Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2022 với những chỉ số phát triển bền vững, đánh dấu sự chuyển dịch từ cho vay doanh nghiệp lớn sang cho vay khách hàng cá nhân.
Thu phí từ dịch vụ thẻ:Số 1 về giá trị thanh toán
Theo báo cáo tài chính năm 2022, thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái và đóng góp 9,7 nghìn tỷ vào mức thu nhập chung. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động dịch vụ đến từ sự tăng trưởng của các dịch vụ cốt lõi như thu phí từ dịch vụ thẻ, thu phí từ dịch vụ bảo hiểm, thu từ thư tín dụng,…
Đáng chú ý, thu phí từ dịch vụ thẻ của Techcombank đạt 1.980,6 tỷ đồng (tăng 83,5% so với cùng kỳ), giúp Techcombank khẳng định vị thế dẫn đầu về thanh toán khi kết thúc năm với vị trí số 1 về giá trị thanh toán trên tất cả các loại thẻ chính. Trong lĩnh vực thẻ tín dụng, Ngân hàng lần đầu tiên dẫn đầu về giá trị thanh toán và số lượng thẻ phát hành mới trong tất cả các quý của năm.
Riêng trong quý 4/2022, chi phí hoạt động của Techcombank đã tăng gần 18% so với cùng kỳ. Hạng mục chi phí tăng đa phần do Techcombank đang tập trung ưu tiên đầu tư 3 trụ cột chính là Số hóa, Dữ liệu và Nhân sự để thực hiện chiến lược số hóa ngân hàng trong giai đoạn 2021 – 2025. Chi phí dự phòng tiếp tục giảm xuống mức 1,9 nghìn tỷ tương ứng giảm đến 27,3% so với cùng kỳ năm trước nhờ hoàn nhập dự phòng một số chi phí đã trích trước cho các khoản vay tái cơ cấu do Covid-19 trong năm 2020 – 2021.
Với kết quả kể trên, tính chung một năm nhiều biến động trong lĩnh vực tài chính, Techcombank lãi 25.568 tỷ đồng, tăng 10% so với 2021 và vượt qua kỷ lục lợi nhuận tỷ đô đạt được năm 2021.
Tiền gửi có kỳ hạn tăng mạnh
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản Ngân hàng đạt 699 nghìn tỷ đồng, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Danh mục tín dụng tiếp tục được chuyển dịch từ cho vay doanh nghiệp lớn sang cho vay cá nhân, giảm thiểu rủi ro danh mục và tăng hiệu quả sử dụng vốn của Ngân hàng.
Cụ thể, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 40,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 226,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 49,1% danh mục tín dụng của Ngân hàng. Dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 7,3% so với cùng kỳ, đạt 69,4 nghìn tỷ đồng.
Techcombank đã cân đối theo chỉ tiêu tín dụng 14,5% được NHNN cấp, theo đó tổng dư nợ tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp lớn (bao gồm cho vay và trái phiếu) giảm 9,9%, đạt 165,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,9% dư nợ tín dụng toàn Ngân hàng.
Tổng tiền gửi tại ngày 31/12/2022 là 358,4 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn đạt 225,9 nghìn tỷ đồng, tăng 44,9% so với cùng kỳ và số dư CASA đạt 132,5 nghìn tỷ đồng.
Techcombank cho biết, bối cảnh môi trường lãi suất cao trên toàn cầu, thanh khoản hệ thống bớt dồi dào và tâm lý tiêu cực về thị trường bất động sản và trái phiếu đã góp phần khiến số dư CASA sụt giảm, do khách hàng có xu hướng giảm nắm giữ tiền mặt để đầu tư hay chi tiêu và tăng mở tài khoản tiết kiệm. Trong bối cảnh này, mức tăng trưởng mạnh mẽ của số dư tiền gửi có kỳ hạn, đặc biệt quý 4 tăng 32.3% so với quý trước, đã cho thấy sự quyết liệt trong hành động thức thời của Ngân hàng, đảm bảo nguồn vốn trong nước khi chi phí đi vay từ thị trường quốc tế bị tác động kép, cũng như đã thể hiện sự tin tưởng cao của khách hàng vào an toàn hệ thống cũng như hoạt động của Techcombank.
Theo Techcombank, ngân hàng đã khép lại quý 4 năm 2022 với 10,8 triệu khách hàng, tức hơn 10% dân số Việt Nam, đã sử dụng dịch vụ của Techcombank. Quý 4/2022, ngân hàng thu hút thêm 373.000 khách hàng mới nâng tổng số khách hàng mới trong cả năm 2022 lên con số 1,2 triệu khách. Khối lượng giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân trong quý 4 năm 2022 đạt 238,7 triệu giao dịch (tăng 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái), tuy nhiên giá trị giao dịch giảm nhẹ 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2,5 triệu tỷ đồng.
Tỷ lệ an toàn vốn cao, nợ xấu duy trì ở mức thấp
Tại thời điểm 31/12/2022, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn ở mức 28,8%, thấp hơn nhiều so với giới hạn mới 34% theo quy định hiệu lực từ ngày 1 tháng 10 năm 2022.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II ở mức 15,2% vào cuối năm 2022, cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu 8,0% của trụ cột I, Basel II, tăng 18 điểm phần trăm so với đầu năm 2022.
Tỷ lệ nợ xấu tại ngày 31/12/2022 ở mức 0,9% với tỷ lệ bao phủ nợ xấu lành mạnh, đạt 125,0%. Tỷ lệ nợ xấu của riêng Ngân hàng và trước ảnh hưởng của CIC giữ ổn định ở dưới mức 0,6%.
Nợ tái cơ cấu theo chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là 0,4 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,1% tổng dư nợ, giảm từ mức 1,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,5% tổng dư nợ ở thời điểm đầu năm./.