Người tham dự thi thổi cơm phải quán xuyến các khâu từ đeo cần trúc lên vai, cố định niêu cơm treo trên cần trúc đến giữ lửa vừa đi vừa nấu cho cơm chín, theo sau là cả đoàn rước khua chiêng, gõ trống tưng bừng.
Vào ngày 12 đến 15 tháng giêng là dân làng Ngọc Tiên (Xuân Trường, Nam Định) lại mở hội tưởng nhớ công đức Thành Hoàng làng là Hoàng Văn Quảng, người đã có công dấy binh, lập ấp và cầu một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Năm 1743, Vua Lê Cảnh Hưng ban sắc cho ông là Thông huyền chế cảm Linh thánh Đại vương tiên hiệu Quảng. Tri ân công đức của ông, dân làng Ngọc Tiên tôn ông lên làm Thành Hoàng làng, lập đền thờ và lấy ngày rằm tháng Giêng làm ngày chính kỵ.
Cùng với những nghi thức phần lễ, phần hội dịp này được làng Ngọc Tiên tổ chức phong phú nhiều trò như: Đu tiên, leo cầu ngô trên mặt nước, bắt vịt, bốc bồi, cờ tướng, kéo co… được duy trì từ nhiều đời nay.
Độc đáo, sinh động, náo nhiệt nhất là trò thổi cơm thi và làm cỗ chay dâng thánh thần, tổ tiên. Trò này nhằm diễn lại cảnh sinh hoạt của nghĩa binh dưới thời Đức Thánh tổ dấy binh trấn ấp, thiếu thốn mọi bề, vừa hành quân, vừa lo hậu cần và phải “tích cốc phòng cơ” cho những khi thiếu đói.
Tham dự hội làng có 6 giáp, được chia theo xóm. Mỗi giáp phải chọn 14 người đều là nam giới, tuổi từ 18 trở lên, có phẩm chất đạo đức tốt, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, gia đình toàn vẹn, không vướng tang. Để bắt đầu phần thi thổi cơm và làm cỗ chay, các giáp phải trải qua hai phần thi “địch thủy” và “địch hỏa”. Khi có nước, có lửa thì thổi cơm thi mới được bắt đầu.
Thi địch thủy, mỗi giáp cử ra 2 người, tay cầm một chiếc nậm nhỏ, chạy ra bến Cựa Gà, lội ra giữa dòng sông Ninh lấy đầy nước mang về đổ vào nồi đáy của chõ đồ. Ai mang nước về nhanh nhất, không làm vương vãi dọc đường là người thắng cuộc.
Thi “địch hỏa” được coi là gay cấn nhất, lôi cuốn sự chú ý và tạo tâm lý hồi hộp không chỉ đối với người dự thi mà còn cả với khách thập phương. Bởi có đạt kết quả ở phần thi này mới được tham dự vòng thi kế tiếp. Khi vào cuộc, 12 người của 6 giáp xếp thành hàng ngang, dùng lực cọ xát 2 thanh tre vào nhau tạo ra một lớp mùn mịn; hai thanh tre được đánh vào nhau cho đến khi lực ma sát tạo ra tia lửa bắt vào lớp mùn tre thành lửa. Từ một đốm than hồng, người kéo phải khéo hà hơi để lửa bén vào bùi nhùi rơm bùng lên thành ngọn lớn.
Người tham dự phần thi thổi cơm phải quán xuyến các khâu từ đeo cần trúc lên vai, cố định niêu cơm treo trên cần trúc đến giữ lửa vừa đi vừa nấu cho cơm chín, theo sau là cả đoàn rước khua chiêng, gõ trống tưng bừng. Người thi phải biết ước lượng sao cho đủ nước, đủ lửa, cơm chín nục, dẻo thơm trong thời gian đi trọn 3 vòng rước quanh sân đền, bất luận tiết trời xuân có mưa bụi giăng mắc, có rét đài, rét lộc. Cơm phải đạt yêu cầu: Chín tới, không khô, không hấy, đơm đủ một bát cơm lồng, góp vào mâm cơm cúng Thánh.
Người làng Ngọc Tiên luôn nhắc nhau: “Dù ai đi khắp ba miền, nhớ ngày lễ hội Ngọc Tiên thì về. Dù cho bận rộn tứ bề, Rằm Giêng mở hội thì về Ngọc Tiên”.