Trong khi nhiều nhà đầu tư mang tâm lý lo ngại thị trường còn biến động, không dám xuống tiền đầu tư thì nhiều nhà đầu tư lại cho rằng đây là cơ hội hiếm có đi “đãi cát tìm vàng”.
Theo thường lệ, thời điểm cuối năm thị trường địa ốc sẽ chạy nước rút để về đích. Đơn cử như năm ngoái, các nhà đầu tư chốt lời từ kênh đầu tư chứng khoán chuyển sang đầu tư bất động sản. Chính vì thế, vào tầm này của năm ngoái, thị trường bất động sản tại nhiều nơi sốt nóng. Người bán hét giá bao nhiêu, người mua sẵn sàng bỏ tiền mua ngay lập tức mà không chút chần chừ, mặc cả. Khi ấy, nhà đầu tư có tâm lý chốt nhanh kẻo giá lại neo lên ở một mức khác. Thực tế, giá tăng tính theo giờ, theo ngày.
Thế nhưng, “mùa gặt” năm nay lại khá khác biệt, trong khi người bán sốt ruột muốn bán giá, chấp nhận giảm giá đến cả nửa tỷ đồng thì người mua vẫn không mặn mà gì. Nhiều nhà đầu tư chỉ khảo giá cho biết xem mức giảm đến đâu, nếu giá giảm mạnh cộng với lô đất tiềm năng thì mới xuống tiền.
Anh Nguyễn Duy, nhà đầu tư bất động sản ở Bắc Ninh chia sẻ: “Tôi vừa chốt mua lô đất nền dự án gần khu công nghiệp Thuận Thành với giá 1,5 tỷ đồng, giảm 800 triệu đồng so với hồi tháng 3/2022. Đây là lô có vị trí rất đẹp, có tiềm năng khai thác dòng tiền sau này. Do đó, tôi xác định mua để sử dụng nên mới xuống tiền. Còn hiện nay, thị thường có khá nhiều hàng nhưng nếu hàng xấu thì khó có thanh khoản”.
Theo anh Duy, không chỉ riêng anh mà hầu hết các nhà đầu tư hiện nay đang đi “đãi cát tìm vàng”, chỗ nào tiềm năng mới mạnh tay xuống tiền. Còn lại các nhà đầu tư đều mang tâm lý chờ đợi và nghe ngóng xem diễn biến của thị trường ra sao.
Anh Nguyễn Văn Bách, môi giới phân khúc đất nền ở Bắc Giang chia sẻ: “Nhà đầu tư không dám xuống tiền dù giá giảm bởi tâm lý lo ngại thị trường còn biến động, giá còn giảm tiếp. Do đó, đây là thời điểm nhà đầu tư “thi gan”, ai “lỳ đòn” hơn sẽ chiến thắng. Thế nhưng, với những nhà đầu tư dùng đòn bẩy nợ vay nhiều sẽ rất khó khăn, nếu “chịu khổ” được lâu sẽ không mất hàng, không phải bán lúa non trả nợ. Còn với nhà đầu tư nào đang có “tiền thịt” dám liều thì thời điểm này là cơ hội hiếm có”.
Một nhà đầu tư kinh nghiệm chia sẻ, dòng tiền ở trạng thái chờ để đổ vào bất động sản khá nhiều nhưng sẵn sàng tham gia thị trường ngay trong thời điểm này lại rất ít. Thậm chí dòng tiền “bắt đáy” thời điểm cuối năm cũng ảm đạm hơn dự kiến của nhiều chuyên gia dù bất động sản “cắt lãi” và “cắt lỗ” xuất hiện nhiều.
“Thực tế, người mua ở thực và dân đầu tư bắt đáy đều cho rằng qua cắt sốt giai đoạn 2020 – 2021, giá bất động sản của nhiều phân khúc, nhiều nơi đã tăng gấp đôi, gấp ba. Do đó, với mức giảm 20 – 30% hiện nay cũng chỉ là cắt lãi và chưa thấm vào đâu so với mức tăng mạnh thời gian qua. Chính vì vậy, họ cho rằng thị trường sẽ còn thêm nhiều đợt giảm sâu nữa”, nhà đầu tư này chia sẻ.
Nhận định về tâm lý của các nhà đầu tư, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch HĐQT CTCP Bất động sản BHS cũng cho rằng, trong lúc thị trường đang diễn biến theo hướng downtrend để ra quyết định đầu tư ở thời điểm T0 đối với các nhà đầu tư rất khó khăn do đó tương lai giá vẫn có thể giảm.
Ông Tuyển cho rằng, những biến động trên thị trường tài chính gần đây đã làm cho tâm lý của cả chủ đầu tư và nhà đầu tư bất động sản rơi vào trạng thái hoảng loạn. Nó giống kiểu hiệu ứng FOMO khi thị trường lên người ta sợ bị mất cơ hội phải mua vào bằng được, càng sớm càng tốt. Còn khi nhìn thấy thị trường đi xuống và tương lai không sáng sủa thì họ lại muốn bảo toàn, bán ra càng sớm càng tốt. Điều này dẫn đến câu chuyện downtrend trên toàn thị trường.
“Trong lúc nhà đầu tư đang hoảng loạn dù doanh nghiệp có bán rẻ sản phẩm cũng có rất ít người mua vào. Thậm chí, nhà đầu tư còn chờ đợi bởi họ cho rằng hôm nay có thể khuyến mãi ở mức này nhưng mà biết đâu ngày mai lại khuyến mại ở mức tốt hơn”, ông Tuyển chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Tuyển cho rằng, nếu xác định đầu tư dài hạn, nhà đầu tư có thể nghiên cứu các sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thực trên thị trường. Bởi, cơ hội giảm giá như hiện nay không có nhiều, mười năm mới có một lần thì nhà đầu tư nên nắm bắt./.