Gần như toàn bộ đồ dùng của quán đều được sử dụng bằng những vật dụng thời bao cấp như bát sắt, bình tông, ca đựng nước tráng men, đôi dép cao su, chiếc xe đạp cổ, những chiếc quạt tai voi, ti vi đen trắng…
Thực khách đến đây để được ăn cơm độn khoai, hạt bo bo, để được xếp hàng, được mua hàng bằng tem phiếu…và nghĩ về một thời bao cấp đã qua.
Một ngôi nhà cổ với biển hiệu đơn giản nguyên mẫu cách đây 30 năm “Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37”. Thực khách đến đây được ngồi trên những bộ bàn ăn cũ có chân bàn làm bằng chân của máy khâu, xem ti vi đen trắng loại có bốn chân nổi tiếng một thời.
Đồ đựng nước uống là những chiếc ca sắt tráng men và gió mát thổi ra từ những chiếc quạt tai voi của Liên Xô cũ với cánh quạt bằng cao su. Muốn ăn món gì bạn phải tự xếp hàng, mua tem phiếu tương đương với món bạn gọi, phải trả tiền trước và cầm phiếu về bàn ngồi đợi.
Những cô mậu dịch viên trong trang phục tạp giề trắng sẽ mang món ra cho bạn tất nhiên là với thái độ niềm nở hơn cách đây 30 năm. Với thực đơn bia bán kèm lạc rang hoặc phồng tôm, tóp mỡ xào dưa, cá bống kho, cơm độn ngô hoặc hạt bo bo, mỳ nước “không người lái”, cơm nguội chấm nước phở…
Gần như toàn bộ đồ dùng của quán đều được sử dụng bằng những vật dụng thời bao cấp như bát sắt, bình tông, ca đựng nước tráng men, đôi dép cao su, chiếc xe đạp cổ, những chiếc quạt tai voi, một bộ dàn âm thanh cổ, chiếc xe đạp thống nhất, những bộ tem phiếu mua hàng, những chiếc sổ gạo, một hòn gạch ghi tên để chiếm chỗ xếp hàng…
Anh Phạm Quang Minh, chủ nhân của quán ăn đặc biệt này tâm sự: “Đã từ lâu, tôi luôn muốn mở được một nhà hàng theo phong cách thời bao cấp. Bởi thời nhỏ tôi thường xuyên phải đi xếp hàng ở khu vực phố Nhà Thờ và Tôn Đản. Chuyện xếp hàng và mua bằng tem phiếu đã trở thành một dấu ấn khó phai mờ trong ký ức về tuổi thơ của tôi. Tôi muốn có một nơi để những người từng trải qua thời ấy, trong đó có tôi, nhớ lại một nơi để thế hệ sau tìm hiểu xem cha mẹ chúng đã sống qua một thời thế nào”.
Chị Nguyễn Thị Minh Hiền ở 208 phố Trần Quang Khải nói: “Tôi thường xuyên đến quán này, nó giúp tôi nhớ lại một thời khó khăn đã qua và nhờ có nó mọi người mới quý thành quả của ngày hôm nay”. Được biết món chị Hiền thường gọi khi tới đây là cơm độn khoai và phở “không người lái”.