Việc thị trường khởi đầu năm mới bằng tuần giao dịch thuận lợi mở ra hy vọng trong năm 2023 chứng khoán Việt Nam sẽ vận động tích cực hơn, đem đến cơ hội giải ngân cho nhà đầu tư.
Tuần đầu năm dương lịch 2023 (từ 2 – 6/1), thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến điểm số bật tăng mạnh cùng thanh khoản cải thiện. Theo giới phân tích, xu hướng thị trường tuần qua được hỗ trợ bởi những thông tin tích cực.
Cùng đó, việc thị trường khởi đầu năm mới bằng một tuần giao dịch thuận lợi mở ra hy vọng trong năm 2023 chứng khoán Việt Nam sẽ vận động tích cực hơn, đem đến cơ hội giải ngân cho nhà đầu tư ngắn và trung, dài hạn.
Nhiều thông tin hỗ trợ
Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, ngay trong tuần đầu tiên năm 2023 thị trường dành sự chú ý đến một số thông tin trong nước và quốc tế bao gồm: Trung Quốc thông báo chính thức mở cửa đường bay quốc tế từ ngày 8/1/2023; Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2 chính thức được khởi công từ ngày 1/1/2023, cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong giải ngân đầu tư công năm nay; Dự thảo sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định 65) cập nhật mới nhất đã được Bộ Tài chính trình lên Bộ Tư pháp.
Các chỉ số chứng khoán đều tăng điểm khá ấn tượng trong tuần đầu năm, được dẫn dắt bởi chỉ số VN-Index với mức tăng 4,4% lên mức 1.051,4 điểm. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index và UPCOM-Index cũng đồng loạt tăng lần lượt 2,6% và 1,5%, đóng cửa tuần giao dịch tại 210,6 điểm và 72,7 điểm.
Thanh khoản thị trường được cải thiện với giá trị giao dịch bình quân 3 sàn tăng 9,3% lên mức 11.724 tỷ đồng. Trên nền tảng vĩ mô của Việt Nam duy trì ổn định và định giá về mức hấp dẫn, khối ngoại tiếp tục duy trì tuần mua ròng kể từ đầu tháng 11 năm 2022.
Cụ thể, mở đầu năm mới, khối ngoại đã mua ròng 1.637 tỷ đồng trên sàn HOSE. Tương tự trên 2 sàn còn lại là HNX và UPCOM, khối ngoại tiếp tục mua ròng lần lượt 87 tỷ đồng và 2 tỷ đồng.
Ngành ngân hàng dẫn dắt đà tăng của chỉ số VN-Index trong tuần qua. Các cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng giá; trong đó có BID tăng 7,9%, TCB tăng 7,2%, VCB và CTG đều tăng 5%, và VPB tăng 1,8%.
Trụ cột khác của chỉ số VN-INDEX là nhóm bất động sản chứng kiến sự phân hóa; trong đó, VHM tăng 4%, KDH tăng 4,9%, PDR tăng 8,5%; trong khi đó, CRE giảm 8,7%, NVL giảm 2,9% và NLG giảm 2,7% điều chỉnh.
Dòng tiền cũng hướng tới nhóm cổ phiếu năng lượng giúp nhiều mã trong nhóm này tăng mạnh như PC1 tăng 16,8%, POW tăng 10,3%, và GAS tăng 5,3%.
Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, sau tuần giao dịch tích cực, chỉ số VN-INDEX đang hướng tới vùng kháng cự mạnh vùng quanh 1.070 điểm. Mặc dù đã có một vài tín hiệu vĩ mô tích cực như tỷ giá hạ nhiệt, đà tăng lãi suất đã chậm lại rõ nét, Trung Quốc mở của trở lại sớm hơn dự kiến.
Tuy vậy, trong bối cảnh Tết nguyên đán đang cận kề, khó có thể kỳ vọng dòng tiền sẽ có sự cải thiện đột biến. Thông thường, trước tuần nghỉ lễ dài, nhà đầu tư có xu hướng hạ tỷ trọng margin (vay giao dịch ký quỹ) để tiết giảm chi phí lãi vay. Do đó, khó có thể kỳ vọng đà tăng của thị trường sẽ đột biến trong những tuần sát Tết.
Theo đó, đối với nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn, nên cân nhắc hạ tỷ trọng cổ phiếu khi thị trường tiến vào những vùng cản mạnh quanh 1.070 điểm và canh mua lại khi thị trường điều chỉnh.
Trong khi đó, nhà đầu tư dài hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu chờ đợi sự bứt phá của các chỉ số chứng khoán khi dòng tiền cải thiện sau kỳ nghỉ Tết.
Về nhóm ngành, nhà đầu tư nên hướng tới những doanh nghiệp được hưởng lợi từ những xu hướng vĩ mô lớn trong năm 2023 như Trung Quốc mở của trở lại (cổ phiếu hàng không, du lịch, xuất khẩu thủy sản, cao xu, ximăng); đẩy mạnh đầu tư công (cổ phiếu xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng); phát triển hạ tầng năng lượng (điện, khí đốt).
Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận định, thị trường trong giai đoạn cuối năm và đầu năm mới đã phát ra nhiều tín hiệu tích cực từ chuỗi mua ròng của khối ngoại, sự vận động tích cực của một số cổ phiếu chủ chốt; trong đó có dòng cổ phiếu ngân hàng.
Với trạng thái hiện tại có thể kỳ vọng VN-Index sẽ sớm thoát khỏi kênh downtrend (thị trường liên tục tạo ra các đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, đáy sau thấp hơn đáy trước) trong thời gian ngắn sắp tới.
Trước tuần giao dịch tích cực vừa qua, thị trường đã có 4 tuần liên tiếp điều chỉnh giảm sau đợt hồi phục đầu tiên, nhưng các tuần điều chỉnh giảm đều trong biên độ hẹp mang tính tích lũy và giữ được ngưỡng hỗ trợ 1.000 điểm, do đó nếu VN-Index thoát khỏi kênh dowmtrend trong thời gian tới có thể kỳ vọng chỉ số này sẽ bước vào một đợt tăng điểm mới tiếp theo, với mục tiêu hướng tới khu vực 1.150 điểm.
Tuy nhiên, dù VN-Index có thoát khỏi kênh dowtrend thì thị trường chưa thể bước vào giai đoạn uptrend (giai đoạn tăng giá) ngay, thị trường sẽ vận động trong các đợt sóng hồi với biên độ sẽ hẹp dần để tích lũy chặt chẽ thêm, trước khi giai đoạn uptrend thực sự xuất hiện. Do đó trong giai đoạn hiện tại nhà đầu tư có thể tham gia vào thị trường với tâm thế ngắn hạn, SHS khuyến nghị.
Với góc nhìn trung – dài hạn, SHS cho rằng, rõ ràng sau một năm vận động trong downtrend đã làm mặt bằng giá cổ phiếu giảm mạnh và trở nên hấp dẫn hơn, mặc dù thị trường trong năm tới sẽ còn phải đối diện với nhiều thách thức như lãi suất tăng cao, nguồn tiền rẻ cạn dần, kinh tế toàn cầu vẫn chưa có tín hiệu tích cực…, nhưng mặt bằng giá cổ phiếu đã chiết khấu về mức hấp dẫn như hiện tại sẽ mở ra những cơ hội đầu tư nắm giữ trung dài hạn thực sự hấp dẫn.
Việc lựa chọn danh mục cổ phiếu đầu tư trung dài hạn cần tiến hành cẩn trọng và kỹ lưỡng, nhà đầu tư nên tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, các cổ phiếu dẫn đầu ngành và vẫn duy trì được tăng trưởng lợi nhuận và tiếp tục có kỳ vọng tăng trưởng trong năm tới, chuyên gia từ SHS gợi ý.
Như vậy, thị trường khởi đầu năm mới bằng một tuần giao dịch đi lên và mở ra hy vọng trong năm mới 2023 thị trường chứng khoán sẽ vận động tích cực hơn và đem đến cơ hội giải ngân cho nhà đầu tư.
Chứng khoán thế giới khởi đầu năm mới đầy suôn sẻ
Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh trong bối cảnh các thị trường chứng khoán thế giới cũng có một tuần diễn biến suôn sẻ.
Cụ thể, chứng khoán Mỹ kết thúc phiên 6/1 với mức tăng khá mạnh, giúp các chỉ số đều tiến hơn 1% trong tuần giao dịch đầu tiên của năm mới sau khi báo cáo việc làm của Mỹ cho thấy tốc độ tăng lương đã chậm lại trong tháng 12/2022.
Phiên cuối tuần 6/1, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 2,1% lên 33.630,61. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 2,3% lên 3.895,08 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng tiến 2,6% lên mức 10.569,29 điểm.
Với mức tăng trong phiên cuối tuần 6/1, chỉ số Dow Jones tăng 1,5%, trong khi S&P 500 và Nasdaq lần lượt tăng 1,4% và 1%. Đáng chú ý, S&P 500 và Nasdaq đều dứt chuỗi giảm điểm kéo dài 4 tuần.
Tại châu Á, các thị trường chứng khoán đã được tận hưởng sự khởi đầu năm mới đầy suôn sẻ, chủ yếu nhờ tâm lý lạc quan khi Trung Quốc thông báo mở cửa trở lại và nhiều dấu hiệu cho thấy nước này đang “dịu giọng” trước một số vấn đề trong nước và địa chính trị.
Tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 0,6% lên 25.973,85 điểm. Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,2% xuống 21.012,20 điểm sau ba phiên tăng điểm, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải tăng 0,1% lên 3.157,64 điểm, nhờ báo cáo cho thấy Trung Quốc đang cân nhắc nới lỏng các quy định cho vay nghiêm ngặt cho các nhà phát triển bất động sản.
Bên cạnh đó, chứng khoán Sydney, Seoul, Bangkok và Jakarta cũng giao dịch trong vùng xanh.
Tâm lý lạc quan vẫn còn trên thị trường châu Á khi Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa và các hạn chế nghiêm ngặt khác để ngăn ngừa dịch Covid-19 kéo dài gần ba năm.
Nhiều người kỳ vọng việc dỡ bỏ các hạn chế trên sẽ thúc đẩy ngành dịch vụ du lịch ở nhiều nước và Hong Kong (Trung Quốc) là nơi được hưởng lợi chính khi sắp sửa mở cửa trở lại vào cuối tuần này.
Tuy nhiên, vẫn còn một số thị trường tại châu Á giao dịch trong vùng đỏ như chứng khoán Singapore, Mumbai, Wellington và Manila./.