Người nam cởi trần đóng khố, tay cầm nõ tượng trưng cho sinh khí nam. Người nữ mặc váy yếm cầm nường tượng trưng cho nữ. Sau khi cụ từ hô “Linh tinh tình phộc” thì người nam cầm nõ cắm vào nường của người nữ 3 lần.
Hội “Linh tinh tình phộc” hay còn gọi là Hội trò trám được diễn ra vào ngày 11 và ngày 12 Tết hàng năm tại miếu Trám xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Đây có thể coi là lễ hội có một không hai tôn vinh tín ngưỡng phồn thực của cư dân vùng lúa nước.
Ngay từ chập tối ngày 11 tại sân miếu Trám đã diễn ra các trò diễn xướng dân gian: Tứ dân chi nghiệp với tích của bốn nghề chính là Sỹ, Nông, Công, Thương. Tham gia diễn trò là những người nông dân của làng Trám với cách hóa trang và trang phục đầy mầu sắc. Trong tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã, những nghệ sĩ nông dân say sưa diễn với những câu hát vui nhộn.
Đúng 12h đêm ngày 11, rạng sáng ngày 12 thì phần lễ mật diễn ra. Lúc này cụ từ trông coi miếu Trám sẽ trèo lên ban lấy tráp gỗ sơn đỏ mang xuống để trước ban thờ rồi hát mấy điệu văn tế. Người nam cởi trần đóng khố, tay cầm nõ tượng trưng cho sinh khí nam. Nhân vật nữ mặc váy yếm cầm nường tượng trưng cho nữ. Sau khi nghe cụ từ hô “Linh tinh tình phộc” thì người nam cầm nõ cắm vào nường của người nữ và cứ hô và cắm như vậy đủ ba lần trong tiếng reo hò của dân làng. Cuối cùng, cụ chủ lễ hô “Tháo khoán” và mọi người cùng nhau chạy túa ra.
Theo quan niệm của dân làng nếu ba lần đâm trúng thì mùa màng tươi tốt, bội thu; hai lần thì được mùa; một lần là làm ăn kém… Trong đêm tối chủ tế nghe tiếng “cạch” đủ ba tiếng đèn lại sáng. Phút ấy gọi là phút “thiêng”. Cuối cùng cụ chủ lễ hô “Tháo khoán”. Xưa kia, vào giờ “Tháo khoán”, theo phong tục, ngoài rừng trám các đôi trai gái và dân làng được tự do mọi chuyện và nữ phải giữ một vật của nam để làm tin như khăn đội đầu. Cô nào mang thai trong dịp đó là lễ “hèm” của làng thành công, đem lại điều may mắn cả năm cho gia đình và toàn thôn. Thôn sẽ đứng ra lo liệu tổ chức lễ cưới cho họ và không phải nộp khoản tiền “cheo”. Những đứa trẻ được sinh ra từ đêm “linh tinh tình phộc” làng chấp nhận vì họ cho rằng những đứa trẻ đó sẽ mang lại sự phồn vinh cho cả làng./.