Theo TS. Nguyễn Đình Cung, trong năm tới, cần tập trung nguồn lực về vốn, năng lực thực hiện dự án, các nhà thầu và giải quyết vướng mắc về mặt thủ tục để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Chậm mà không chắc
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước 11 tháng năm 2022 đạt 52,43% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 58,33%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (63,86%).
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, giải ngân vốn đầu tư công năm nay chậm hơn năm ngoái và con số năm nay cũng đã nói lên tốc độ rất chậm so với dự toán đầu tư, với yêu cầu đặt ra đối với thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng của nền kinh tế.
Như Tổng cục Thống kê đã đưa ra, nếu tăng trưởng đầu tư công 10% thì tăng trưởng GDP được thêm khoảng 0,065 – 0,7 điểm phần trăm. Đầu tư công là một nguồn vốn đầu tư rất quan trọng, tác động nhiều mặt đến đời sống, kinh tế, xã hội kể cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Về ngắn hạn, đầu tư công như một khoản cầu của nền kinh tế mà chúng ta lại đang thiếu cầu, muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì phải thúc đẩy cầu, đó là cái tăng dễ nhất trong điều kiện hiện nay.
Về trung hạn, đầu tư công tạo ra những công trình, hạ tầng quan trọng, tạo ra sự kết nối trong nền kinh tế, giao thương thuận lợi và cơ hội đầu tư mới cho các khu vực thành phần kinh tế khác. Đồng thời tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn, kéo theo sản xuất vật liệu xây dựng,… thúc đẩy các nguồn vốn đầu tư khác, tạo cơ hội kinh doanh mới trong nền kinh tế.
Tại thời điểm hiện nay, giải ngân vốn đầu tư công không chỉ tác động tích cực đến khu vực thực của nền kinh tế, mà còn kéo theo tác động rất tích cực đến tính thanh khoản, tăng thêm dòng chảy vốn trong nền kinh tế.
Theo vị chuyên gia, có bốn nhóm nguyên nhân làm chậm giải ngân vốn đầu tư công bao gồm: Thứ nhất, chuẩn bị dự án đầu tư còn sơ sài nên rất nhiều dự án được chuẩn bị có chất lượng kém.
Thứ hai, từ yếu kém đó nên quá trình triển khai phải điều chỉnh liên tục về vốn đầu tư, về các nội dung khác, khi đó sẽ phải quay lại từ đầu để xin lại chủ trương đầu tư hoặc làm lại quyết định đầu tư. Nghĩa là làm lại những thủ tục hành chính trong khi các thủ tục này kéo dài hàng năm trời, dẫn đến chậm tiến độ và đội vốn.
Thứ ba, khi điều chỉnh lại được quyết định thì quyết định đó đã không còn phù hợp với điều kiện thực tế, trong khi giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao khiến các nhà thầu càng làm càng lỗ, dẫn đến họ phải làm nhỏ giọt để chờ một thời điểm nào đó sẽ được điều chỉnh, cộng với việc năng lực nhà thầu kém.
Thứ tư, yếu tố cực kỳ quan trọng, bị vấp nhiều và rất căn bản đó là quy định của pháp luật chồng chéo, không rõ ràng, nên nhiều khi thực thi được đúng quy định của luật này thì lại sai về luật khác. Trong bối cảnh như hiện nay phần lớn những trường hợp như vậy đều chần chừ, thậm chí không quyết định để làm.
Có những dự án gọi là điểm chết của quá trình ra quyết định và không thể triển khai tiếp được vì không rõ ai có thẩm quyền, trách nhiệm để giải quyết vấn đề, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư trên từng dự án cụ thể đó.
Giải quyết vấn đề trước mắt
Từ các vấn đề trên, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, chúng ta phải gộp các vấn đề lại xem cái gì là căn bản có thể giải quyết trong trước mắt và trung hạn, cái gì có thể phải giải quyết một cách căn bản, dài hạn hơn. Trong bối cảnh luật lệ chồng chéo, không rõ ràng thì cách tiếp cận giải quyết vấn đề phải như thế nào, là những câu trả lời mà rất cần có sự thống nhất.
Nếu chúng ta nhìn thấy năm nay tăng trưởng khoảng 8% mà nghĩ rằng sang năm 2023, mục tiêu tăng trưởng 6,5% là nhẹ nhàng thì không đúng, mà mục tiêu này đầy thách thức. Vì tất cả các động lực thúc đẩy tăng trưởng của chúng ta đang suy giảm dần, nhất là xuất khẩu suy giảm, cầu trong nước cũng suy giảm. Về mặt cung, rất nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp quy mô sản xuất, lao động bị sa thải, không có việc làm.
“Như vậy, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa còn ưu tiên vào chống lạm phát thì rất khó và không có dư địa để hỗ trợ cho tăng trưởng như những năm trước. Tôi cho rằng rất nhiều thách thức đặt ra, nên chúng ta phải tìm kiếm động lực mà câu chuyện đầu tư công sẽ nổi lên như một động lực tương đối khả thi, vì chúng ta thực sự đang có tiền, có dự án cần đầu tư”, TS. Nguyễn Đình Cung bày tỏ.
Khuyến nghị về giải pháp, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng: Thứ nhất, chúng ta phải chấp nhận một thực tế là giá nguyên liệu đầu vào của các công trình dự án đầu tư đã tăng lên mấy chục phần trăm, có những thứ đã tăng lên 100%. Do đó, Nhà nước, các cơ quan có liên quan phải có quyết định ngay về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư cho các dự án đã trúng thầu, mức điều chỉnh đó phải ở mức cao, đủ hợp lý để bù đắp được chi phí đầu vào đã gia tăng, để các nhà thầu ít nhất không bị lỗ trong việc thực hiện dự án.
Thứ hai, là phải đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư, trong đó chủ đầu tư và kho bạc phải phối hợp với nhau để các nhà thầu được giải ngân vốn đủ và kịp thời với khối lượng công việc họ đã thực hiện.
Cần phải xác định lại điều kiện, hồ sơ thủ tục để được giải ngân, các nhà thầu sẽ được giải ngân trong vòng 24h kể từ khi họ đủ điều kiện. Theo tôi những vấn đề này nằm trong tầm tay có thể giải quyết được.
Bên cạnh đó, có một vấn đề mà theo TS Nguyễn Đình Cung, có thể thấy rất đơn giản đó là có những dự án đầu tư rất quan trọng quốc gia, là những dự án không thể không làm như dự án vành đai ba, vành đai bốn TP.HCM, vành đai bốn Hà Nội, các đường cao tốc gắn với TP.HCM về các tỉnh hay dự án sân bay Long Thành… Đó đều là những dự án không thể không đầu tư, mà phải làm càng nhanh càng tốt. Chúng ta hãy tập trung nguồn lực về vốn, năng lực thực hiện dự án, các nhà thầu và những gì liên quan còn vướng mắc về mặt thủ tục thì cần tập trung giải quyết.
Khi đó TP.HCM sẽ đích thực trở thành vùng động lực của nền kinh tế, chứ không phải chỉ là một “động lực mạnh” vốn đang bị xói mòn dần và nguồn năng lượng cho tăng trưởng đang giảm dần.