“Theo tôi, cần có sự linh hoạt trong việc cân đối để tạo được nhiều hơn quỹ đất cho phát triển kinh tế, nhất là khu công nghiệp, khu kinh tế, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đất đô thị”, Đại biểu Mai Văn Hải đề nghị.
Trong phiên thảo luận Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 tại Quốc hội ngày 7/1/2023, Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nhận định, quy hoạch tổng thể quốc gia là một nhiệm vụ rất mới, rất khó và rất quan trọng, để chúng ta bố trí, phân bổ không gian phát triển kinh tế – xã hội, phát triển vùng, liên vùng.
Đại biểu Mai Văn Hải đánh giá rất cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, ngành có liên quan trong vấn đề xây dựng quy hoạch. Quy hoạch được chuẩn bị rất công phu và đã hoàn thiện theo tinh thần Kết luận số 45 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050; đồng thời đề xuất một số nội dung:
Vấn đề thứ nhất, hiện đã hoàn thành quy hoạch sử dụng đất quốc gia, đã được Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp thứ 2. Lần này, định hướng phần sử dụng đất quốc gia trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, có những phần cần phải nghiên cứu thêm trong vấn đề định hướng sử dụng đất cho 8 lĩnh vực lĩnh vực nông nghiệp, lâmnghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế, đô thị, cơ sở hạ tầng, đất quốc phòng, an ninh. Tất cả những định hướng này vẫn dựa trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất quốc gia, mà lẽ ra quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải được thực hiện trên cơ sở quy hoạch tổng thể quốc gia.
“Theo tôi, những định hướng về sử dụng đất quốc gia thì không nên quá phụ thuộc vào quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, như thế thì mới đáp ứng được sự phân bổ các loại đất cho các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và đặc biệt là đất dành cho các khu công nghiệp, khu kinh tế là đất dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng, đất đô thị và thông qua việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất. Trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất quốc gia vừa rồi thì tôi thấy nhiều địa phương phản ánh việc phân bổ để phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, nhất là đất cho khu công nghiệp, đất cho giao thông, một số cơ sở hạ tầng khác chưa đáp ứng yêu cầu.
Vì vậy, tôi đề nghị cần phải có định hướng mang tính chiến lược hơn. Tôi rất đồng tình việc chúng ta định hướng giữ ổn định khoảng 3,5 triệu héc-ta đất lúa, giữ được rừng tự nhiên, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, còn lại một số loại đất khác theo tôi cần có sự linh hoạt hơn trong việc cân đối để tạo được nhiều hơn quỹ đất cho phát triển kinh tế, nhất là phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, rồi đất dành cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hay là đất đô thị. Tôi đề xuất cần bổ sung thêm việc định hướng sử dụng đất đối với Khu công nghệ cao, tôi cho rằng đây là một nội dung rất quan trọng mà trong dự thảo quy hoạch chúng ta chưa đề cập đến”, ông Hải nêu.
Vấn đề thứ hai, Đại biểu Mai Văn Hải đề nghị Quy hoạch tổng thể quốc gia cần thể hiện rõ hơn các chủ trương, quan điểm của Đảng về phát triển đất nước, phát triển vùng, các ngành và các địa phương, trong đó có Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ở một số nội dung sau đây:
Thứ nhất, về định hướng phát triển vùng động lực phía Bắc. Bên cạnh Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh thì đề xuất thêm Thanh Hóa, đã được Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị xác định rất rõ là “xây dựng Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc”. Vì vậy, việc cụ thể hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa, việc bổ sung quy hoạch Thanh Hóa vào quy hoạch phát triển vùng kinh tế động lực cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc là một việc rất cần thiết.
Thứ hai, về phát triển các hành lang kinh tế. Thanh Hóa là một tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có vai trò kết nối vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Tây Bắc với Bắc Trung Bộ. Tôi đề nghị trong hành lang kinh tế Đông Tây ở phía Bắc nên có thêm một hành lang đó là Điện Biên – Sơn La – Hòa Bình – Thanh Hóa, bởi vì Thanh Hóa có 11 huyện miền núi phía Tây lâu nay nhiều chính sách đang được thực hiện như các tỉnh ở phía Tây Bắc; 4 tỉnh Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa hiện tại đang được kết nối bởi Quốc lộ 6, Quốc lộ 15 từ Hòa Bình đi Thanh Hóa.
Nếu thiết lập hành lang này sẽ có nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh Tây Bắc và Thanh Hóa, bởi vì Thanh Hóa có lợi thế về cảng hàng không Thọ Xuân, khu kinh tế Nghi Sơn, cảng nước sâu Nghi Sơn, do đó hàng hóa, phương tiện của Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình đến Thanh Hóa sẽ rất thuận lợi.
Thứ ba, về định hướng ưu tiên phát triển khu vực dịch vụ tại các địa bàn. Tôi đề nghị quy hoạch cần xác định rõ hơn, cụ thể hơn việc xây dựng trung tâm logistics ở khu vực Bắc Trung Bộ. Trong dự thảo quy hoạch mới xác định được các trung tâm logistics tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu.
“Theo tinh thần Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị đã xác định rất rõ xây dựng trung tâm logistics cấp vùng hạng 1 tại khu vực kinh tế Nghi Sơn. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung nội dung này vào trong quy hoạch”, ông Hải nêu.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều rất tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc, có giá trị đã gợi mởi nhiều vấn về để các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện Quy hoạch. Đồng thời cho biết sẽ nghiên cứu tiếp thu xác đáng các ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Về sự cần thiết và tính cấp bách của xây dựng Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để triển khai các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch khác, cũng như để thu hút đầu tư đầu tư cho các các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.
Về mức độ chi tiết, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đã đảm bảo tuân thủ là một bước cụ thể hóa các Nghị quyết của Đại hội thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Quy hoạch này cũng là quy hoạch tuân theo Điều 22 của Luật Quy hoạch xác định là quy hoạch cấp quốc gia mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ; tổ chức không gian phát triển của đất nước.
Các nội dung chi tiết về phân chia tiểu vùng trong các vùng, liên kết nội vùng, định hướng phát triển cụ thể của từng ngành, từng tỉnh sẽ được quy hoạch cụ thể hóa ở các quy hoạch cấp thấp hơn để tránh sự trùng lắp và chồng chéo về nội dung của các quy hoạch.
Về sự về các quan điểm phát triển và những trọng tâm, trọng điểm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, quan điểm mới và quan trọng của quy hoạch lần này là phải hướng đến phát triển có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra được động lực phát triển mới, đồng thời phải đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội và môi trường. Theo đó, phân chia ra 2 giai đoạn:
Giai đoạn trước 2030 phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi để hình thành các vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo quan tâm các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường, các đối tượng chính sách, những người nghèo, dân tộc thiểu số miền núi nhất là về y tế, giáo dục và văn hóa.
Giai đoạn sau năm 2030 sẽ hướng đến phát triển cân bằng, hài hòa và bền vững giữa các vùng miền và địa phương.
Về hình thành và phát triển các vùng động lực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay để lựa chọn một số địa bàn có vị trí, điều kiện thuận lợi nhất có cảng biển, cảng hàng không quốc tế, khu kinh tế ven biển, tiềm lực về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao được kết nối với các cửa khẩu quốc tế… sẽ xác định là 4 vùng động lực, sau đó có 4 cực tăng trưởng.