Năm 2022, bằng sự nỗ lực và quyết tâm trong hành động,TP. Sầm Sơn đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, đó là tiền đề để tiếp tục phát triển và gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong những năm tiếp theo.
Năm 2022, tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của TP. Sầm Sơn thuộc nhóm cao của tỉnh, 31/31 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, nổi bật là kinh tế tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ước đạt 32,2% (trong đó dịch vụ chiếm 60,1%; nông – lâm – thủy sản chiếm 9,6%; công nghiệp – xây dựng chiếm 17,7%).
Cụ thể, sản xuất công nghiệp – xây dựng đạt mức tăng trưởng khá; giá trị sản xuất ước đạt 11.498 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch, tăng 24% so với cùng kỳ. Ngành dịch vụ tăng trưởng mạnh, tổng giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 8.863 tỷ đồng, đạt 119% kế hoạch, tăng 66% so với cùng kỳ. Dự kiến trong năm 2022, thành phố đón được gần 7,1 triệu lượt khách, gấp 4,5 lần năm 2021, bằng 200,6% kế hoạch; phục vụ hơn 14 triệu ngày khách, gấp 4,04% năm 2021, bằng 172,1% kế hoạch.
Năm 2023, TP. Sầm Sơn phấn đấu đón 7,25 triệu lượt khách, doanh thu đạt 15.518 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, TP. Sầm Sơn đã ban hành Chương trình phát triển du lịch, trọng tâm là nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của dịch vụ du lịch, xây dựng hình ảnh con người Sầm Sơn văn minh, thân thiện giai đoạn 2021 – 2025.
Thành phố hiện có trên 710 cơ sở lưu trú du lịch với trên 25.000 phòng đạt tiêu chuẩn (105 cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 1 đến 5 sao, với 6.955 phòng), khoảng 50 nhà hàng phục vụ ăn uống có sức chứa từ 300 người trở lên và trên 250 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, thương mại khác.
Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 14.134,2 tỷ đồng, gấp 5,22 lần so với năm 2021, bằng 182,4% kế hoạch năm 2022. Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 19.785 tỷ đồng, bằng 182% kế hoạch, tăng 239% so với cùng kỳ. Phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực, đã thành lập mới 145 doanh nghiệp, đạt 100% kế hoạch, vượt kế hoạch tỉnh giao (145/140 doanh nghiệp).
Thu ngân sách Nhà nước năm 2022 đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay, ước đạt 1.522 tỷ đồng, bằng 266% dự toán tỉnh giao, 105% dự toán HĐND thành phố giao.
Đến ngày 12/12/2022, thành phố đã giải ngân 450 tỷ đồng vốn ngân sách thành phố; ước hết năm 2022, hoàn thành giải ngân 100% vốn ngân sách tỉnh, Trung ương giao, qua đó đưa Sầm Sơn trở thành địa phương đứng thứ đầu toàn tỉnh về giá trị giải ngân vốn đầu tư công.
Công tác giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử được triển khai thực hiện hiệu quả. Kết quả giải quyết hồ sơ trực tuyến tại bộ phận một cửa của thành phố ở mức độ 3 đạt 99,2%, mức độ 4 đạt 98,6%; tại các phường, xã mức độ 3 đạt 84%, mức độ 4 đạt 75%, hoàn thành vượt chỉ tiêu tỉnh giao.
Đặc biệt, với sự nỗ lực, cố gắng của nhiều thế hệ lãnh đạo, nhất là sự nỗ lực, đóng góp của nhân dân, ngày 23/5/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 636/QĐ-TTg về công nhận TP. Sầm Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ số huyện, số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Các hoạt động văn hóa – thể thao tiếp tục là điểm nhấn, tạo ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân và du khách; thể thao thành tích cao đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay, đứng thứ 4 toàn tỉnh. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; giáo dục – đào tạo; an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững, tiếp tục tạo môi trường ổn định và thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.
Năm 2023, tiếp nối những thành tựu về kinh tế – xã hội trong thời gian qua, cùng với việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Sầm Sơn theo Nghị quyết số 298/2022/NQ- HĐND tỉnh Thanh Hóa là điều kiện để TP. Sầm Sơn đề ra các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ.
Trong đó có 11 chỉ tiêu kinh tế: Tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 18% trở lên; cơ cấu các ngành kinh tế trong giá trị sản xuất: dịch vụ 41,2%; công nghiệp, xây dựng 55,2%; nông, lâm, thủy sản 3,6%; thu nhập bình quân đầu người 75 triệu đồng trở lên; thu ngân sách nhà nước (không bao gồm thu tiền sử dụng đất) so với chỉ tiêu HĐND tỉnh giao tăng bình quân hằng năm trên 15%; tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt 13.000 tỷ đồng trở lên; tổng lượt khách du lịch đạt trên 7,2 triệu lượt người; sản lượng lương thực có hạt đạt 6.460 tấn; sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt 24.500 tấn trở lên; giá trị sản phẩm trên một héc-ta đất trồng trọt đạt 100 triệu đồng trở lên; diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đạt 10ha trở lên; thành lập 145 doanh nghiệp mới trở lên.
Cùng với đó là 10 chỉ tiêu xã hội, gồm: tốc độ tăng dân số bình quân hằng năm dưới 1%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 90% trở lên; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,8% trở lên; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng dưới 6,5%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 0,5% trở lên; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động dưới 22%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 83,2% trở lên; giải quyết việc làm mới trong năm cho 2.000 lao động trở lên; tỷ lệ hộ gia đình có nhà ở đạt tiêu chuẩn đạt 97% trở lên; tỷ lệ phường, xã, cơ quan, đơn vị đạt tiêu chí kiểu mẫu đạt 20,7% trở lên.
Ngoài ra, thành phố cũng đề ra 7 chỉ tiêu về quy hoạch, xây dựng, đô thị và tài nguyên – môi trường; 1 chỉ tiêu về an ninh – trật tự (tỷ lệ khu dân cư đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh – trật tự đạt 93% trở lên); 2 chỉ tiêu về xây dựng Đảng (kết nạp 190 đảng viên mới trở lên; phấn đấu 100% cơ sở đảng hoàn thành nhiệm vụ trở lên, trong đó có 20% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ).
Để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trên, thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 26/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển TP. Sầm Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 298/2022/NQ-HĐND, ngày 13/7/2022 của HĐND tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Cùng với đó, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động sản xuất, tạo động lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; hỗ trợ, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội thành phố. Nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng vốn đầu tư công, hiệu quả công tác thu, chi ngân sách.
Tiếp tục tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa; bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế – xã hội phát triển. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, của tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh./.