UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có tờ trình gửi Bộ Xây dựng về việc thẩm định Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040, dự kiến sẽ mở rộng thêm khoảng 880ha thuộc 4 xã, thị trấn của huyện Diên Khánh.
Tầm nhìn và mục tiêu phát triển của thành phố sẽ đóng góp tích cực vào việc hiện thực hoá tầm nhìn phát triển chung của tỉnh Khánh Hòa: “Trở thành một tiêu chuẩn mới về chất lượng sống, làm việc và du lịch”.
Theo quy hoạch, TP. Nha Trang sẽ trở thành đô thị du lịch biển quốc gia và quốc tế; là đô thị hạt nhân, trung tâm hành chính – chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Khánh Hòa; là trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo và y tế của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; là trung tâm du lịch, thương mại – tài chính, dịch vụ hàng hải của vùng Nam Trung Bộ và cả nước; có vai trò và vị trí quan trọng về an ninh – quốc phòng và bảo vệ môi trường biển.
Về quy mô dân số, đến năm 2030 TP. Nha Trang có khoảng 640.000 người (dân số thường trú khoảng 496.000 người) và đến năm 2040 khoảng 780.000 người (dân số thường trú khoảng 570.000 người).
Tầm nhìn và mục tiêu phát triển TP. Nha Trang là đóng góp tích cực vào việc hiện thực hoá tầm nhìn phát triển chung của tỉnh Khánh Hòa: “Trở thành một tiêu chuẩn mới về chất lượng sống, làm việc và du lịch”; Nha Trang là một đô thị xanh, sạch và phát triển bền vững, có dịch vụ đa dạng, du lịch đẳng cấp gắn với những giá trị cảnh quan thiên nhiên và văn hóa đặc sắc; là một trung tâm du lịch sự kiện tầm cỡ quốc gia và quốc tế, trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng áp dụng công nghệ cao tầm cỡ quốc tế; là một trung tâm nghiên cứu sáng tạo gắn với môi trường sống thân thiện, trong lành, giàu giá trị văn hóa, nhân văn của cả nước và khu vực.
Phạm vi lập quy hoạch có tổng diện tích khoảng 27.502,5ha gồm 26.622,5ha thuộc TP. Nha Trang và khoảng 880ha thuộc xã Diên An, Diên Toàn, Suối Hiệp, thị trấn Diên Khánh thuộc huyện Diên Khánh (khu vực phía Tây Nha Trang).
Về định hướng phát triển không gian đô thị tổng thể TP. Nha Trang đến năm 2040 là: Thành phố sẽ nâng cao chất lượng và giá trị các không gian đô thị hiện có; phát triển mở rộng không gian xây dựng đô thị về phía Bắc, Tây Bắc, phía Tây, phía Nam và phía Đông (ra biển – khu vực Vĩnh Lương, Phước Đồng và trên các đảo, nhưng phải đảm bảo bảo tồn tôn tạo và phát huy được các giá trị cảnh quan đặc trưng).
Bên cạnh đó, xây dựng và tổ chức hệ thống hạ tầng xanh, không gian mở. Tổ chức không gian đô thị phù hợp với quy luật kinh tế, trong đó, các quỹ đất có giá trị cao được sử dụng với hệ số sử dụng đất cao hơn.
Tổ chức đô thị đa trung tâm, với trung tâm chính là dải đô thị ven biển và các khu trung tâm khác tại: khu vực sân bay Nha Trang cũ, dọc sông Cái, tại khu vực đô thị sinh thái đồng trũng phía Nam đường Phong Châu, dọc đường Võ Nguyên Giáp và các trục chính đô thị, trên đảo Hòn Tre, dọc các dòng sông khác trong thành phố và xung quanh các công viên trong mỗi khu đô thị…
Không gian quy hoạch phát triển của TP. Nha Trang được hướng dẫn và kiểm soát phát triển theo 14 phân khu, mỗi khu vực có thể phát triển một cách năng động, hiệu quả và có bản sắc về kinh tế – xã hội – cảnh quan, bao gồm: Khu vực Xương Huân, Vạn Thạnh, Lộc Thọ, Phước Tiến; Khu vực sân bay cũ và vùng phụ cận; Khu vực Phước Long, Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên; Khu vực phía Tây đường Lê Hồng Phong; Khu đô thị ven biển, phía Đông đường sắt – từ Bắc sông Cái đến Mũi Kê Gà; Khu vực từ phía Nam Núi Cô Tiên đến phía Bắc Núi Hòn Ngang; Khu vực đô thị phía Bắc sông Cái và khu vực Hòn Nghê; Khu vực đô thị phía Tây Nha Trang; Khu vực đồng trũng phía Nam đường Phong Châu và khu vực núi phía Tây sông Tắc; Khu vực Phước Đồng – Hòn Rớ – phía Bắc núi Cù Hin; Khu vực Đồng Bò – Trảng É; Khu vực phía Tây Bắc Quốc lộ 1 – thuộc xã Vĩnh Phương; Khu vực xã Vĩnh Lương – phía Bắc núi Hòn Ngang; Khu vực vịnh Nha Trang.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 là công cụ quan trọng và cần thiết để triển khai các nội dung liên quan, nhằm tiếp tục phát triển TP. Nha Trang trở thành đô thị hạt nhân của tỉnh Khánh Hòa và trung tâm của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ – Tây Nguyên. Do đó, UBND tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng xem xét thẩm định đồ án nói trên để làm cơ sở hoàn chỉnh hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của TP. Nha Trang.