Các chuyên gia cảnh báo tình trạng quá tải hệ thống xếp hạng tín nhiệm nếu không thực hiện thí điểm dần để tạo lượng khách hàng “mồi” nhằm nâng số lượng nguồn cung cấp dịch vụ xếp hạng trên thị trường.
Trên cơ sở tham vấn ý kiến của doanh nghiệp, VCCI vừa có văn bản góp ý về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Trước đó, giữa tháng 12, Bộ Tài chính trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ nhằm tháo gỡ các khó khăn phát sinh hiện nay với nhiều điểm đáng chú ý, trong đó, có đề xuất thời gian thực hiện quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp lùi lại 1 năm, áp dụng từ ngày 1/1/2024. Đồng thời, quy định về yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2024 thay vì từ ngày 1/1/2023 như quy định tại Nghị định 65.
Theo các chuyên gia, đề xuất của Bộ Tài chính là tín hiệu đáng mừng đối với các doanh nghiệp. Nhất là trong lĩnh vực bất động sản, khi hầu hết số vốn doanh nghiệp có được do phát hành trái phiếu đều đang nằm trong các dự án dở dang và các sản phẩm chưa bán ra được để thu hồi trả nợ. Vì vậy việc sửa đổi Nghị định 65 sẽ tạo dư địa, cho phép các nhà phát hành, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng và công ty chứng khoán có thêm thời gian xử lý vấn đề trái phiếu.
Trong văn bản góp ý gửi Bộ Tài chính, VCCI đánh giá các quy định tại Nghị định 65 đã khắc phục nhiều vấn đề bất cập so với Nghị định 153/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, quy định về thời điểm có hiệu lực và quy định chuyển tiếp của Nghị định 65 chưa thực sự hợp lý. Một số thay đổi chính sách lớn có thời gian thực hiện quá ngắn khiến các doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư và các bên liên quan khác không đủ thời gian chuẩn bị.
Đây là thời điểm thị trường tài chính Việt Nam và toàn cầu có những biến động vĩ mô lớn, ảnh hưởng bất lợi đến việc huy động vốn cho sản xuất kinh doanh. Do vậy, việc sửa đổi các quy định về thời điểm có hiệu lực và quy định chuyển tiếp của Nghị định 65 là cần thiết.
Đồng tình với việc giãn thời gian thực hiện quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng 01 năm, VCCI đánh giá, tại Tờ trình của Dự thảo, cơ quan soạn thảo đã phân tích kỹ các tác động tích cực và tiêu cực của quy định này. Cơ quan soạn thảo cũng đã đưa ra giải pháp hạn chế tác động tiêu cực là tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cảnh báo rủi ro và tăng cường giám sát để kịp thời phát hiện vi phạm.
Đây là các biện pháp hợp lý và đề nghị cơ quan soạn thảo thực hiện tốt các biện pháp này trong năm 2023. Thêm vào đó, đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để quán triệt các ngân hàng thương mại khi môi giới bán trái phiếu thì cần tư vấn đầy đủ về rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân.
Tuy nhiên, trước đề xuất cho phép giãn thực hiện quy định về yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm trong vòng 1 năm của Bộ Tài chính, thực hiện từ ngày 1/1/2024 thay vì từ ngày 1/1/2023 như quy định tại Nghị định 65. (Đối với trái phiếu chào bán ra công chúng, doanh nghiệp phát hành vẫn phải xếp hạng tín nhiệm từ đầu năm sau), VCCI cho rằng, cần nhận thức rõ xếp hạng tín nhiệm là cơ sở rất quan trọng để làm lành mạnh hóa thị trường, tăng cường lòng tin của thị trường, đưa thị trường trái phiếu Việt Nam tiệm cận với chuẩn mực quốc tế.
“Vấn đề xếp hạng tín nhiệm từ trước đến nay vẫn gặp tình trạng “con gà quả trứng” – khi chưa có cầu thì rất khó có cung, và khi chưa có cung rất khó quy định bắt buộc. Nếu áp dụng ngay lập tức quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc kể từ 1/1/2023 sẽ gây nhiều khó khăn cho việc phát hành trái phiếu do các đơn vị cung cấp dịch vụ chưa đủ sức phục vụ một lượng lớn khách hàng như hiện nay. Nhưng nếu lùi thời hạn áp dụng đến 1/1/2024 như Bộ Tài chính đề xuất thì có thể vẫn sẽ lặp lại tình trạng này nếu như trong năm 2023 không có đơn vị phát hành nào sử dụng dịch vụ”, VCCI nhận định.
Để khắc phục mâu thuẫn này, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án khoanh vùng một số doanh nghiệp phát hành buộc phải có xếp hạng tín nhiệm trong năm 2023, sau đó đến năm 2024 mới áp dụng đại trà. Đối tượng doanh nghiệp buộc phải áp dụng trước nên lựa chọn một số ngành, lĩnh vực có thông tin tài chính tương đối lành mạnh.
Theo VCCI, biện pháp này được kỳ vọng sẽ tạo một lượng khách hàng “mồi” cho thị trường dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, bước đầu tạo thói quen và sự tin tưởng của nhà đầu tư vào các báo cáo xếp hạng tín nhiệm, trước khi áp dụng bắt buộc đại trà cho tất cả các doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Cùng đánh giá cao vai trò của xếp hạng tín nhiệm, trao đổi với Reatimes, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ông đồng tình với việc lùi thời gian áp dụng tiêu chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đến ngày 1/1/2024. Tuy nhiên, cứ cho là khi không còn ràng buộc này, nhà đầu tư sẽ hăm hở trở lại thị trường thì việc lùi thời hạn xếp hạng tín nhiệm càng phải cân nhắc. Bởi, nếu đã mở đường cho nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường thì càng phải tăng tính minh bạch của thị trường thông qua xếp hạng tín nhiệm.
“Mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 là để tháo gỡ khó khăn trên thị trường trái phiếu. Thị trường hầu như “đóng băng” và nhà đầu tư tạm ngừng hoạt động giao dịch. Để khuyến khích các nhà đầu tư tiếp tục tham gia thị trường, Bộ Tài chính đã đưa ra một số đề xuất thay đổi rất căn bản. Trong đó, có đề xuất hoãn xếp hạng tín nhiệm trong vòng 1 năm.
Nhưng nếu cho rằng hoãn xếp hạng tín nhiệm để giảm chi phí cho doanh nghiệp thì chưa hẳn. Mặc dù chi phí vài chục triệu đến vài trăm triệu không phải là nhỏ, nhưng vẫn không đáng kể với các nhà phát hành lớn. Ở chiều ngược lại, nên có xếp hạng tín nhiệm tại thời điểm này, đặc biệt là khi mở rộng thị trường cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ, là những đối tượng không có khả năng phân tích tài chính, tín dụng và dễ lao vào những sự mời gọi của các nhà phát hành thông qua việc tăng lãi suất hay các chiêu trò nhằm tăng uy tín của họ như đã xảy ra trong quá khứ”, ông Hiếu nói.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính về việc cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.
“Tôi ủng hộ đề xuất này vì các doanh nghiệp đang rất khó khăn. Tuy nhiên, các nhà phát hành có thể phải tăng lãi suất trong hai năm đó để bù đắp cho việc các nhà đầu tư phải chờ đợi, trong khi lãi suất trên thị trường tài chính cũng đang tăng. Và nếu có thể, nên trả lãi cho các nhà đầu tư trong thời hạn 2 năm để các nhà đầu tư yên tâm tiền của họ sẽ được trả lại”, TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.