Nhiều chuyên gia cho rằng phải cân nhắc thận trọng với đề xuất thí điểm đánh thuế bất động sản thứ hai trở lên của TP.HCM bởi đây là vấn đề gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của hàng triệu gia đình.
TP. HCM vừa đề xuất chủ trương cho thí điểm thu thuế với quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản trên đất của bất động sản thứ hai trở lên, với hai lý do chính được đưa ra: Thứ nhất, đánh thuế giúp hạn chế đầu cơ bỏ hoang nhà, đất trong dự án bất động sản, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Thứ hai, khoản thuế này sẽ giúp thành phố có thêm nguồn thu ngân sách để tái đầu tư phát triển.
Từ đề xuất của TP.HCM có thể nhớ lại trong quá khứ như Dự thảo quy định về việc đánh thuế người sở hữu nhiều bất động sản có từ năm 2017 với nhiều đề xuất từ Bộ Tài chính hay UBND TP. Hà Nội, nhất là đánh thuế với những biệt thự bỏ hoang. Thế nhưng, việc này phải dừng lại dù được bàn lên bàn xuống nhiều lần.
Mới đây nhất, trong Tờ trình tóm tắt về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Chính phủ gửi lên Quốc hội đầu tháng 10/2022 có nội dung mới quy định mức thuế cao hơn đối với người có nhiều nhà, đất. Điều này cho thấy sự quyết tâm của các ban, ngành trong việc đánh thuế, hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản chứ không chỉ đơn thuần dừng lại ở đề xuất như trước.
Tuy nhiên, cũng giống như những đề xuất dự thảo trước, đề xuất mới đây của TP.HCM cũng nhận được sự quan tâm và nhiều quan điểm của chuyên gia, đa số ý kiến cho rằng cần phải xem xét kỹ lưỡng.
Chia sẻ với Reatimes, PGS. TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, đề xuất đánh thuế bất động sản với người sở hữu nhiều đất đai, bất động sản hoặc từ 2 trở lên đã từng được nhiều lần đề cập, nhưng cho đến nay vẫn là đề xuất và chưa thể thực hiện được.
Nguyên nhân, là do Nhà nước, các bộ ngành, cơ quan thuế chưa có sự chuẩn bị cho việc đánh thuế tài sản là bất động sản, cụ thể ở đây là ngôi nhà thứ hai. Nếu muốn đánh thuế ngôi nhà thứ hai, cơ quan quản lý phải nắm được thông tin chủ sở hữu từng bất động sản, cũng như sự thay đổi của thị trường. Tuy nhiên, sau nhiều năm thị trường bất động sản hình thành và phát triển, đến nay việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu “ngôi nhà thứ nhất” của mỗi cá nhân còn chưa thực hiện được, thì việc đề xuất đánh thuế “ngôi nhà thứ hai” là điều không thể.
Theo ông Trần Kim Chung, ở góc nhìn tích cực thì việc đánh thuế bất động sản sẽ hạn chế nguy cơ đầu cơ trên thị trường bất động sản, ngăn chặn nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường bất động sản, giúp thị trường ngày càng minh bạch hơn và sẽ tạo điều kiện cho người có nhu cầu thật có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với các sản phẩm trên thị trường.
Tuy nhiên, cách thức triển khai ra sao cần phải được xem xét ở nhiều khía cạnh, cân nhắc nhiều vấn đề như cơ sở dữ liệu quốc gia trong quản lý đất đai, bất động sản, sự công bằng giữa người mua ở thực, nhu cầu tạo lập chỗ ở của gia đình với giới đầu cơ mua bán kiếm lời.
Còn GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, vị chuyên gia đã từng đưa ra nhiều quan điểm nhận định về câu chuyện thu thuế bất động sản cũng cho rằng, ông luôn ủng hộ việc đánh thuế bất động sản vì những góc nhìn tích cực. Nhưng việc thực thi áp dụng các chính sách thu thuế này phải trên nhiều cơ sở hợp lý, đảm bảo công bằng, hài lòng người dân, doanh nghiệp chứ không phải vì thấy một số nước thu thuế mà bắt chước theo.
“TP.HCM đề xuất việc đánh thuế bất động sản thứ hai trở lên nhưng liệu cả chính quyền, người dân đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc này hay chưa? TP.HCM đã quản lý được các bất động sản thứ hai bỏ hoang và mang tính đầu cơ hay chưa? Trong khi chưa có quy định về nguồn gốc tiền đầu tư bất động sản ra sao thì việc thu thuế này sẽ còn phải cân nhắc”, ông Võ nhận định.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, các dự thảo đề xuất thu thuế với bất động sản thứ hai chỉ thực hiện được khi phải có hệ thống cơ sở dữ liệu nhà đất trên phạm vi cả nước. Làm thế nào để người dân không tìm cách nhờ người khác đứng tên hộ nhà đất. Về mặt pháp luật yêu cầu giải trình nguồn gốc tiền mua bất động sản phải rất minh bạch. Còn những trường hợp khác người dân có một vài cái nhà nó ọp ẹp thôi thì đừng nên nghĩ đến chuyện bắt phải đóng thuế.
Các chính sách khi ban hành để phục vụ phát triển kinh tế xã hội, công tác quản lý, suy cho cùng vẫn phải lấy người dân làm trung tâm, do đó cần tạo sự đồng thuận cao để triển khai thuận lợi; tránh những xáo trộn quá lớn gây ảnh hưởng tới đời sống của người dân.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang khó khăn về nguồn cung, cầu và giao dịch thì việc áp thêm sắc thuế cho căn nhà thứ hai cần hết sức thận trọng, tránh làm thị trường thêm trầm lắng, nhà đầu tư lo lắng. Nếu áp dụng thí điểm như đề xuất của TP.HCM thì chỉ nên thực hiện trên những dự án đã bỏ hoang hoá, từ đó gia tăng nguồn lực để thực hiện những dự án nhà ở xã hội quy mô lớn, phù hợp với thu nhập của đa số người lao động.
“Hiện tại, ở Hà Nội và TP. HCM có rất nhiều khu đất chưa xây dựng hoặc xây không đúng quy hoạch và không có lộ trình hoàn thành, hãy đánh thuế thật mạnh vào những khu đất đó. Việc bỏ hoang cả chục năm một khu đất chính là sự lãng phí và không có đóng góp cho xã hội. Hãy đánh thuế vào những trường hợp đó, giúp cho dự án được hoàn thiện, vừa chỉnh trang bộ mặt đô thị chứ không cần phải đánh thuế căn hộ thứ hai của người dân ở thời điểm này”, ông Thanh cho biết.