động sản vẫn là lĩnh vực hấp dẫn; không chỉ với các doanh nghiệp trong nước mà còn tiếp tục giữ vị trí thứ 2 trong danh sách các ngành thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Điều này dự báo năm 2023, thị trường bất động sản đang đón nhận nhiều tín hiệu khởi sắc.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký 3 Công điện chỉ đạo xử lý các vấn đề cấp bách của nền kinh tế và thị trường bất động sản, nhất là Công điện số 1164 “Về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở”, lập tức trong tháng 12/2022, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nới room tín dụng năm 2022 thêm 1,5 – 2% để có thêm khoảng 240.000 tỷ đồng để đẩy vào nền kinh tế. Chúng ta đang thực hiện rốt ráo các giải pháp nhằm tăng tổng cầu và sức mua trên thị trường, gỡ khó cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Cách đây rất lâu rồi, cụ Tú Xương (Trần Tế Xương), cuối thế kỷ 19 có bài thơ “Năm mới chúc nhau”. Bài thơ đả kích, giễu nhại nhưng có hai câu cuối thật hay: “Phố phường chật hẹp người đông đúc / Bồng bế nhau lên nó ở non”. Khi viết bài thơ này Cụ Tú chỉ giễu nhại các hủ tục thời phong kiến, trong đó có tình trạng đẻ nhiều con; tuy nhiên câu thơ sống đến tận bây giờ, từ thời trung đại vượt sang hiện đại.
Nhà nước đã và đang luật hóa, thực hiện nhiều chính sách để phát huy nguồn lực đất đai, khai thác hết dự địa vì một Việt Nam hùng cường; đồng thời bảo đảm để “chim có tổ, người có nhà”. Tôi chắc chắn là Hùng Anh, người bạn cùng cố thổ cũng mong như thế; dẫu vạt đất mà anh mua để “giữ tiền” có thể bán không thu lại được giá gốc.
Nếu bất động sản trở về với giá trị thực, có lợi cho đất nước và rất nhiều giai tầng trong xã hội, trong đó có tôi, nửa đời ở Hà Nội, nhưng vẫn mơ ước ngôi nhà. Qua đông giá, xuân sẽ về…/.